EU cẩn trọng trong hợp tác
Liên minh châu Âu (EU) hôm 20-6 công bố chi tiết rủi ro an ninh kinh tế của khối cùng với những công cụ mới mà Brussels có thể sử dụng nhằm tăng cường sự cạnh tranh trước Nga và Trung Quốc.
Đứng trước áp lực từ Mỹ, Brussels muốn xác định cách tiếp cận nhằm cân bằng giữa những lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và việc duy trì quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Một số quốc gia thành viên EU lo ngại Trung Quốc sẽ phát động cuộc chiến thương mại trong khi những nước khác cho rằng đây là thời điểm hành động nhằm bảo vệ an ninh kinh tế của khối.
Cùng ngày 20-6, theo tờ Politico, EU cũng công bố kế hoạch ngăn chặn các công ty châu Âu sản xuất công nghệ nhạy cảm như siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo và vi mạch tiên tiến ở các quốc gia như Trung Quốc.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (phải) tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Berlin - Đức hôm 19-6 Ảnh: REUTERS
Được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố, Chiến lược An ninh kinh tế châu Âu phác thảo kế hoạch giúp Brussels can thiệp nhiều hơn vào cách đầu tư và kinh doanh của những công ty châu Âu tại các quốc gia trên khắp thế giới.
Giới lãnh đạo các nước EU dự kiến thảo luận về tài liệu chiến lược dài 14 trang nói trên tại hội nghị thượng đỉnh ngày 29 và 30-6.
Tài liệu này tránh đề cập cụ thể đến Trung Quốc và Nga nhưng nêu rõ nguy cơ phụ thuộc quá mức vào một quốc gia cụ thể, đặc biệt là quốc gia có các giá trị, mô hình và lợi ích khác nhau một cách có hệ thống.
EU cũng đề xuất tăng cường kiểm soát trong 3 lĩnh vực gồm sàng lọc đầu tư trong nước, kiểm soát xuất khẩu và sàng lọc đầu tư ra nước ngoài. Đầu năm nay, Hà Lan đã chặn xuất khẩu thiết bị sản xuất vi mạch tiên tiến sang Trung Quốc trước áp lực của Mỹ.
Chiến lược An ninh kinh tế châu Âu được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đang có chuyến thăm châu Âu kéo dài 6 ngày. Ông Lý đến thủ đô Berlin - Đức hôm 19-6, sau đó sẽ đến Pháp và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới.
Thủ tướng Trung Quốc đã kêu gọi các doanh nghiệp Đức đánh giá đúng rủi ro và không nhầm lẫn sự phụ thuộc lẫn nhau là mối đe dọa tại cuộc họp ở Berlin.
Bên cạnh đó, ông Lý kêu gọi cởi mở và hợp tác nhiều hơn giữa các ngành công nghiệp Trung Quốc và châu Âu trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào tháng 3.