A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một loài người khác vẫn tồn tại ở châu Á cho đến ngày nay?

"Người Hobbit" - Homo floresiensis, một loài người khác được cho là đã tuyệt chủng sau hàng chục ngàn năm sinh sống ở Indonesia, có thể chưa hoàn toàn biến mất.

Đó là kết luận của nhà nhân chủng học Greogry Forth, cựu học giả từ Đại học Alberta (Canada), được trình bày trong một cuốn sách mới do ông xuất bản, tập hợp nhiều nghiên cứu lâu năm về bí ẩn trên đảo Flores ở Indonesia.

Năm 2004, một nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Đại học Wollongong (Úc) được cho là đã làm "rung chuyển thế giới" bởi bài công bố trên tạp chí Nature về việc phát hiện ra hóa thạch một loài người hoàn toàn mới ở hang Liang Bua, trong lớp trầm tích có niên đại 60.000 đến 100.000 năm.

Một loài người khác vẫn tồn tại ở châu Á cho đến ngày nay? - Ảnh 1.

Khai quật hài cốt Homo floresiensis tại Đảo Flores - Indonesia - Ảnh: ĐẠI HỌC WOLLONGONG

Theo Ancient Origins, những hóa thạch này mang những đặc trưng phổ biến ở các loài người sơ khai, nhưng hoàn toàn độc nhất vô nhị đối với hồ sơ hóa thạch của loài người. Họ chia sẻ vài đặc điểm với loài người tuyệt chủng Homo erectus và Vượn người phương Nam, nhưng cũng sở hữu các đặc điểm quen thuộc ở hóa thạch vượn cổ, thứ lẽ ra phải biến mất từ lâu ở niên đại này.

Đó là một loài người rất khác biệt với Homo sapiens chúng ta, dù cùng thuộc chi Người (Homo). Họ nhỏ bé, chỉ cao hơn 1,2 mét, khoang não chỉ có sức chứa khoảng 1/3 so với Homo sapiens. Nhưng họ cũng có các công cụ riêng, biến làm thuyền bè. Họ được đặt tên là Người Hobbit" - Homo floresiensis.

Trước phát hiện đó, giáo sư Greogry Forth đã trải qua nhiều năm sống giữa những người Lio, một nhóm dân tộc làm nông ở vùng núi miền Trung đảo Flores. Vào đầu những năm 1990 đến 2000, ông đã nhiều lần nghe kể chuyện về một người vượn nhỏ, kỳ dị chiếm giữ hang động Lia Ula trên sườn một ngọn núi lửa không hoạt động.

Một số dân làng Lio kể rằng nhưng vượn người này, mà họ gọi là Ebu Gogo, đã không còn ở đây nữa sau khi cá thể cuối cùng bị người 'Ua, hàng xóm của họ, giết chết vào khoảng 200 năm trước. Nhưng một số người khác thì cả quyết Ebu Gogo vẫn lẩn trốn trong các hang động và rừng rậm quanh đó, với hơn 30 nhân chứng khẳng định họ đã thấy những sinh vật này ít nhất 1 lần.

Khi nghiên cứu từ Đại học Wollongong được công bố, giáo sư Forth đã giật mình khi mô tả về Homo floresiensis hoàn toàn trùng khớp với mô tả từ các nhân chứng đã nhìn thấy Ebu Gogo. Từ đó ông đặt ra giả thuyết rằng loài người cổ đại này có thể vẫn tồn lại, lẩn khuất trong những khu rừng rậm còn hoang sơ và đầy bí ẩn ở Indonesia, ít nhất là cho đến vài trăm năm trước.

Sẽ còn cần nhiều cuộc nghiên cứu khác về điều này, ít nhất là một phần hài cốt thực tế nào có về Ebu Gogo có niên đại gần đây để xác minh họ là thần thoại hay là người anh em khác loài cuối cùng còn tồn tại song song với Homo sapiens. Vào thời loài chúng ta ra đời, có ít nhất 8-9 loài người khác trên địa cầu, nhưng họ đã lần lượt tuyệt chủng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...