A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên Hợp Quốc: 25 triệu trẻ em bỏ lỡ tiêm chủng định kỳ do COVID-19

Ước tính có khoảng 25 triệu trẻ em không được tiêm chủng định kỳ do COVID-19 và nhiều thông tin trái chiều về vaccine.

Liên Hợp Quốc: 25 triệu trẻ em bỏ lỡ tiêm chủng định kỳ do COVID-19

Liệu việc bỏ lỡ tiêm chủng định kỳ có là điều kiện cho "cuộc khủng hoảng sống còn" ở trẻ em? Ảnh: AFP

Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 25 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã bỏ lỡ việc tiêm chủng định kỳ chống lại các bệnh thông thường. Nguyên nhân phần lớn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các dịch vụ y tế, thậm chí một số trường hợp gây ra thông tin sai lệch về vaccine.

Trong một báo cáo mới được công bố ngày 15.7.2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF cho biết, số liệu của các tổ chức này cho thấy từ năm ngoái, có khoảng 25 triệu trẻ em không được chủng ngừa các bệnh phổ biến như bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván. Được biết, xu hướng sụt giảm này đã bắt đầu từ năm 2019.  

Giám đốc Điều hành UNICEF Catherine Russel nhận định: “Đây là một báo động đỏ về sức khỏe trẻ em”. Theo bà, thế giới đang chứng kiến sự “sự sụt giảm lượng tiêm chủng kéo dài liên tục lớn nhất từ trước đến nay”, thậm chí, hậu quả của việc này sẽ phải đo lường bằng số người tử vong.

Dữ liệu cho thấy, phần lớn trẻ em không được chủng ngừa sinh sống ở các nước đang phát triển như Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria và Philippines. Tỉ lệ bao phủ vaccine đang sụt giảm ở mọi khu vực trên thế giới và những  tác động tồi tệ của nó đã được chứng kiến ở Đông Á và Thái Bình Dương.

Các chuyên gia cũng cho biết, “bước thụt lùi lịch sử” này nằm trong phạm vi tiêm chủng đặc biệt đáng lo ngại vì nó diễn ra khi tỉ lệ suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở trẻ em đang tăng lên. Theo đó, trẻ em bị suy dinh dưỡng thường có hệ thống miễn dịch kém hơn và dễ tử vọng hơn khi gặp các bệnh nhiễm trùng như bệnh sởi.

Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: “Sự kết hợp của suy dinh dưỡng với khoảng cách tiêm chủng ngày càng gia tăng có nguy cơ tạo ra điều kiện cho một cuộc khủng hoảng về sự sống còn của trẻ em”.

Các nhà khoa học cho biết, tỉ lệ bao phủ vaccine thấp đã dẫn đến sự bùng phát các bệnh như sởi và bại liệt. Trước đó, vào tháng 3.2020, WHO và các đối tác đã yêu cầu các nước tạm dừng nỗ lực xóa sổ bệnh bại liệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gia tăng. Kể từ đó, ước tính có hàng chục “làn sóng dịch” bại liệt ở hơn 30 quốc gia.

AP News dẫn lời Giáo sư về sức khỏe trẻ em tại Đại học London - Helen Bedford - cho hay, điều này đặc biệt “bi thảm vì chúng ta đã đạt được tiến bộ to lớn trong hai thập kỷ trước đại dịch COVID-19 nhằm cải thiện tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em trên toàn cầu”. Theo Giáo sư Helen Bedford, tin tức này gây sốc, tuy nhiên không đáng ngạc nhiên. Thậm chí, bà lưu ý, các vấn đề của dịch vụ tiêm chủng thường là các “nạn nhân sớm” của thảm họa kinh tế hoặc xã hội lớn.

Bác sĩ Nhi khoa tư vấn tại Bệnh viện Nhi đồng Great Ormond Sreet của Anh - Tiến sĩ David Elliman - cho rằng, điều quan trọng ở thời điểm hiện tại là phải đảo ngược xu hướng tiêm chủng đang ngày càng sụt giảm ở trẻ em.

Vị tiến sĩ này từng nói trong một tuyên bố: “Tác động của những gì xảy ra ở một nơi trên thế giới có thể ảnh hưởng và trở thành vấn đề toàn cầu” khi lưu ý đến sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ cùng một thời điểm. “Cho dù mục đích của chúng ta là gì, dựa trên nền tảng đạo đức hay ‘tư lợi’, chúng ta phải đặt trẻ em và lợi ích của trẻ em lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên của mình”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết