A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật đầu tư mới của Campuchia có gì để thu hút nhà đầu tư nước ngoài?

Luật đầu tư mới của Campuchia có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn tại Vương quốc.

Trong ngày 17/02, đại diện Chính phủ Campuchia và Malaysia đã tổ chức cuộc họp thảo luận đặc biệt về những lưu ý quan trọng liên quan đến Luật Đầu tư mới của Vương quốc.

Hôm 15/10/2021, Luật Đầu tư mới của Vương quốc Campuchia (Luật Đầu tư 2021) đã được ban hành. Theo Hiến pháp nước này, những luật khẩn cấp sẽ có hiệu lực ngay sau khi được ban hành. Theo đó, Luật Đầu tư 2021 chính thức có hiệu lực từ ngày 16/10/2021, thay thế Luật Đầu tư cũ được ban hành năm 1994 và sửa đổi năm 2003.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Đại sứ Malaysia tại Campuchia Eldeen Husaini nói: “Chúng tôi hoan nghênh và tán thành rằng việc ban hành một văn bản pháp luật hiệu quả và thiết thực mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư và người dân Campuchia là rất cần thiết. Thông qua đó, nhiều công ăn việc làm sẽ được tạo thêm, làm giảm đáng kể gánh nặng tìm kiếm lao động mới và không còn gây trở ngại cho hoạt động đầu tư nước ngoài nữa”.

Ông Eldeen Husaini nói thêm: “Tôi tin rằng đây chính là điều mà Campuchia đang phấn đấu. Luật mới này chắc chắn thể hiện rõ tính thận trọng của Chính phủ Campuchia trong việc biến nước này trở thành môi trường kinh doanh thân thiện hơn và thu hút đầu tư nhiều hơn. Tôi tin chắc rằng những nỗ lực chăm chỉ của họ sẽ mang lại thành quả ngọt ngào trong tương lai”.

Sách về Luật Đầu tư 2021 cũng được trao đến tay các doanh nhân và nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau thuộc Phòng Thương mại Malaysia tại Campuchia (MBCC) và một số khách mời tham dự cuộc họp.

Sách gồm 12 chương của Luật Đầu tư, được in bằng cả tiếng Anh và tiếng Malaysia. Trong đó, đáng chú ý từ Chương 6 đến Chương 24, quy định nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư từ các ngành công nghệ cao.

Một trong những thay đổi chính của Luật Đầu tư mới là mở rộng lĩnh vực ưu tiên được hưởng ưu đãi đầu tư và thuế. Những dự án được phê duyệt thuộc các lĩnh vực này được xem là dự án đầu tư đủ điều kiện (QIP).

Các lĩnh vực ưu tiên mới đáng chú ý là đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ, ngành kỹ thuật số, cơ khí và máy móc, điện và điện tử, năng lượng xanh, công nghệ thích ứng hoặc giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, y tế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Quy định bổ sung này sẽ giúp Campuchia chuyển nền kinh tế từ các ngành sử dụng nhiều lao động - ngành sản xuất giày dép và hàng may mặc - sang các lĩnh vực hiện đại hóa hơn như công nghệ hoặc thương mại điện tử.

Ưu đãi đầu tư và thuế

Các quy định khung về ưu đãi đầu tư và thuế theo Luật Đầu tư mới nêu rõ 3 hình thức ưu đãi, gồm ưu đãi cơ bản, ưu đãi bổ sung và ưu đãi đặc biệt.

Về ưu đãi cơ bản, nhà đầu tư đủ điều kiện hưởng ưu đãi có thể lựa chọn hưởng toàn bộ miễn thuế thu nhập, từ 3 đến 9 năm, tùy theo lĩnh vực và hoạt động đầu tư hoặc hưởng gộp các ưu đãi khác nhau, gồm giảm trừ khấu khao đặc biệt và đủ điều kiện giảm trừ chi phí theo mức cao hơn.

Một trong những thay đổi đáng chú ý của Luật Đầu tư 2021 là thời hạn miễn thuế đối với ưu đãi cơ bản được tính từ thời điểm dự án có thu nhập lần đầu. Bên cạnh đó, khi thời hạn miễn thuế kết thúc, nhà đầu tư sẽ được giảm thuế thu nhập thêm 6 năm thông qua mức thuế suất giảm dần theo từng thời kỳ.

Luật Đầu tư mới đảm bảo rằng hoạt động đầu tư nước ngoài tại Vương quốc đa phần đều được đối xử như đầu tư trong nước. Một ngoại lệ đáng chú ý đó là các công ty nước ngoài - những công ty được thành lập tại Campuchia với hơn 49% cổ phần thuộc sở hữu nước ngoài - không được sở hữu đất đai tại Vương quốc. Chính vì thế, Campuchia không áp dụng cơ chế giám sát hoặc rà soát cụ thể nào đối với các khoản đầu tư nước ngoài vào đất nước này. Nhà đầu tư nước ngoài cũng không cần phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào để được chấp thuận đầu tư vào Vương quốc.

Luật Đầu tư 2021 còn cho phép một số dự án đầu tư nước ngoài nhất định được áp dụng hình thức QIP để hưởng một số ưu đãi đầu tư từ Chính phủ Campuchia.

Về phía Campuchia, ông Sok Chenda Sophea cho rằng cuộc họp này rất quan trọng và được tổ chức vào thời điểm rất hợp lý. Ông cũng đánh giá cao sáng kiến này của MBCC và bày tỏ lời cảm ơn đối với cơ quan này.

Ông phát biểu: “Nhìn lại năm 1994, Campuchia đã thông qua Luật Đầu tư của Vương quốc nhằm mở cửa thu hút vốn đầu tư tư nhân tại đất nước. Tại nhiều quốc gia, họ có 2 luật đầu tư riêng biệt là luật đầu tư trong nước và luật đầu tư nước ngoài”.

“Thủ tướng Hun Sen là người đã quyết định mở cửa để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn tại Campuchia”, ông Sok Chenda Sophea phát biểu và cho biết thêm rằng Vương quốc từng có các quy định tương tự về đầu tư, áp dụng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo các quy định áp dụng vào thời điểm đó, Campuchia chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 49% cổ phần. Tuy nhiên, vào năm 1994, Vương quốc đã chào đón nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài, bất kể lĩnh vực hay ngành nghề nào.

Đến năm 1999, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, CDC đã tổ chức một diễn đàn chung do cả lĩnh vực công và tư nhân để khuyến khích hoạt động đầu tư của lĩnh vực tư nhân.

Theo ông Sok Chenda Sophea, Luật Đầu tư mới tốt hơn Luật cũ vì có thêm nhiều ưu đãi hơn trước.

Ông nói: “Xét trong bối cảnh của cộng đồng kinh tế ASEAN, pháp luật của chúng ta được xây dựng một cách hợp lý. Luật này được soạn thảo từ năm 2019 nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc ban hành bị trì hoãn”.

Khai Tâm (Theo Khmer Times)

FILI


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...