A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đức để ngỏ khả năng Nga "bị đổ oan" trong vụ đường ống Nord Stream

Các nhà điều tra Đức được cho là không loại trừ khả năng một quốc gia phương Tây đứng sau phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream “nhằm đổ lỗi cho Nga”.

Thông tin trên được đài RT (Nga) hôm 2-2 dẫn lại nội dung đăng tải của tờ The Times (Anh).

Theo đó, các nhà điều tra Đức "để ngỏ giả thuyết" rằng vụ phá hoại các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 dưới biển Baltic là do một quốc gia phương Tây thực hiện "với mục đích đổ lỗi cho Nga".

Các đường ống dẫn khí đốt nói trên bị hư hại do các vụ nổ vào cuối tháng 9 năm ngoái. Cả Đức lẫn Thụy Điển và Đan Mạch đều đang tiến hành điều tra riêng vụ việc.

 Đức là nước xây dựng và tiếp nhận khí đốt qua đường ống Nord Stream từ Nga, trong khi Thụy Điển và Đan Mạch là nơi có đoạn đường ống bị thiệt hại nằm trong lãnh hải.

Đức “nghi ngờ” thủ phạm đứng sau vụ phá hoại Nord Stream - Ảnh 1.

Rò rỉ khí từ đường ống Nord Stream 2 nhìn từ máy bay chiến đấu F-16 của Đan Mạch. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch

Dẫn lời các quan chức châu Âu, tờ The Times cho biết việc không minh bạch trong các cuộc điều tra có nguy cơ khuyến khích "các thuyết âm mưu nguy hiểm" và "những suy đoán ngông cuồng".

"Đây là một cuộc tấn công cơ sở hạ tầng lớn. Thật kỳ lạ là chúng tôi được biết rất ít" - một nhà phân tích phương Tây cho biết.

Theo tờ The Times, cuộc điều tra của Đức được cho là đã đạt được rất ít tiến triển và "vẫn chưa phát hiện ra bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào" chỉ ra Nga là thủ phạm. Thậm chí, Berlin để ngỏ giả thuyết một quốc gia phương Tây đã thực hiện vụ phá hoại với mục đích "đổ lỗi cho Nga".

Tờ báo của Anh lưu ý rằng 23 quan chức ngoại giao và tình báo của 9 quốc gia phương Tây gần đây cũng đã nói với tờ Washington Post (Mỹ) rằng "chưa thấy bằng chứng liên quan đến Nga" và một số người nói họ không tin Moscow đứng sau vụ việc.

Trước đó, sau sự cố với đường ống Nord Stream, phía Ukraine và những người ủng hộ lên tiếng đổ lỗi cho Nga, tuyên bố rằng Moscow đã làm hỏng cơ sở hạ tầng của chính mình để gây áp lực lên Liên minh châu Âu (EU).

Đáp lại, phía Nga phủ nhận hoàn toàn cáo buộc, đồng thời mô tả vụ phá hoại là một "cuộc tấn công khủng bố". Giới chức Nga cũng chỉ ra Mỹ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ hành động phá hoại này bằng cách thúc đẩy châu Âu loại bỏ khí đốt Nga.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...