A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơn ‘địa chấn’ từ vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ lan khắp thế giới

Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đang gây chấn động khắp thế giới.

 

Cơn ‘địa chấn’ từ vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ lan khắp thế giới - Ảnh 1.

Sự sụp đổ của SVB ảnh hưởng đến hàng loạt doanh nghiệp

Từ các hãng làm rượu vang ở California đến những công ty mới thành lập trên khắp Đại Tây Dương, các công ty đang điên đảo tìm cách quản lý tài chính của mình sau khi ngân hàng mà họ gửi tiền đột ngột sụp đổ hôm 10/3. Cuộc khủng hoảng không chỉ làm khổ các lãnh đạo doanh nghiệp, mà tất cả người lao động của những công ty đó vì quỹ lương nằm trong ngân hàng.

Ngày 11/3, Thống đốc California Gavin Newsom cho biết ông đã trao đổi với Nhà Trắng để đề nghị giúp “ổn định tình hình càng nhanh càng tốt, để bảo vệ việc làm, sinh kế của người lao động, cũng như toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang đóng vai trò trụ cột cho nền kinh tế của chúng ta”.

Những người có dưới 250.000 USD trong ngân hàng có thể nhận bảo hiểm tiền gửi từ Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi liên bang. Cơ quan quản lý đang cố gắng tìm người mua lại SVB, hy vọng các khách hàng gửi nhiều mức tiền đó có thể nhận lại toàn bộ.

Ngày 12/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, bà đang làm việc với các quan chức quản lý ngân hàng để xử lý vụ sụp đổ của SVB và bảo vệ những người gửi tiền, nhưng không tính đến một gói cứu trợ lớn.

Phát biểu trên chương trình "Face the Nation” của CBS News , bà Yellen nói rằng bà đang bàn bạc để “thiết chế chính sách phù hợp để xử lý tình hình”, sau khi xảy ra vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Bà không cho biết cụ thể chính sách là gì.

Trong những khách hàng đó có Circle, một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp tiền điện tử. Circle cho biết họ gửi khoảng 3,3 tỷ USD trong tổng số 40 tỷ USD dự trữ cho đồng USDC của họ vào SVB. Thông tin đó khiến giá trị của đồng USDC rơi khỏi mức ổn định 1USD xuống dưới 87 cent trong ngày 11/3, sau đó tăng trở lại lên 97 cent, theo thông tin trên CoinDesk.

Bên kia Đại Tây Dương, các doanh nghiệp khởi nghiệp thức dậy với thông tin chi nhánh của SVB tại Anh sẽ dừng trả tiền và nhận tiền gửi. Trước đó, ngày 10/3, Ngân hàng Trung ương Anh cho biết sẽ đưa SVB tại Anh vào quy trình phá sản, buộc ngân hàng này phải trả khoản tiền gửi 170.000 bảng (204.544 USD) vào các tài khoản “càng nhanh càng tốt”.

“Chúng tôi biết một số lượng lớn công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư trong hệ sinh thái có tiếp xúc đáng kể với SVB tại Anh và sẽ rất lo ngại”, Dom Hallas, giám đốc điều hành Coadec, tổ chức đại diện cho các công ty khởi nghiệp Anh, viết trên Twitter.

Ngân hàng Trung ương Anh cho biết, các tài sản của SVB tại Anh sẽ bị bán để trả nợ.

Không chỉ các công ty khởi nghiệp chịu tổn thất. Sự sụp đổ của SVB còn ảnh hưởng đến cả một ngành công nghiệp quan trọng của California: Ngành rượu vang. SVB là ngân hàng cho vay có ảnh hưởng lớn đến các vườn nho từ những năm 1990.

 

“Đây là một sự thất vọng lớn”, Jasmine Hirsch, tổng giám đốc hãng rượu vang Hirsch Vineyards ở địa hạt Sonoma, nói.

Hirsch cho biết công ty của bà sẽ ổn, nhưng bà lo ngại tác động rộng hơn với các hãng rượu nhỏ vì họ cần vay vốn để trồng những cây nho mới.

“Họ thực sự hiểu ngành rượu vang. Sự biến mất của ngân hàng này, với vai trò là một trong những nhà cho vay quan trọng nhất, chắc chắn sẽ gây tác động mạnh lên ngành rượu vang, nhất là trong giai đoạn mà lãi suất cho vay đang rất cao”, Hirsch nhận định.

Ngày 12/3, tỷ phú Elon Musk đăng một tweet để ngỏ khả năng mua SVB.

"Tôi nghĩ Twitter nên mua SVB và trở thành một ngân hàng số", một người viết trên Twitter. "Tôi để ngỏ ý tưởng đó", Musk phản hồi.

Tại Seattle, CEO Stefan Kalb của hãng Shelf Engine cho biết ông đang ngập trong những cuộc họp khẩn để tìm cách trả lương cho nhân viên, không còn thời gian để tập trung vào lĩnh vực hoạt động của công ty là giúp các cửa hàng thực phẩm quản lý đơn hàng.

“Đúng là một ngày tàn bạo. Chúng tôi thực sự đã đặt cả từng đồng xu vào SVB”, Kalb nói, và cho biết công ty ông đã gửi nhiều triệu đô la vào ngân hàng này.

Kalb nộp đơn xin bảo hiểm khoản 250.000 USD như quy định, nhưng số tiền đó quá nhỏ để trả lương cho 40 nhân viên của Shelf Engine trong thời gian đáng kể. Điều này buộc ông phải tính đến chuyện cho một số nhân viên nghỉ việc cho đến khi tình hình ổn định.

Martín Varsavsky, một doanh nhân Argentina đã đầu tư vào hàng loạt công ty công nghệ và Thung lũng Silicon, kêu gọi Chính phủ Mỹ hành động nhanh chóng để giảm bớt tổn thất.

Theo AP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...