A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Elon Musk vừa một lần nữa chứng minh, mọi quy định đều không thể áp dụng với mình

Elon Musk đã hơn 1 lần phớt lờ quy định, luật pháp. .

Tờ CNN đặt ra câu hỏi, làm thế nào bạn có thể kiểm soát một người đàn ông nắm trong tay hơn 200 tỷ USD và luôn nghĩ mình biết rõ mọi thứ hơn tất cả mọi người? Câu trả lời đơn giản là: Bạn không thể!

Elon Musk vừa một lần nữa chứng minh ông ấy sẽ làm mọi thứ theo cách của mình khi tuyên bố vào ngày thứ 6 rằng thỏa thuận 44 tỷ USD mua Twitter sẽ tạm hoãn. Ông ấy đã chia sẻ thông tin này thông qua 1 dòng tweet thay vì một văn bản như bình thường với Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC). Những tình tiết kịch tính của thỏa thuận này tiếp tục được tiết lộ thông qua một chuỗi những dòng tweet giữa Musk và công ty.

Do vào năm 2013 SEC đã có luật rằng họ chấp nhận cho các công ty đại chúng tiết lộ thông tin sử dụng Twitter và những nền tảng mạng xã hội khác. Có thể đây chính là kẽ hở luật khiến ông ấy xem thường các quy định.

Tuy nhiên, nhiều hành động khác của Musk trong những năm vừa qua cũng đã không tuân thủ những điều luật thực tế, không một quy định nào có thể làm giảm nhẹ hay thay đổi thói quen của ông ấy.

Những khoản phạt không có nhiều ý nghĩa với một người giàu có như Musk. Ông ấy vẫn bước đi, tweet để chứng minh rằng các quy định thông thường không thể nào áp dụng cho những người siêu giàu nếu họ chọn cách không tuân thủ chúng.

Một ví dụ là: Musk gần đây đã mua gần 10% cổ phần Twitter nhưng không tuân thủ quy định về thời gian tiết lộ thông tin công khai của SEC.

Một nhà đầu tư mua 5% hoặc hơn cổ phiếu của một công ty có 10 ngày phải tiết lộ thông tin về việc mua bán để các nhà đầu tư khác có thể biết và nhận thức được những tác động có thể đến giá cổ phiếu.

Musk đã chờ tới 21 ngày mới công khai thông tin, thời điểm mà ông đã mua được 9,6% cổ phần. Những thông tin về thương vụ này đã khiến cổ phiếu Twitter tăng mạnh trước khi ông tuyên bố mua lại luôn nền tảng này.

Nếu Musk làm đúng theo quy định công khai thông tin, có thể ông ấy đã mất nhiều tiền hơn để gom 15 triệu cổ phiếu Twitter mà ông mua thêm sau khi thời hạn 10 ngày qua đi.

Việc hoãn công bố thông tin đã tiết kiệm cho Musk 143 triệu USD khi mà lúc ấy cổ phiếu Twitter vẫn rẻ, theo tính toán của Daniel Taylor, giáo sư tại đại học Pennsylvania.

Tờ WSJ thì tiết lộ vào tuần trước rằng SEC đang xem xét việc Musk chậm thông báo việc mua cổ phiếu Twitter.

"Cũng không hẳn đúng khi nói các quy định không áp dụng được với Musk. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tình huống khi mà SEC cưỡng chế nộp hồ sơ muộn, đó là một việc tương đối hiếm. Xét từ mặt lợi ích chi phí, rõ ràng Musk có lý do để nộp hồ sơ muộn. Dù chi phí báo cáo muộn là khoản phạt 100.000 USD hay hàng triệu USD, tại sao Musk vẫn nộp trễ?"

Trận chiến trước đó của Musk với SEC là vào năm 2018 khi ông tweet rằng "đã huy động đủ vốn" để đưa Tesla thành công ty tư nhân. Việc này đã khiến cổ phiếu Tesla tăng giá.

Musk cuối cùng đã trả khoản phạt 20 triệu USD và từ bỏ vị trí chủ tịch Tesla và chỉ còn là CEO. Ông cũng bị yêu cầu phải có người duyệt trước những dòng tweet định đăng nhưng hiện không rõ Musk tuân thủ yêu cầu này tới đâu trong suốt 4 năm qua.

Musk vẫn không phục với thỏa thuận đã ký với SEC. Tuy nhiên, Taylor nói rằng hành động của SEC rõ ràng quá nhẹ tay. "Họ có cơ hội đưa ra một lựa chọn và tín hiệu mạnh mẽ hơn nhưng họ không làm vậy".

Loạt hành động phớt lờ pháp luật

Quy định về việc tiết lộ thông tin sở hữu cổ phần chỉ là sai phạm mới nhất của Musk.

Các nhà sản xuất ô tô truyền thống phải ra lệnh thu hồi khi họ phát hiện ra một lỗi trong thiết kế hoặc xây dựng một chiếc xe. Đó là lý do tại sao Cơ quan quản lý an toàn đường cao tốc quốc gia Mỹ - một cơ quan quản lý liên bang, đã thành lập một văn phòng chuyên xem xét các khiếu nại của người tiêu dùng và dữ liệu tai nạn.

Tesla đã bị buộc thu hồi xe để sản xuất chính xác theo đúng kế hoạch. Musk tuân thủ yêu cầu này nhưng cũng tấn công cơ quan quản lý vì yêu cầu ông làm một chiếc xe "kém vui" hơn. Tesla cũng không đối mặt thêm bất kỳ chi phí đáng kể nào với hành động này.

Những tính năng của Tesla dẫn tới việc thu hồi gồm cả cho phép khách ngồi ghế trước xem video game trên màn hình chạm khi xe ô tô đang chạy chế độ lái tự động.

Musk cũng đã khẩu chiến với Cục hàng không liên bang (FAA) về việc thử nghiệm tên lửa SpaceX mà không có giấy phép. Năm 2020 là một ví dụ, công ty đã tiến hành một chuyến bay thử nghiệm ngắn của tên lửa sắp bay vào sao Hỏa, được gọi là starship, mà không cung cấp cho FAA bất kỳ tài liệu hoặc đánh giá thích hợp về rủi ro "an toàn sức khỏe cộng đồng".

Ngay cả trước khi chuyến bay thử nghiệm cất cánh, FAA đã từ chối miễn trừ an toàn mà SpaceX đã yêu cầu. Nhưng bỏ mặc điều đó, công ty vẫn tiến hành.

Một cuộc điều tra của FAA đã diễn ra nhưng SpaceX gần như trắng án khi chỉ bị yêu cầu cần phải "hành động đúng đắn".

Trong những ngày đầu đại dịch, Musk đã mở lại nhà máy Tesla ở California vốn đã bị đóng cửa vì lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, Cơ quan Y tế vốn buộc các doanh nghiệp đóng cửa để ngăn việc lây lan mạnh của Covid-19 cuối cùng lại chấp nhận kế hoạch mở cửa lại của Musk.

Nguồn: CNN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...