A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đông Nam Á trước ‘cơn lũ’ hàng giá rẻ từ Trung Quốc

Sự xuất hiện của nền tảng thương mại điện tử Temu tại Thái Lan, Malaysia và Philippines với các khuyến mãi giảm giá đến 90% đã khiến các nước Đông Nam Á lo lắng. Trước đó, hàng giá rẻ từ Trung Quốc còn thâm nhập thị trường Đông Nam Á qua nhiều nền tảng khác nhau.

Các nhà sản xuất và bán lẻ châu Á đang lo ngại làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc đè bẹp sản xuất và kinh doanh nội địa. Đồ họa: Nikkei Asia

Sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử như Shopee (thuộc Tập đoàn Sea của Singapore), Lazada (thuộc sở hữu của Alibaba) và TikTok Shop (của ByteDance) đã mở rộng con đường thâm nhập của hàng Trung Quốc vào thị trường khu vực các nước Đông Nam Á.

TikTok Shop đã nâng tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong năm 2023 lên 16,3 tỉ đô la, tăng gần 4 lần con số 4,4 tỉ đô la của năm 2022 – theo hãng tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore. Nhìn chung, các nền tảng thương mại điện tử trong khu vực đã đạt 114,6 tỉ đô la GMV trong năm ngoái, tăng 15% so với trước đó.

Temu: hồi kết cho nhà bán lẻ nhỏ ở Thái Lan?

Hôm 31-7, Temu lặng lẽ khai trương hoạt động kinh doanh tại Thái Lan. Khác với Shopee hay Lazada, Temu là nền tảng thương mại điện tử bán sản phẩm trực tiếp từ Trung Quốc mà không thông qua trung gian tại Thái Lan hoặc cho phép các doanh nghiệp Thái bán hàng trên nền tảng này. Do đó, theo lý thuyết, Temu không phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% áp dụng với các sàn trong nước và nước ngoài khác.

Ngay hôm sau 1-8, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) đã mạnh mẽ lên tiếng. FTI nói, với việc Temu giảm giá đến 90%, xứ chùa vàng đứng trước “viễn cảnh nhiều nhà máy đóng cửa bởi các sản phẩm nội địa không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc”.

Phó Chủ tịch FTI, Apichit Prasoprat, cho rằng động thái áp thuế VAT 7% đối với hàng nhập khẩu có giá trị không quá 1.500 baht (hơn 1 triệu đồng) và thực tế là người bán có thể đạt lợi nhuận gộp 30-35% từ việc bán hàng Trung Quốc giá rẻ, “có thể sẽ không đủ để ngăn chặn dòng sản phẩm Trung Quốc tràn vào”. Apichit dự báo số ngành công nghiệp bị ảnh hưởng sẽ tăng từ 25 lên 30, với các ngành bị ảnh hưởng nhiều là thép, dệt may và hàng tiêu dùng.

Hơn 1.300 nhà máy ở Thái Lan đóng cửa trong năm 2023, tăng 60% so với năm trước đó. Theo Bộ Công nghiệp Thái Lan, từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, 500 nhà máy khác phải đóng cửa, khiến hơn 15.000 việc làm biến mất.

Đầu năm nay, người Thái đã sôi sục với chuyện các mẫu quần áo có họa tiết con voi hay con mèo – nét văn hóa đặc sắc của vùng Korat, Thái Lan – là hàng nhập từ Trung Quốc. Các món thời trang này được bán đầy khu thương mại, chợ trời hay chợ đêm khắp Thái Lan, với giá rẻ mạt 100 baht (hơn 70.000 đồng).

Trong chương trình trực tuyến Deep Talk của nhật báo kinh tế Krungthep Turakij, Pawoot Pongvitayapanu, người sáng lập kiêm CEO của Creden.co và PaySolutions, lưu ý rằng các sản phẩm của Trung Quốc đã tràn ngập thị trường trực tuyến Thái Lan thông qua các ứng dụng như Shopee, Lazada và TikTok Shop.

“Nhưng Temu sẽ thay đổi thị trường thương mại điện tử Thái Lan, bởi nó có thể đưa trực tiếp các sản phẩm của Trung Quốc đến tay người tiêu dùng Thái Lan mà không cần thông qua trung gian. Temu có nhiều lợi thế, như có sẵn phiên bản tiếng Thái, chấp nhận thanh toán bằng đồng baht, giao hàng miễn phí, cùng với chế độ bảo đảm hoàn tiền, bên cạnh chuyện khuyến mãi đến 90%. Đây sẽ là thế lực mới phá vỡ sân chơi của các nhà bán lẻ trực tuyến Thái Lan”, Pawoot lo lắng.

Pawoot dự đoán rằng Temu có thể là “hồi kết cho các nhà bán lẻ nhỏ”, những người sẽ không thể cạnh tranh trong cuộc chiến giá cả với hàng Trung Quốc. Các doanh nghiệp lớn có cơ sở sản xuất sẽ phải chịu giảm doanh số vì sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có chi phí cao hơn so với các nhà sản xuất, cung ứng đại lục.

Pawoot cũng dự đoán rằng các sàn hàng đầu tại thị trường Thái Lan như Shopee và Lazada sẽ buộc phải điều chỉnh chiến lược để đứng vững trước Temu, bằng cách tung ra các chương trình khuyến mãi và giảm giá mạnh hơn nữa để giữ chân lượng khách hiện có.

Sự xuất hiện của Temu khiến Chính phủ Thái Lan bận rộn hơn. Trong suốt tuần qua, Thủ tướng Srettha Thavisin đã “chào mừng” sàn thương mại điện tử Trung Quốc bằng việc chỉ thị ngành thuế, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Bộ Y tế công và Bộ Kinh tế và Xã hội “giám sát chặt chẽ mọi động thái của Temu”. Ông yêu cầu không để lọt lưới sản phẩm giá rẻ, kém chất lượng nào của Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Thái Lan, kể cả thông qua các chuỗi nhượng quyền F&B.

Thương mại điện tử Trung Quốc bành trướng toàn cầu

“Lý lịch” của Temu khá phức tạp, giống như các nền tảng TikTok và Shein của Trung Quốc né tránh đối đầu Mỹ – Trung đã đăng ký ở Singapore. Temu đăng ký tại Boston, Mỹ và thuộc sở hữu của Tập đoàn Pinduoduo của Trung Quốc nhưng tập đoàn này lại đăng ký ở quần đảo Cayman – lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh ở vùng biển Caribbean, Bắc Mỹ.

Chỉ sau sáu tháng đăng ký ở Boston, tháng 6-2023 Temu thâm nhập thị trường Philippines. Ba tháng sau, Temu tiến vào Malaysia. Đến nay, Temu đã hoạt động ở 76 thị trường trên toàn cầu – theo hiển thị của trang này.

Temu tiến vào thị trường Philippines và Malaysia một cách âm thầm, không quá ồn ào. Sức mua yếu cùng sự trì trệ của nền kinh tế đã buộc các nhà sản xuất lớn nhỏ Trung Quốc tìm cách đẩy hàng ra nước ngoài. Một tuần trước khi Temu khởi sự kinh doanh ở Thái Lan, nền tảng bán lẻ hàng đầu Taobao của Alibaba tuyên bố sẽ miễn phí vận chuyển các đơn hàng may mặc từ Trung Quốc ra nước ngoài. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Taobao với các trang trực tuyến như Temu và Shein, cũng như TikTok Shop, AliExpress, Lazada và cả Shopee thuộc sở hữu của tỉ phú Forrest Li Xiaodong người Singapore gốc Hoa.

Chương trình miễn phí ship và đổi trả hàng của Taobao bắt đầu từ ngày 3-8 , ban đầu chỉ dành cho người mua hàng ở Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Macao. Taobao cho biết danh sách miễn phí sẽ được mở rộng sang các thị trường châu Á khác vào cuối năm nay.

Làn sóng hàng hóa giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc cũng như khả năng của các công ty hậu cần đại lục đã khiến ngay cả gã khổng lồ Amazon cũng cảm thấy “nhột”. Amazon đang nỗ lực thu hút thêm nhiều nhà bán hàng (merchant) Trung Quốc, nhằm có thêm nhiều mặt hàng có giá cả phải chăng để cạnh tranh với Temu, Shein và các trang thương mại điện tử của Trung Quốc ngay trên đất Mỹ và các thị trường khác.

Amazon còn bắt tay với TikTok, cho phép người dùng TikTok có thể mua hàng trên Amazon. Tuy nhiên, cả hai đã không thông báo cụ thể là sẽ thực hiện dịch vụ này ở thị trường nào và khi nào.

Xây dựng hàng rào bảo vệ sản xuất nội địa

Xây dựng đê chắn để bảo vệ sản xuất nội địa trước làn sóng thần hàng giá rẻ Trung Quốc là công việc vô cùng cấp bách của Đông Nam Á, nhất là hàng nhập qua các sàn thương mại điện tử.

Bộ Thương mại Malaysia hôm 9-8 tuyên bố đang xem xét lại luật chống bán phá giá đối với sản phẩm thép xoắn trong xây dựng, đồng thời trình lên Quốc hội vào đầu năm tới kế hoạch bảo vệ hàng nội địa. Trong giai đoạn 2015-2023, Malaysia đã thực thi chín biện pháp chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trước đó, tháng 1-2024, Malaysia đã áp dụng thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu được mua trực tuyến với giá dưới 500 ringgit (108 đô la).

Bộ Thương mại Indonesia đang tìm cách điều chỉnh thuế suất đối với hàng nhập khẩu có thể đe dọa đến các ngành công nghiệp địa phương, trong đó có hàng từ Trung Quốc. Hồi tháng 6-2024, Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan nói Chính phủ sẽ xem xét áp thuế lên tới 200% đối với vải nhập khẩu, tăng gấp đôi mức thuế hiện tại. Ông chỉ ra rằng các loại thuế mới cũng đang được xem xét để đối phó với tình trạng nhập khẩu gốm sứ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử tăng mạnh.

Các nước Đông Nam Á đã biện minh rằng các thuế suất mới là kết quả của việc giám sát chặt chẽ hơn hàng nước ngoài nhập khẩu, không chỉ nhắm vào hàng hóa Trung Quốc. Bởi Đông Nam Á có thể lo ngại sự trả đũa của Bắc Kinh, Nikkei Asia nhận định.

Nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng gấp 3 quy mô đạt giá trị 1.000 tỉ đô la vào năm 2030. Milan Dhingra, phụ trách kinh doanh của nền tảng kỹ thuật số Teleport có trụ sở tại Kuala Lumpur, tin rằng lối thoát cho thách thức hiện nay là khu vực công và khu vực tư bắt tay để làm việc trong các mục tiêu dài hạn.

Dhingra nói tương lai nền thương mại điện tử xuyên biên giới của Đông Nam Á phụ thuộc vào khả năng tận dụng hiệu quả thương mại trực tuyến của hơn 71 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) của khu vực.

Doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng rất tốt ưu đãi thuế suất thấp và gần như bằng không của các hiệp định tự do thương mại song phương giữa Trung Quốc với từng nước trong khu vực hoặc đa phương với Đông Nam Á. Dhingra nói các doanh nghiệp Đông Nam Á cần tận dụng các khuôn khổ như Thỏa thuận khung kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á (DEFA) và Sáng kiến tiêu chuẩn kỹ thuật số của Phòng Thương mại quốc tế (DSI) làm đòn bẩy cho quá trình hội nhập kỹ thuật số tốt hơn.

Khảo sát mới nhất của Deloitte cho thấy 75% khách hàng mua sắm trực tuyến mong đợi đơn hàng được giao trong hai ngày hoặc ít hơn. “Rõ ràng là sự kết hợp giữa tốc độ và chi phí không còn là chuyện xa vời nữa, mà là một yêu cầu căn cơ mà Đông Nam Á phải đạt để tăng trưởng”, Dhingra nhấn mạnh.

Ngành hậu cần Đông Nam Á chưa đạt được hiệu quả chi phí và tốc độ như Trung Quốc. Tuy vậy, Dhingra nói rằng Đông Nam Á cũng có những câu chuyện thành công riêng đáng chia sẻ. “Hãy nhìn vào Singapore và Thái Lan, nơi cả hai đều đã số hóa thành công các quy trình hải quan, cho phép các giao dịch địa phương hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn và minh bạch hơn”, ông viết.

Câu chuyện nhân rộng các hệ thống hiệu quả này là sức mạnh cạnh tranh mới của Đông Nam Á, bởi hơn 80% MSME của khu vực hiểu rằng họ có thể tiếp cận lượng khách hàng rộng hơn thông qua các nền tảng kỹ thuật số tại Đông Nam Á.

Còn Pawoot Pongvitayapanu từ Thái Lan cho rằng các sàn trực tuyến của Thái Lan sẽ phải cải tổ dịch vụ hậu cần, đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào sản phẩm chính hãng của Thái Lan để làm nổi bật sự khác biệt của mình với sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc.

Ông đề nghị các nhà bán lẻ Thái Lan nên thích nghi với tình hình và thử các chiến lược mới để luôn đi trước đối thủ cạnh tranh, bao gồm tìm kiếm các đối tác kinh doanh để giúp cải thiện dịch vụ hậu mãi, xây dựng thương hiệu riêng và sử dụng công nghệ AI để cải thiện kỹ thuật bán hàng.

Ông cũng kêu gọi Chính phủ khắc phục lỗ hổng trong luật và ban hành các quy định mới để ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm kém chất lượng không có chứng nhận tiêu chuẩn công nghiệp hay giấy phép của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan (FDA).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết