EU đạt được thỏa thuận về thị trường carbon
Các nhà đàm phán của Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận sớm vào 18.12 về việc cải tổ thị trường carbon của khối. Đây là công cụ chính sách chính của EU để tham gia vào cuộc chiến chống nóng lên toàn cầu.
“Thỏa thuận sẽ cho phép chúng ta đáp ứng các mục tiêu về khí hậu trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo những công dân và doanh nghiệp siêu nhỏ dễ bị tổn thương nhất được hỗ trợ hiệu quả trong quá trình chuyển tiếp khí hậu" - Bộ trưởng Môi trường Cộng hòa Czech Marian Jurecka thông báo. Cộng hòa Czech đang là Chủ tịch luân phiên của EU.
Gói thỏa thuận vừa đạt được là khả năng đóng góp của EU vào các nỗ lực toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu và nhằm đạt được mục tiêu vào năm 2030 cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính ròng so với mức của năm 1990. Để đạt được mục tiêu đó, thị trường carbon của EU phải cải cách để cắt giảm lượng khí thải nhanh hơn thông qua yêu cầu khoảng 10.000 nhà máy điện và nhà máy mua giấy phép CO2 khí gây ô nhiễm.
Các nhà đàm phán đã bất đồng về việc EU sẽ nhanh chóng chấm dứt giấy phép CO2 miễn phí như thế nào với các ngành công nghiệp để bảo vệ các doanh nghiệp khỏi cạnh tranh nước ngoài. Những giấy phép đó sẽ bị hủy bỏ khi EU áp thuế biên giới về carbon.
Sau 30 giờ đàm phán bắt đầu từ 16.12, các nhà đàm phán EU đã nhất trí nâng mục tiêu tổng thể về cắt giảm lượng khí thải trong các lĩnh vực thuộc Hệ thống mua bán khí thải Châu Âu lên 62% vào năm 2030, Hội đồng Châu Âu thông tin. Theo tuyên bố, Quỹ Khí hậu Xã hội sẽ được thành lập để hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp siêu nhỏ và người sử dụng phương tiện giao thông trong đối phó với các tác động về giá của hệ thống mua bán khí thải với các tòa nhà, phương tiện giao thông đường bộ và nhiên liệu cho các lĩnh vực khác. Thỏa thuận tạm thời vẫn cần được Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu chính thức thông qua.
Trong diễn biến liên quan, Reuters ngày 18.12 nhận định, chi phí tăng lên từ biến đổi khí hậu sẽ đặt ra nhiều thách thức với các quốc gia và doanh nghiệp trong năm 2023.
Hãng tin của Anh chỉ ra, trong một năm xảy ra ngày càng nhiều lũ lụt, bão và hạn hán, chính phủ và các công ty buộc phải xem xét kỹ hơn những rủi ro tài chính và khả năng chịu trách nhiệm pháp lý của họ. Điều này thể hiện rõ ràng nhất tại hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Ai Cập, nơi các quốc gia đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt để thành lập một quỹ giúp các nước nghèo ứng phó với chi phí từ thảm họa do khí hậu gây ra. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán COP27 ở Ai Cập đã làm được rất ít để giải quyết nguyên nhân của những thảm họa đó - mức độ khí nhà kính ngày càng tăng trong khí quyển.
Tiến độ chậm chạp trong chống biến đổi khí hậu khiến các quốc gia dễ bị tổn thương quyết tâm phê duyệt Quỹ Tổn thất và Thiệt hại, nhất là sau một năm thiên tai khắc nghiệt bao gồm các đợt nắng nóng kỷ lục từ Mỹ đến Trung Quốc, các sông băng vỡ ở Ấn Độ và Châu Âu, cùng hạn hán kéo dài đẩy hàng triệu người đến nạn đói ở Đông Phi. Các công ty bảo hiểm đang cảm nhận rõ những tác động khi năm qua ghi nhận 3 trong số những thảm họa tốn kém nhất trong thập kỷ - lũ lụt gây thiệt hại 40 tỉ USD cho Pakistan, một loạt đợt nắng nóng mùa hè dẫn tới tổng thiệt hại hơn 10 tỉ USD cho Châu Âu và bão Ian tàn phá ở Mỹ gây tổn thất 100 tỉ USD, theo công ty mô hình hóa rủi ro RMS.
Trong năm mới, công chúng sẽ có nhiều lo ngại hơn khi biến đổi khí hậu tiếp tục leo thang và có nhiều lo ngại hơn nữa với các công ty và chính phủ về vấn đề trách nhiệm pháp lý và rủi ro. Các công ty và nhà đầu tư đối mặt với sức ép phải chống chọi với biến đổi khí hậu trong chuỗi cung ứng và hoạt động của công ty.
Trong khi đó, các phòng xử án sẽ chứng kiến nhiều vụ án khí hậu hơn được đệ trình - tập trung cả vào việc yêu cầu chính phủ các quốc gia tăng cường tham vọng chính sách khí hậu và buộc các tập đoàn phải chịu trách nhiệm về khí thải hoặc các hành vi che đậy của họ.
Cuối năm 2023, các quốc gia sẽ gặp lại nhau tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tiếp theo của Liên Hợp Quốc, COP28, tại Dubai. Các thành viên sẽ chịu thêm sức ép cần phải có lượng khí thải được cắt giảm một nửa vào năm 2030 và bằng không vào năm 2050 - con đường duy nhất để giữ cho nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng ở mức 1,5 độ C.