A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Độc lạ Nhật Bản: Dùng sức mạnh của tuổi trung niên để kiếm tiền, không cần trẻ đẹp mới "có sức hút"

Những chàng trai đã quá tuổi ‘xuân thì’ hiện đã có lối đi riêng để gây dựng sự nghiệp. Thế nhưng, đằng sau dịch vụ lạ lùng này của họ là những vấn đề xã hội đang khiến người Nhật dần sụp đổ trong cô độc.

 

Độc lạ Nhật Bản: Dùng sức mạnh của tuổi trung niên để kiếm tiền, không cần trẻ đẹp mới "có sức hút" - Ảnh 1.

Ảnh: jref

Từ những người hưu trí cô đơn cho đến những nữ sinh Nhật Bản đang ‘vỡ mộng’, Takanobu Nishimoto và nhóm những người đàn ông trung niên của mình sẽ luôn sẵn sàng lắng nghe các vị khách hàng đang ôm đầy tâm sự. Những khách hàng này không muốn giải toả cảm xúc với bác sĩ tâm lý hay gia đình họ. Vậy nên, họ tìm đến người có kinh nghiệm cuộc sống thay vì kinh nghiệm chuyên môn, chịu lắng nghe thôi đã là tốt rồi.

Thuê ông chú để giải toả

Bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể đăng ký dịch vụ trực tuyến của Nishimoto để thuê một ossan (một người đàn ông trong độ tuổi từ 45 đến 55) với giá 1.000 yên/giờ (180.000 VNĐ).

“Đối với tôi thì dịch vụ này giống như một sở thích thú vị nhất của mình vậy,” Nishimoto cho biết. Ông là người đầu tiên nghĩ ra khái niệm này cách đây 4 năm và hiện đã gây dựng được một mạng lưới ngày càng mở rộng bao gồm khoảng hơn 60 người đàn ông trên khắp Nhật Bản.

“Ý tưởng ban đầu của dịch vụ này chính là để cải thiện hình ảnh của những người đàn ông ở độ tuổi của tôi. Chúng tôi đã không còn là những ngọn gió xuân tươi trẻ nữa và thường không được coi trọng cho lắm.”

Và mặc dù người đàn ông 48 tuổi từng là một nhà điều phối thời trang chuyên nghiệp này đã quen với việc cho thuê chính mình, nhưng bản thân ông cũng khẳng định rằng tất cả những gì ông làm chỉ là trò chuyện với khách hàng mà thôi. Mỗi tháng, Nishimoto có thể trò chuyện với khoảng 30 đến 40 khách hàng, khoảng 70% trong số họ là phụ nữ.

Có 3 quy tắc mà khách hàng không được phép làm với các ông chú: Không được đụng chạm, không yêu cầu làm hành động thân mật và không cố gắng bán cho ông chú bất cứ thứ gì.

“Những người thuê tôi chỉ yêu cầu tôi bầu bạn với họ trong khoảng 1 hoặc 2 tiếng đồng hồ, chủ yếu là để lắng nghe họ,” ông nói. Nishimoto cũng kể về một người phụ nữ ở độ tuổi 80 thường hẹn ông đi dạo mỗi tuần xung quanh công viên địa phương.

“Tôi gần như đã trở thành con trai bà ấy,” ông nói.

Một "tôi" rất khác

Các khách hàng khác còn có một ngư dân cảm thấy phát ốm lên vì phải chờ đợi trong im lặng khi đơn độc đi đánh cá, một sinh viên đại học có tham vọng kinh doanh nhưng không được gia đình ủng hộ và cả một nhân viên trẻ vụng về không biết cách cư xử khéo léo với người phụ trách trực tiếp của mình.

Nhật Bản đã phải vật lộn với các vấn đề cô lập xã hội, đáng chú ý nhất là hiện tượng hikikomori. Hiện tượng này thường xảy ra với thanh thiếu niên và thanh niên. Họ từ chối ra khỏi nhà hoặc tham gia vào các hoạt động xã hội và thay vào đó, chọn chơi điện tử và tự nhốt mình trong phòng của họ.

Nhưng những người tìm đến Nishimoto không phải chịu sự phán xét khi họ tách rời khỏi xã hội và cũng không gặp phải khó khăn trong việc thích nghi với hoàn cảnh mới.

Thay vào đó, những người sử dụng dịch vụ nói rằng đây là cách giúp họ quên đi những kỳ vọng của gia đình và bạn bè. Họ có thể nói chuyện thoải mái và cởi mở mà chẳng lo sợ bị phán xét, thậm chí còn được lắng nghe nhiệt tình. Theo các chuyên gia, đây là một cách đặc biệt hữu ích ở Nhật Bản, nơi mọi người đều chịu trách nhiệm mà khó có thể thoái thác và nhiều lúc áp lực đến mức sụp đổ.

Sau một buổi nói chuyện với Nishimoto, cô gái 24 tuổi tên Nodoka Hyodo cho biết: “Khi đi cùng bạn bè, gia đình hay bạn trai mình, tôi có một cái “tôi” rất khác. Tôi đã tạo ra một “tôi” trong mối quan hệ với những người mà mình quen biết. Nhưng ở đây, chiếc mặt nạ ấy biến mất khi tôi có thể nói chuyện với một người xa lạ. Nhờ chú ấy mà tôi cảm thấy thấu hiểu bản thân mình hơn.”

Về cơ bản, các ông chú có thể nhận đi nhậu với khách hàng, bê đồ nặng dùm, xếp hàng hộ để mua vé xem phim hoặc iPhone khi khách hàng đang bận công chuyện, lắng nghe tâm sự hoặc chỉ cho khách hàng xem có những nơi nào để đi chơi.

Mối quan hệ mang tính thương mại nhưng cảm xúc chân thành hơn cả với gia đình

Nhà tâm lý học Hiroaki Enomoto nhấn mạnh rằng ở Nhật Bản có những chuẩn mực xã hội chi phối những gì được và không được nói ngay cả với những người thân thiết. Ông cho hay: “Khi bạn biết thêm được điều gì đó mới mẻ hay phá cách, có thể bạn sẽ thấy chẳng có ai trong vòng bạn bè hay người thân quen mà mình có thể chia sẻ được. Thật khó để có thể biết cách thể hiện bản thân mà không làm phiền người khác.”

Nhưng giờ đây, chỉ cần ‘thuê’ một ông chú, biến mối quan hệ này trở thành mối quan hệ mang tính thương mại thì các quy tắc sẽ trở nên khác biệt.

Trong những năm gần đây, một số công ty đã cung cấp dịch vụ “cho thuê bạn” trả theo giờ.

Khách hàng có thể thuê một nhân viên của công ty để đóng giả làm bạn, làm thành viên trong gia đình hoặc làm người yêu để đồng hành trong các dịp khác nhau như đám cưới, đám tang hay tiệc tùng. Một số người sử dụng dịch vụ chỉ để có một đối tượng trò chuyện, giảm bớt thời gian cảm thấy đơn côi và cô độc khi ngày càng lớn tuổi hơn.

Hiện giờ, Nishimoto đã có gia đình và cũng nhiều lần cân nhắc dừng kinh doanh dịch vụ này, nhưng ông nhận thấy rằng ông cần khách hàng nhiều như họ cần ông vậy.

“Tôi không bao giờ biết chính xác những gì khách hàng sẽ yêu cầu khi họ thuê tôi. Và tất nhiên, điều đó có hơi đáng sợ nhưng đó cũng là lý do vì sao mà nó rất thú vị. Thành thật mà nó, tôi chưa bao giờ gặp vấn đề với bất kỳ vị khách kỳ lạ nào. Ngược lại thì tôi được trải nghiệm rất nhiều cảm xúc.”

Nguồn: Tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...