Lầu Năm Góc sẽ ra sao khi ông Trump trở lại Nhà Trắng?
Nhiều người đang bàn luận về thay đổi tại Lầu Năm Góc khi ông DonaldTrump - người từng đe dọa sa thải những vị tướng cấp tiến - chính thức nắm quyền.
Các cựu tướng lĩnh và bộ trưởng quốc phòng Mỹ nằm trong danh sách những người bị ông Trump chỉ trích dữ dội nhất. Có lần, ông ám chỉ cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley có thể bị “xử tử vì tội phản quốc”.
Các quan chức Mỹ cho rằng trong chính quyền sắp tới, ông Trump sẽ ưu tiên những cá nhân trung thành. “Thành thật mà nói, ông ấy sẽ phá hủy Bộ Quốc phòng” - ông Jack Reed, đảng viên Dân chủ lãnh đạo Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, lo ngại.
Sa thải nhân vật "thức tỉnh"
Chiến tranh văn hóa có thể một trong những nguyên nhân. Hồi tháng 6, Fox News đã hỏi ông Trump liệu ông có đuổi việc những vị tướng “có tư tưởng thức tỉnh” (woke) hay không.
"Woke” ở đây là thuật ngữ chỉ một người được giáo dục và có ý thức về bất công xã hội và bất bình đẳng chủng tộc. Tuy nhiên, phe bảo thủ sử dụng từ này để hạ thấp và mang hàm ý tiêu cực với những chính sách tiến bộ.
“Tôi sẽ sa thải họ. Không thể có một quân đội như thế được” - ông Trump đáp.
Trong chiến dịch tranh cử, binh lính chuyển giới là mục tiêu công kích của ông Trump.
Nhiều người lo ngại đội ngũ của ông Trump có thể nhắm tới tướng C.Q. Brown - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đương nhiệm. Ông Brown vốn là một cựu phi công chiến đấu, được nhiều người nể trọng và tránh xa chính trị.
Vị tướng da màu này từng đưa ra thông điệp về phân biệt đối xử trong hàng ngũ quân đội sau vụ cảnh sát giết chết George Floyd vào tháng 5-2020. Ông Brown cũng ủng hộ sự đa dạng trong quân đội Mỹ.
Năm 2024, Phó tổng thống đắc cử J.D. Vance - với tư cách là thượng nghị sĩ - đã bỏ phiếu chống lại việc xác nhận ông Brown thành sĩ quan quân đội hàng đầu của Mỹ.
"Nếu những người trong chính quyền không tuân lệnh, sẽ phải loại bỏ họ và thay bằng những người làm theo những gì tổng thống đang nỗ lực thực hiện" - ông Vance cho hay trước bầu cử.
Loại bỏ người phản đối
Tổng thống đắc cử từng ám chỉ quân đội Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng trong nhiều ưu tiên chính sách của ông, từ huy động Vệ binh Quốc gia, thậm chí là lính tại ngũ, trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy tờ cho đến giải quyết tình trạng bất ổn trong nước.
Các chuyên gia quân sự e ngại trước những đề xuất này, bởi họ cho rằng việc triển khai lính trên đường phố không chỉ phạm luật mà còn khiến phần lớn người Mỹ quay lưng với lực lượng vũ trang.
Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin lên tiếng công nhận kết quả bầu cử và nhấn mạnh quân đội sẽ tuân thủ "mọi mệnh lệnh hợp pháp" từ vị lãnh đạo mới
Một số người lưu ý tổng thống Mỹ có thể diễn giải luật, và quân đội Mỹ không thể từ chối mệnh lệnh hợp pháp chỉ vì cho rằng chúng trái đạo đức. Do đó, theo Kori Schake - chuyên gia thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, dưới thời chính quyền sắp tới, nhiều quan chức cấp cao có khả năng bị sa thải khi ông Trump thúc đẩy các chính sách gây tranh cãi.
Dẫu vậy, một quan chức giấu tên cho rằng các lo ngại này bị thổi phồng, vì tạo ra làn sóng hỗn loạn trong quân đội sẽ dẫn đến phản ứng chính trị gay gắt và không cần thiết để ông Trump đạt được các mục tiêu. Vị này cho rằng các sĩ quan quân đội chủ yếu tập trung vào chiến đấu, chứ không quan tâm chính trị.
Thay thế viên chức dân sự
Một số người khác lo ngại các viên chức dân sự tại Lầu Năm Góc sẽ phải trải qua các bài kiểm tra về “lòng trung thành”. Các viên chức dân sự nằm trong số gần 950.000 nhân viên không mặc quân phục làm việc trong quân đội Mỹ. Trong nhiều trường hợp, họ là người có nhiều năm kinh nghiệm chuyên môn.
Trước đó, các đồng minh của ông Trump công khai ủng hộ áp dụng các sắc lệnh hành pháp và thay đổi quy tắc để thay thế hàng ngàn viên chức dân sự bằng các đồng minh bảo thủ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng cam kết sẽ dùng quyền lực để cắt giảm lực lượng lao động trong chính phủ liên bang.