Lạm phát có dấu hiệu trỗi dậy ở châu Á
Do giá cả thực phẩm tăng mạnh, lạm phát trong tháng 2 ở các nền kinh tế châu Á gồm Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan đều tăng vượt mức dự báo của các nhà kinh tế. Áp lực giá kéo dài có thể gây rủi ro trái phiếu của khu vực châu Á vì điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương trì hoãn kế hoạch giảm lãi suất.
Mức tăng hàng năm 19,3% của giá gạo là nguyên nhân chính đẩy lạm phát của Indonesia tăng 2,8% trong tháng 2, đánh dấu mức cao nhất trong 3 tháng. Ảnh: Straits Times |
Lạm phát ở châu Á đồng loạt tăng hơn dự báo
Theo Cục Thống kê quốc gia Philippines, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng hàng năm ở 3,4% trong tháng 2, từ 2,8% trong tháng 1. Lạm phát tăng chủ yếu do chi phí thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 4,6% trong tháng trước. Tại Đài Loan, CPI tháng 2 tăng 3,1%, cao nhất trong 19 tháng do xu hướng giá thực phẩm tăng kể từ Tết Nguyên đán. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2,6%.
Lạm phát tháng 2 của Indonesia tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất trong 3 tháng. Lạm phát tăng nhanh hơn dự đoán khi lạm phát thực phẩm tăng 6,4%. Đặc biệt, lạm phát giá giá gạo hàng năm ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vẫn ở mức cao, tăng 19,3%.
Hàn Quốc cũng ghi nhận CPI tăng 3,1% trong tháng trước, cao hơn mức tăng 3% theo dự báo của các nhà kinh tế. Dữ liệu cho thấy, giá nông sản cao hơn, đặc biệt là trái cây tươi là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tăng ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.
Tại Ấn Độ, lạm phát tháng 2 tăng 5,09%, giảm nhẹ so với 5,1% trong tháng 1 nhưng cao hơn mức dự báo tăng 5,02% của các nhà kinh tế. Riêng lạm phát thực phẩm chiếm gần một nửa rổ CPI, tăng 8,66% trong tháng 2, cao hơn so với 8,3% trong tháng 1.
“Những bất ngờ này phần lớn là do giá thực phẩm gây ra, phản ánh sự kết hợp giữa tác động của hiện tượng thời tiết khô hạn El Nino và Tết Nguyên đán”, Philip McNicholas, nhà chiến lược về nợ chủ quyền ở châu Á của Robeco Group nói.
Xu hướng giá cả ở châu Á tương tự như ở Mỹ, nơi đang chứng kiến tốc độ lạm phát không giảm theo một đường thẳng tuyến tính, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ biến động thất thường.
Hôm 12-3, giá trái phiếu chính phủ Mỹ giảm và lợi suất tăng sau khi thị trường đón nhận dữ liệu lạm phát cốt lõi tăng nhanh hơn dự báo. Lạm phát cao dai dẳng, củng cố quan điểm thận trọng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đối với việc giảm lãi suất.
Theo dữ liệu của Bloomberg, trái phiếu ở khu vực châu Á mới nổi mang lại cho các nhà đầu tư mức lợi nhuận 0,5% trong quí 1. Tỷ lệ này kém xa so với mức lợi nhuận hơn 5% trong ba tháng cuối năm 2023. Hiệu suất tăng giá trái phiếu thấp là do bối cảnh lạm phát kém thuận lợi hơn ở các nền kinh tế trong khu vực và ở Mỹ.
Những dấu hiệu cụ thể hơn về triển vọng xoay trục chính sách của Fed tại cuộc họp tuần tới sẽ mang lại động lực mạnh mẽ cho trái phiếu châu Á mới nổi. Tuy nhiên, áp lực lạm phát dai dẳng trong khu vực sẽ là lực cản lớn cho sự phục hồi.
Thận trọng về triển vọng giảm lãi suất
Nhìn chung, các ngân hàng trung ương ở châu Á đều tỏ ra thận trọng về kế hoạch nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lạm phát không giảm tốc nhanh như dự kiến
Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) gần đây bác bỏ kỳ vọng rằng BI sẽ cắt giảm lãi suất chính sách trong thời gian tới. Perry Warjiyo, Thống đốc Thống đốc BI lưu ý, dù còn dư địa để giảm lãi suất chính sách vào năm 2024, nhưng vẫn phải cảnh giác về khả năng lạm phát tăng mạnh trở lại trong nửa đầu năm nay.
Giá gạo đắt đỏ là mối lo ngại lớn nhất đối với BI. Là mặt hàng thiết yếu đối với hầu hết 270 triệu người dân Indonesia, giá gạo tăng hơn 24% kể từ năm ngoái do hiện tượng thời tiết El Nino đã làm giảm lượng mưa trên phần lớn khu vực vào năm 2023.
Trong tháng này, Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) cảnh báo rủi ro giá thực phẩm tăng cao cũng với lý do ảnh hưởng của El Nino.
Philippines và Đài Loan ghi nhận đà tăng dai dẳng của chỉ số lạm phát cốt lõi (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng). Áp lực giá cả sẽ khiến hai nền kinh tế này gặp khó khăn hơn trong quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ sắp tới. Philip McNicholas của Robeco Group nhận định, lạm phát cao cũng sẽ có nguy cơ đẩy lợi suất trái phiếu của họ lên mức cao hơn.
Hôm 14-3, Yang Chin-Long, người đứng đầu Ngân hàng trung ương Đài Loan cho biết, có thể sẽ không giảm lãi suất trước tháng 6 khi cơ quan này đang xem xét nâng dự báo lạm phát trong năm 2024.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã giữ nguyên lãi suất ở mức 6,5% trong sáu tháng liên tiếp. Trong cuộc họp tháng trước, Thống đốc RBI cảnh báo, chặng cuối trong cuộc chiến chống lạm phát là phần khó khăn nhất. Vị này nhấn mạnh, mục tiêu trung hạn của RBI là đưa lạm phát xuống 4%.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức cao nhất trong 15 năm là 3,5% tại cuộc họp chính sách mới nhất vào tháng 2. Trong báo cáo chính sách tiền tệ hàng quí phát hành hôm 14-3, BoK cho biết, sẽ thận trọng trước triển vọng thay đổi chính sách trong bối cảnh rủi ro kinh tế dai dẳng. Chẳng hạn tình trạng bất ổn trên thị trường nhà ở cũng như nợ nần của doanh nghiệp trong nước.
Tại cuộc họp báo tháng trước, ông Rhee Chang-yong, Thống đốc BoK đẩy lùi các suy đoán về việc BoK sẽ giảm lãi suất sớm. Ông nói BoK có thể không hạ lãi suất trong nửa đầu năm 2024. Ông nhấn mạnh, chính sách tiền tệ chỉ rõ ràng khi lạm phát giảm tốc như kỳ vọng.