Mỹ, châu Âu trải qua "mùa đông kỳ lạ"
Sau một mùa hè nắng hạn kỷ lục, nhiều nước lại tiếp tục trải qua một mùa đông thất thường mà biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính
Bang California - Mỹ vừa nhận được một niềm vui bất đắc dĩ từ "sông khí quyển" - một luồng hơi ẩm cực cao chảy từ đại dương vào nội địa - ập xuống trong những ngày đầu năm, làm tuyết rơi dữ dội ở vùng cao và mưa xối xả gây lũ ở các vùng thấp hơn.
Hiện tượng thời tiết cực đoan này đem theo lượng tuyết tăng tới 174% so với mức trung bình trong lịch sử - có thể giúp California dự trữ một lượng lớn nước ngọt cho mùa xuân - hè sau nhiều năm hứng chịu hạn hán nghiêm trọng.
Tuy nhiên, chút tin vui nói trên phải đánh đổi bằng một mùa đông khắc nghiệt. Thêm vào đó, theo AP, các nhà khoa học lại không mấy lạc quan vì năm ngoái California cũng khởi đầu mùa đông với lượng tuyết là 160% so với mức trung bình nhưng tiếp đó lại trải qua 3 tháng khô hạn.
Đến ngày 1-4 năm ngoái, khi lẽ ra tuyết trên dãy Sierra Nevada phải đạt cực đại, nó chỉ còn 38% so với mức trung bình. Tuyết trên Sierra Nevada cung cấp 1/3 nước cho toàn California khi mùa xuân đến làm tuyết tan.
Xe cộ mắc kẹt trên đường liên bang số 80 đoạn qua bang California - Mỹ do tuyết rơi dày cuối tuần trước Ảnh: CƠ QUAN TUẦN TRA XA LỘ CALIFORNIA
Các vùng khác của nước Mỹ cũng đang phải đón năm mới với một hệ thống bão mùa đông lớn khác mang theo tuyết lạnh, mưa lạnh, mưa đá… đổ xuống từ đồng bằng phía Bắc cho đến Thượng Ngũ Đại Hồ từ hôm 3-1.
Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), tuyết rơi dày từ 2,5-7,5 cm/giờ tại các bang Nebraska, Nam Dakota và Minnesota hôm 3-1. Các bang Lousiana, Mississippi, Alabama và Georgia nhận được cảnh báo lốc xoáy và dông bão nghiêm trọng kèm lũ lụt dọc theo rìa phía Nam. Trong khi đó, bờ Tây của Mỹ lại chuẩn bị cho một "sông khí quyển" khác từ ngày 4-1 (giờ địa phương).
Nhà khí hậu học của bang California Michael Anderson cho biết các cơn bão mùa đông năm nay cùng loại với các năm trước nhưng khác biệt đáng ngại là chúng xảy ra liên tục.
Nhà khoa học khí hậu Daniel L.Swain từ Trường ĐH California ở Los Angeles (UCLA) phân tích trên tờ The New York Times rằng khi bầu khí quyển ấm hơn, khả năng giữ hơi nước sẽ cao hơn theo cấp số nhân. Một bầu trời ngậm nước thổi bùng bão tố và gây ra "sông khí quyển" là cơ chế từng được nhiều nhà khoa học, bao gồm Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA), đề cập.
Nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng này, theo các nhà khoa học, không gì khác hơn là tình trạng biến đổi khí hậu.
Ngược lại, châu Âu đang đón một mùa đông ấm kỷ lục với một vòm nhiệt đặc biệt mạnh gây ra nhiệt độ tăng vọt từ 10-20 độ C trên phần lớn châu lục - từ Pháp đến miền Tây nước Nga, theo báo The Washington Post.
Đợt nóng cực đoan được dự báo kéo theo một năm ấm kỷ lục ở châu Âu, cung cấp thêm ví dụ về việc biến đổi khí hậu đang gây ra các hiện tượng thời tiết bất thường. Ngay trong ngày 1-1, nhiều quốc gia ghi nhận ngày ấm kỷ lục như Latvia, Đan Mạch, Belarus, Hà Lan, Ba Lan, Czech và theo hãng tin Bloomberg, "mùa đông ấm" vẫn đang tiếp diễn.
"Chúng ta có thể coi đây là hiện tượng thời tiết cực đoan nhất trong lịch sử châu Âu. Đây là lần đầu châu Âu ghi nhận hiện tượng thời tiết cực đoan về nhiệt độ cao trong tháng 1, có thể sánh ngang với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang xảy ra ở Bắc Mỹ" - nhà khí hậu học Maximiliano Herrera nói với báo The Guardian.
La Nina đang suy yếu
Theo Cơ quan Dự báo thời tiết Úc, hệ thống thời tiết La Nina - gây nên những đợt mưa lũ nghiêm trọng trên khắp nước Úc vào năm 2022 - đang dần suy yếu sau khi diễn ra 3 năm liên tiếp. Dự báo xa hơn cho thấy vùng nhiệt đới Thái Bình Dương sẽ tiếp tục ấm lên theo xu hướng chuyển sang pha El Nino của chu kỳ khí hậu El Nino - Dao động phương Nam (ENSO) trong những tuần tới. ENSO ảnh hưởng đến khí hậu hầu khắp các miền nhiệt đới và cận nhiệt đới.