Iran những ngày tới sẽ ra sao?
Quan hệ giữa Iran với Mỹ cũng như Israel nhiều khả năng không thay đổi, bởi khúc mắc giữa các nước này đều đã tồn tại quá lâu và phức tạp
Nghi thức tang lễ bắt đầu hôm 21-5 tại Tabriz, sau đó các thi hài được chuyển đến đền Fatima Masoumeh ở TP Qom linh thiêng. Trong ngày 22-5 diễn ra nhiều lễ tưởng niệm lớn tại đền Mosallah ở thủ đô Tehran, đồng thời mọi văn phòng trên khắp đất nước đều đóng cửa.
Sang ngày 23-5, Nhà lãnh đạo Tối cao Ali Khamenei dự kiến chủ trì lễ cầu nguyện tiễn biệt ông Raisi ở Mashhad, cũng là nơi an táng vị cố tổng thống Iran.
Song song với quốc tang, quyền Tổng thống Mohammad Mokhber cũng làm việc với những người đứng đầu cơ quan lập pháp và tư pháp để chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trong vòng 50 ngày tới theo quy định tại Điều 131 của Hiến pháp Iran.
Truyền thông Iran đưa tin bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 28-6. Theo kế hoạch, các ứng cử viên có thể đăng ký từ ngày 30-5 đến 3-6 và thời gian tranh cử kéo dài từ ngày 12 đến 27-6.
Tờ Israel Hayom (Israel) cho biết các ứng cử viên tiềm năng cho vị trí tổng thống Iran gồm có cựu Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani, cựu Tổng thống Hassan Rouhani, cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, cựu Thị trưởng Tehran và là Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Mohammad Bagher Ghalibaf và con trai của Nhà lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei là ông Mojtaba Khamenei.
Sự ra đi của ông Raisi được nhiều nhà phân tích quốc tế đánh giá là xảy ra giữa lúc đất nước với gần 90 triệu dân đang gặp nhiều căng thẳng về xã hội và kinh tế.
Vốn theo đường lối cứng rắn, Tổng thống quá cố Raisi đã chỉ đạo trấn áp các cuộc biểu tình theo sau vụ việc của Mahsa Amini, cô gái trẻ chết trong lúc bị giam giữ do không đội khăn trùm đầu hồi tháng 9-2022.
Trên phương diện kinh tế, Iran chịu nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Riêng về chính trị, gây nhiều chú ý hơn cả việc chọn người kế nhiệm ông Raisi là vị trí người kế thừa Nhà lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, 85 tuổi.
Trong ngày 21-5, Hội đồng Chuyên gia gồm 88 thành viên đại diện cho tất cả tỉnh của Iran đã nhóm họp. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm bầu chọn Nhà lãnh đạo Tối cao và giám sát sự điều hành của ông.
"Việc ông Raisi tử nạn tạo ra một cuộc khủng hoảng kế nhiệm ở Iran" - ông Karim Sadjadpour, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nhận định.
Theo đài CNN, giới giáo sĩ Iran vốn xem ông Raisi là người kế nhiệm tiềm năng ông Khamenei. Bản thân ông Khamenei cũng trở thành Nhà lãnh đạo Tối cao năm 1989 sau một thời gian làm tổng thống Iran.
Giờ đây, một số người tập trung vào ông Mojtaba, người tuy chỉ là giáo sĩ cấp trung song được đánh giá là có nhiều ảnh hưởng chính trị và quan hệ với giới lãnh đạo quân sự Iran. Dù vậy, theo một số chuyên gia Iran, việc chọn ông Mojtaba kế nhiệm cha mình sẽ làm tổn hại đến nguyên tắc nền tảng của đất nước là không chấp nhận cơ chế cha truyền con nối.
Với chính sách đối ngoại, việc ông Raisi đột ngột mất đi nhiều khả năng không gây ra nhiều ảnh hưởng.
Dưới thời Tổng thống Raisi, quan hệ giữa Iran và các nước Ả Rập láng giềng ít nhiều xoay chiều, thể hiện ở việc Tehran bình thường hóa quan hệ với kình địch lâu năm Ả Rập Saudi (với sự trung gian của Trung Quốc).
Nhưng ông Raisi cùng bộ trưởng ngoại giao của mình, ông Hossein Amirabdollahian, cũng chứng kiến lần đầu tiên Iran tấn công trực tiếp quy mô lớn vào Israel để trả đũa việc Israel có thể đã không kích cơ sở ngoại giao của Iran ở Syria - diễn biến đẩy khu vực Trung Đông đến gần hơn bờ vực xung đột toàn diện.
"Chính sách đối ngoại của Iran do Hội đồng An ninh quốc gia tối cao quyết định và Nhà lãnh đạo Tối cao có quyền phủ quyết" - ông Mohammad Ali Shabani, chuyên gia về Iran, nói với đài CNN.
Theo ông Anderson, chính sách đối ngoại Iran sẽ tiếp tục như lâu nay, bao gồm cách tiếp cận với các nước trong khu vực, chương trình hạt nhân và sự hậu thuẫn dành cho các nhóm vũ trang Hamas (ở Gaza), Hezbollah (Lebanon) và Houthi (Yemen). Tương tự là quan hệ với Mỹ cũng như Israel, bởi khúc mắc giữa Iran và các nước này đều đã tồn tại quá lâu và phức tạp.
Quân đội điều tra
Hãng tin Tasnim của Iran đưa tin tổng tư lệnh quân đội Iran đã bổ nhiệm một ủy ban điều tra nguyên nhân vụ rơi trực thăng, bao gồm các chuyên gia quân sự và kỹ thuật. Một nhóm điều tra cấp cao đã đến địa điểm xảy ra vụ tai nạn ở tỉnh Đông Azerbaijan hôm 21-5 và điều tra xem liệu công tác kiểm tra thời tiết có được thực hiện trước chuyến bay hay không.
Theo CNN, hiện chưa rõ lý do nhiều quan chức cấp cao của chính phủ Iran lại đi trên cùng chiếc trực thăng có hàng chục năm tuổi. Hai chiếc trực thăng khác cùng đoàn đều hoàn tất hành trình an toàn và cho tới nay không có dấu hiệu đã bị phá hoại.
Trong khi đó, theo cuộc điều tra ban đầu của nhóm cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ, chiếc trực thăng gặp nạn không phát tín hiệu, cho thấy trên máy bay không lắp bộ phát đáp, vốn có chức năng phát thông tin về độ cao và vị trí, hoặc thiết bị này đã bị tắt. Khi được hỏi về khả năng bị phá hoại, Bộ trưởng Giao thông và Cơ sở hạ tầng Thổ Nhĩ Kỳ Abdulkadir Uraloglu cho biết còn quá sớm để kết luận. Theo ông, các dấu hiệu ban đầu chỉ ra đây có vẻ là một vụ tai nạn do sương mù.
Chiếc trực thăng xấu số là loại Bell 212 chở được 15 người. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đổ lỗi cho các chương trình trừng phạt của Mỹ khiến Iran không mua được phụ tùng thay thế cho phi đội của mình.