A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm tỷ phú gian nan như “Á vương ngành sữa” Trung Quốc: Rời công ty gắn bó suốt 10 năm vì “bất hòa”, lập doanh nghiệp mới thì “vận đen” giáng xuống, lao đao mãi mới được nghỉ hưu

Tỷ phú Nữu Cảnh Sinh từng phải đổ 30.000 tấn sữa đã thu mua chỉ để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng sau vụ bê bối sữa. Sau khi vực dậy đế chế sắp sụp đổ, ông mới yên tâm nghỉ hưu.

 

Làm tỷ phú gian nan như “Á vương ngành sữa” Trung Quốc: Rời công ty gắn bó suốt 10 năm vì “bất hòa”, lập doanh nghiệp mới thì “vận đen” giáng xuống, lao đao mãi mới được nghỉ hưu - Ảnh 1.

Yili và Mengniu chắc chắn là hai gã khổng lồ sữa của Trung Quốc. Có một điều đặc biệt là 2 gã khổng lồ này đều liên quan đến một tỷ phú nổi tiếng là Nữu Cảnh Sinh. Ông là doanh nhân, nhà từ thiện, người sáng lập Tập đoàn sữa Mengniu Nội Mông, người sáng lập và chủ tịch danh dự của Quỹ Lao Niu.

Ít người biết rằng người sáng lập ra Mengniu, Nữu Cảnh Sinh, ban đầu chỉ là một công nhân chăn nuôi gia súc. Không tiền, không quan hệ, không tài nguyên, nhưng Nữu Cảnh Sinh với triết lý kinh doanh và phương pháp tiếp thị độc đáo của mình đã thành lập đế chế Mengniu Dairy, tạo dựng khoảng trời riêng trong ngành sữa của Trung Quốc.

Gặt hái được thành tựu vang dội nhưng hành trình chinh phục thành công của tỷ phú này không hề dễ dàng, thậm chí còn khá “truân chuyên”. Tuy nhiên, câu chuyện khởi nghiệp của ông luôn là tấm gương sáng cho thế hệ doanh nhân sau này ở đất nước tỷ dân noi theo.

Từ tay không gây dựng nên cơ đồ

Nữu Cảnh Sinh sinh năm 1958 tại thành phố Hồi Hột, Nội Mông, Trung Quốc.

Từ khi mới lọt lòng, ông đã được một gia đình công nhân chăn bò nhận nuôi. Dù nhà nghèo nhưng bố mẹ nuôi chưa bao giờ đối xử tệ bạc với ông mà luôn quan tâm và đầu tư cho con học hành đầy đủ.

Năm 20 tuổi, ông xin vào làm việc ở Nhà máy chế biến sữa Huệ Dân Hồi Hột (Yili Dairy) ở Nội Mông. Bắt đầu từ một công nhân cho bò ăn, bằng sự chăm chỉ và khéo léo của mình, Nữu Cảnh Sinh được cất nhắc lên làm làm quản lý rồi đến giám đốc phân xưởng, giám đốc chi nhánh và phó tổng giám đốc nhà máy. Việc thăng tiến trong công việc đã tạo cơ hội cho ông tìm hiểu thêm về công ty sữa, đồng thời đặt nền tảng vững chắc để ông xây dựng Mengniu trong tương lai.

Sau này, Nữu Cảnh Sinh đã gặp "quý nhân" của mình là Trịnh Quân Hoài, người được mệnh danh là "ông trùm của ngành sữa" tại Trung Quốc. Năm 1993, Trịnh Quân Hoài trở thành chủ tịch của Yili Dairy và bổ nhiệm Nữu Cảnh Sinh làm phó chủ tịch điều hành, chịu trách nhiệm chính về sản xuất và bán kem.

Làm tỷ phú gian nan như “Á vương ngành sữa” Trung Quốc: Rời công ty gắn bó suốt 10 năm vì “bất hòa”, lập doanh nghiệp mới thì “vận đen” giáng xuống, lao đao mãi mới được nghỉ hưu - Ảnh 2.

Cả hai đều có hoài bão lớn, cùng nhau đưa thương hiệu Yili đến gần với người tiêu dùng. Đặc biệt là sự ra đời của món kem cà phê “quốc dân” với khẩu hiệu “Đổi đắng, hưởng ngọt” phổ biến khắp các hang cùng ngõ hẻm thời bấy giờ.

Khẩu hiệu quảng cáo bắt tai, cùng lớp kem cà phê tan chảy trong miệng đã mang lại doanh số bán hàng hơn 300 triệu NDT. Trong Thế vận hội Mùa hè 1996, Nữu Cảnh Sinh thậm chí còn tạo ra một chiến dịch tiếp thị khiến doanh số bán kem Yili tăng mạnh và lập kỷ lục doanh thu hơn 700 triệu NDT.

Lập công lớn nhưng Nữu Cảnh Sinh không bao giờ nhận hết công lao về mình. Khi nhận được tiền thưởng nhờ doanh số bán hàng tăng, ông đã chia cho cấp dưới. Khi gia đình cấp dưới gặp khó khăn, ông cũng đi đầu quyên góp tiền của, vật chất để giúp đỡ. Vì thế, danh tiếng của Nữu Cảnh Sinh ở Yili tăng lên từng ngày. Tuy nhiên, điều này khiến Trịnh Quân Hoài không hài lòng và quan điểm kinh doanh của cả hai cũng dần trở nên bất đồng.

Làm tỷ phú gian nan như “Á vương ngành sữa” Trung Quốc: Rời công ty gắn bó suốt 10 năm vì “bất hòa”, lập doanh nghiệp mới thì “vận đen” giáng xuống, lao đao mãi mới được nghỉ hưu - Ảnh 3.

Từng là một liên minh mạnh mẽ, hai người tách ra và đi theo con đường riêng của họ. Ở tuổi 41, Nữu Cảnh Sinh kiên quyết rời bỏ Yili, nơi ông vất vả gắn bó hơn mười năm ròng. Thế nhưng rời đi không phải là kết thúc, mà là một khởi đầu tốt hơn, một khởi đầu hoàn toàn mới.

Không tranh ngôi nhất, chỉ tạo ngôi nhì

Sau khi rời Yili, Nữu Cảnh Sinh quyết định học thêm. Nhờ có thêm rất nhiều kinh nghiệm thực chiến, vài năm sau đó, Nữu Cảnh Sinh quyết định quay trở lại đường đua ngành sữa và thành lập một công ty mới, lấy tên là Mengniu Dairy.

Nghe tin, tất cả những người đã từng làm việc với ông trước đó đều đến ủng hộ. Có tiền góp tiền, không tiền thì góp sức, ai cũng sẵn sàng theo ông làm ăn. Nữu Cảnh Sinh vì để không phụ sự tin tưởng của mọi người, ông dốc sức làm việc, chăm chỉ đến mức quên ăn quên ngủ.

Làm tỷ phú gian nan như “Á vương ngành sữa” Trung Quốc: Rời công ty gắn bó suốt 10 năm vì “bất hòa”, lập doanh nghiệp mới thì “vận đen” giáng xuống, lao đao mãi mới được nghỉ hưu - Ảnh 4.

Để có được chỗ đứng vững chắc trong ngành sữa, vấn đề nguồn sữa được ông ưu tiên đặt lên hàng đầu. Nữu Cảnh Sinh có yêu cầu cao đối với nguồn cung nhưng tất cả các nguồn sữa ở Hồi Hột đều thuộc về Yili. Nữu Cảnh Sinh không muốn hạ thấp yêu cầu của mình để thu mua nguồn sữa khác. Với tiền đề nhấn mạnh vào chất lượng, Mengniu cuối cùng đã thành lập một nhà máy sữa ở Cáp Nhĩ Tân, phía đông bắc Trung Quốc để giải quyết vấn đề về nguồn sữa.

Làm tỷ phú gian nan như “Á vương ngành sữa” Trung Quốc: Rời công ty gắn bó suốt 10 năm vì “bất hòa”, lập doanh nghiệp mới thì “vận đen” giáng xuống, lao đao mãi mới được nghỉ hưu - Ảnh 5.

Sau nguồn sữa là vấn đề về doanh số bán hàng. Vị trí số một trong nước thuộc về Yili, còn một công ty mới như Mengniu thì chưa ai biết đến. Nữu Cảnh Sinh đưa ra khẩu hiệu "Học hỏi từ Yili và tạo ra thương hiệu thứ hai của ngành sữa Nội Mông". Không lâu sau khi tấm biển quảng cáo được tung ra đã bị đập tan tành mà không rõ lý do, và kẻ chủ mưu đằng sau đã lộ rõ. Nữu Cảnh Sinh đã chọn cách nhẫn nhịn và không trả thù.

Bằng cách này, ông đã kiếm được một làn sóng cảm thông. Sau đó, ông tìm cách tiếp cận mới và tiếp tục đưa sản phẩm sữa Mengniu lên bàn ăn của người dân Thâm Quyến. Từ năm 2001 đến năm 2004, Mengniu đã liên tiếp đạt được những thành công về doanh số bán hàng. Từ đó, nằm chễm chệ ở vị trí thứ hai trong ngành sữa Trung Quốc.

Từ đỉnh cao đến đáy vực và màn quật khởi kinh điển trong ngành sữa

Gây dựng nên  Mengniu, Nữu Cảnh Sinh đã chiến thắng và giành được sự tôn trọng, tiền bạc, địa vị và danh dự. Ông tin rằng tài sản tốt nhất để lại cho thế hệ tương lai là giáo dục và nhân cách, vì vậy ông đã quyên góp tất cả cổ phiếu Mengniu của mình và thành lập "Quỹ Lao Niu" mà không để lại tài sản thừa kế cho con cái. Năm 2008, Nữu Cảnh Sinh ở tuổi 50 đã sẵn sàng nghỉ hưu và tận hưởng cuộc sống của mình.

Thế nhưng, số phận khắc nghiệt lại giáng cho ông một đòn, trực tiếp kéo người đàn ông từ đỉnh cao xuống đáy vực. Sự cố melamine trong ngành sữa Trung Quốc năm 2008 khiến người dân cả nước mất niềm tin vào các công ty sữa trong nước. Giá cổ phiếu của Mengniu cũng vì thế mà lao dốc, đứng trước nguy cơ bị thâu tóm.

Làm tỷ phú gian nan như “Á vương ngành sữa” Trung Quốc: Rời công ty gắn bó suốt 10 năm vì “bất hòa”, lập doanh nghiệp mới thì “vận đen” giáng xuống, lao đao mãi mới được nghỉ hưu - Ảnh 6.

Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Nữu Cảnh Sinh lặng lẽ từ bỏ kế hoạch nghỉ hưu của mình và một lần nữa giương cao ngọn cờ của Mengniu. Để tạo niềm tin cho người dùng, ông quyết định đổ bỏ toàn bộ 30.000 tấn sữa đã thu mua. Tiền của người chăn nuôi bò sữa cũng không bị mất, Mengniu sẽ chịu mọi tổn thất. Lần này, Mengniu mất 2 tỷ NDT, nhưng danh tiếng của Mengniu không bị ảnh hưởng.

Sau sự cố melamine, Nữu Cảnh Sinh đã đích thân viết tâm thư gửi Giám đốc Câu lạc bộ Doanh nhân Trung Quốc và các sinh viên của Trường Cao học Kinh doanh Cheung Kong với nội dung "Trừng phạt tội phạm và giải cứu nạn nhân trong ngành công nghiệp sữa của Trung Quốc”. Ông hy vọng rằng các bạn học cũ có thể giúp một tay vực dậy ngành sữa trong nước.

Rất may, các doanh nhân lần lượt vươn tay giúp đỡ, viện trợ và kiều hối từ khắp nơi đổ về, khiến Mengniu dần hồi phục. Nữu Cảnh Sinh rõ ràng đã thắng bài kiểm tra “nhân phẩm” này.

Với sự giúp đỡ của các bạn học cũ, Mengniu một lần nữa giải quyết được khủng hoảng. Sau sự cố này, Nữu Cảnh Sinh xác định rằng ngoài việc phục vụ người tiêu dùng bằng những sản phẩm sữa tốt, ông nên phát triển mạnh mẽ hoạt động từ thiện và đền đáp cho người dân.

Vào tháng 11/2021, Nữu Cảnh Sinh thông báo nghỉ hưu, rời xa danh lợi và dành phần đời còn lại cho công việc từ thiện. Cuộc đời của tỷ phú này có thể chia thành hai giai đoạn, giai đoạn đầu là một doanh nhân và giai đoạn thứ hai là một nhà từ thiện. Ông từng nói: "Ước mơ của tôi trong nửa đầu cuộc đời là cứu người khác bằng cách cứu chính mình, còn ước mơ trong nửa sau của cuộc đời tôi là cứu chính mình bằng cách cứu người khác".

(Theo Toutiao)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...