A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường tích trữ đô la

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường tích trữ đô la Mỹ khi họ dự đoán đồng nhân dân tệ (NDT) sẽ mất giá hơn nữa. Thực trạng này càng làm trầm trọng thêm đà giảm giá của NDT, vốn đang chịu áp lực vì thị trường chứng khoán trong nước bất ổn và triển vọng tăng trưởng kém khả quan của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc đang tích trữ đô la Mỹ vì lo ngại nhân dân tệ mất giá hơn nữa. Ảnh: Reuters

Vấn đề trên đã diễn ra trong nhiều tháng ở thị trường tiền tệ của Trung Quốc đại lục trong bối cảnh lợi suất của đô la Mỹ duy trì ở mức cao. Dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho thấy tiền gửi ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại Trung Quốc tăng thêm 53,7 tỉ đô la kể từ tháng 9-2023, lên 832,6 tỉ đô la trong tháng 3-2024.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) ước tính, trong tháng 2, các khách hàng doanh nghiệp chỉ quy đổi 51% doanh thu xuất khẩu bằng đô la của họ sang NDT. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp chọn gửi tiết kiệm bằng đồng đô la.

Một số công ty xuất khẩu Trung Quốc gửi đô la trong các tài khoản ở nước ngoài để kiếm mức lãi suất lên đến 6% mỗi năm thay vì mức lãi suất 1,5%/năm gửi ở các ngân hàng trong nước.

Diễn biến này chủ yếu là do NDT suy yếu,  chạm mức thấp nhất trong 5 tháng và mất giá gần 2% so với đồng đô la Mỹ từ đầu năm đến nay. Xu hướng dài hạn thậm chí còn tiêu cực hơn khi NDT giảm giá 5% so với đô la kể từ đầu năm 2023. Điều này khiến nhiều công ty Trung Quốc không muốn quy đổi thu nhập bằng đô la sang NDT.

Vào chiều ngày 18-4, tại Thượng Hải, NDT giao dịch ở mức 7,2391 đổi 1 đô la, không thay đổi nhiều so với mức giá đóng cửa của ngày hôm trước. Cùng ngày, PBoC cho biết sẽ quyết tâm ngăn chặn đà giảm giá một chiều của NDT.

Các nhà phân tích cho rằng, để NDT chấm dứt vòng xoáy giảm giá, một trong hai điều cần phải xảy ra: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sâu hoặc đồng NDT cần chạm một mức đáy nào đó. Nhưng hiện tại, cả hai khả năng này đều có vẻ xa vời.

“Chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức cao nhất kể từ năm 2007 và tôi nghĩ điều này đủ để giải thích vì sao các nhà xuất khẩu Trung Quốc không muốn đổi đô la sang NDT. Mức chênh lệch lãi suất lớn này sẽ không sớm biến mất”, Alvin Tan, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á của RBC Capital bình luận.

Lemon Zhang, nhà chiến lược của ngân hàng Barclays nhận định, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể tiếp tục ưu tiên nắm giữ đô la trong hai quí tới.

Kể từ giữa năm ngoái, PBoC giới hạn lãi suất tiền gửi đô la ở các ngân hàng lớn ở mức 2,8%. Vì vậy, ngay cả khi quyết định mang đô la về nước, các công ty xuất khẩu Trung Quốc có thể ưu tiên đầu tư vào các sản phẩm quản lý tài sản đô la cung cấp mức lợi suất cao hơn.

Becky Liu, người đứng đầu chiến lược vĩ mô Trung Quốc của ngân hàng Standard Chartered nhận định, một sự xác nhận về việc Fed sắp giảm lãi suất là xu hướng đô la giảm giá rõ ràng hơn. Đây có thể là chất xúc tác để các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển đổi ngoại tệ của họ sang NDT.

Nếu chuỗi dữ liệu kinh tế và lạm phát mạnh mẽ gần đây ở Mỹ tiếp tục duy trì thì triển vọng giảm lãi suất của Fed có thể bị đẩy lùi đến cuối năm 2024. Khi đó đồng đô la sẽ tăng giá mạnh.

Điều đó có nghĩa là nhiều khả năng NDT sẽ giảm về mức 7,3 NDT đổi 1 đô la, gần với điểm đáy của NDT trong cả tháng 10-2022 và tháng 7-2023. Các cơ quan quản lý có thể bảo vệ ngưỡng tỉ giá này và đó là lúc các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể xem xét mang đô la về nước để đổi sang NDT.

Một số ngân hàng đầu tư cũng dự đoán NDT sẽ suy yếu xuống mức này vào quí 3 năm nay và sẽ không giảm thêm nữa. Một lãnh đạo ngân hàng ở Thượng Hải, chuyên giao dịch với các doanh nghiệp cho biết, một số khách hàng của ông hiện nhắm tới ngưỡng tỉ giá này để bán đô la.

Giới chức trách Trung Quốc dường như không quá lo lắng trước tình trạng tích trữ đô la của doanh nghiệp và người dân. Các ngân hàng nhà nước, gần đây đã bán đô la nhằm kìm hãm đà giảm giá của NDT.

Cho đến nay, NDT không giảm giá nhanh và sâu như tiền tệ của một số đối tác thương mại, đặc biệt là Nhật Bản với đồng yen giảm 9% trong năm nay. Đồng yen giảm giá mạnh hơn, làm xói mòn khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc và làm giảm thặng dư thương mại của nước này. Thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc trong năm 2023  giảm 11%, xuống còn 593,9 tỉ đô la.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...