EU giải bài toán năng lượng Nga
Sự phụ thuộc vào năng lượng Nga của EU đang gây chia rẽ trong phản ứng của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng Ukraine
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Pháp trong 2 ngày 10 và 11-3, tập trung thảo luận tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với kinh tế, chi tiêu quốc phòng và nguồn cung năng lượng của khối.
Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này diễn ra giữa lúc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bước sang ngày thứ 15, khiến hơn 2 triệu người tị nạn chạy sang các nước khác, trong đó chủ yếu là Ba Lan.
Trong bối cảnh như thế, theo giới chức nước chủ nhà, các nhà lãnh đạo EU dự kiến xem xét lời kêu gọi EU nhanh chóng cho Ukraine gia nhập của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một quan chức EU nhận định triển vọng về một kết quả như thế vẫn còn xa vời. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo bàn về việc tăng cường quan hệ với Ukraine trong các lĩnh vực như kinh tế, năng lượng...
Ngoài ra, hội nghị còn bàn thảo các nội dung liên quan đến an ninh và quốc phòng. An ninh tập thể tại EU chủ yếu do NATO đảm nhận nhưng Pháp muốn khối này đóng vai trò lớn hơn. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, EU đã thông qua khoản viện trợ quốc phòng trị giá nửa tỉ euro cho Ukraine. Đức cũng có động thái đáng chú ý khi thông báo sẽ chi 100 tỉ euro cho quốc phòng.
Một tàu chở LNG từ Mỹ đến TP Swinoujscie - Ba Lan. Tăng cường mua LNG là một trong những biện pháp được kỳ vọng giúp EU giảm nhập khẩu khí đốt từ NgaẢnh: Reuters
Cú sốc giá năng lượng do xung đột Nga - Ukraine đang đe dọa đến nền kinh tế EU vốn vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Sự phụ thuộc nói trên cũng gây chia rẽ trong phản ứng của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng. EU trong tuần này từ chối tham gia với Mỹ và Anh trong việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga.
Theo thống kê, khí đốt Nga hiện chiếm 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào EU. Với dầu và than đá, tỉ lệ này là 27% và 46%. Dù vậy, các con số này có thể giảm dần nếu giới lãnh đạo EU hiện thực hóa được cam kết đưa ra tại hội nghị.
Cụ thể, theo AP, dự thảo tuyên bố của hội nghị nêu rõ lãnh đạo các nước thành viên EU nhất trí giảm dần sự phụ thuộc của khối vào dầu, khí đốt và than đá Nga, cũng như chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc này "trước năm 2030".
Trước mắt, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 8-3 công bố kế hoạch được kỳ vọng sẽ giúp EU giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm thông qua những bước đi như tăng cường mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng...Vấn đề được quan tâm là kế hoạch trên sẽ được thực hiện thế nào, cũng như yếu tố tài chính của nó.
Đàm phán Nga - Ukraine lại thiếu sự đột phá
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba hôm 10-3 có cuộc gặp tại TP Antalya - Thổ Nhĩ Kỳ để tìm giải pháp cho cuộc xung đột đang diễn ra giữa hai nước.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp, ông Kuleba cho biết hai bên không thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời nhắc lại Kiev không có ý đáp ứng các đòi hỏi của Nga. Trong khi đó, theo đài RT, ông Lavrov cho biết Ukraine sẽ xem xét đề xuất của Nga về giải pháp khả dĩ cho tình trạng thù địch hiện nay giữa hai nước.
Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24-2. Phía Nga cho biết sẵn sàng đàm phán với Ukraine nhưng đòi hỏi mọi yêu cầu của mình, như Kiev có lập trường trung lập và từ bỏ mong muốn gia nhập NATO, phải được đáp ứng nếu muốn chiến dịch trên chấm dứt.
Đáp lại, ông Ihor Zhovkva, cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của Tổng thống Ukraine, hôm 9-3 nhấn mạnh nước này sẵn sàng thảo luận về yêu cầu trung lập mà Nga đưa ra, miễn là Kiev được bảo đảm về an ninh. Tuy nhiên, ông Zhovkva khẳng định Ukraine sẽ không nhượng bộ "một tấc đất nào".
Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine tại Belarus cho đến giờ đã giúp đạt được một số lệnh ngừng bắn và mở hành lang nhân đạo để sơ tán người dân nhưng Moscow bị cáo buộc vi phạm các thỏa thuận đó.
Ông Mustafa Aydin, chuyên gia tại Trường ĐH Kadir Has (Thổ Nhĩ Kỳ), nhận định cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao Nga và Ukraine có thể giúp đẩy nhanh nỗ lực ngoại giao ở các cấp cao hơn nữa. Cũng theo ông Aydin, Moscow đang dần thay đổi lập trường từ không khoan nhượng sang thương thảo dù chưa đạt được kết quả cụ thể.
Xuân Mai