A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội giảm căng thẳng Mỹ - Trung Quốc

Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được kỳ vọng sẽ mở đường cho nhiều cuộc gặp song phương hơn trong những tháng tới

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 18-6 có cuộc hội đàm tại thủ đô Bắc Kinh trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Trong chuyến thăm kéo dài đến ngày 19-6, ông Biden dự kiến gặp ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo Reuters, ông Blinken là quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Trung Quốc kể từ khi ông Joe Biden vào Nhà Trắng tháng 1-2021.

Phát biểu trước khi đến Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ cho biết chuyến đi của mình có 3 mục tiêu chính: thiết lập cơ chế quản lý khủng hoảng; thúc đẩy lợi ích, nói rõ lo ngại của Mỹ và các đồng minh; thăm dò những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác.

Một quan chức Mỹ cho biết một trong những chủ đề có thể thảo luận là tăng cường chuyến bay thương mại qua lại trong động thái giúp thúc đẩy quan hệ nhân dân hai nước.

Cơ hội giảm căng thẳng Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 1.

Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại thủ đô Bắc Kinh hôm 18-6. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm của ông Blinken được chú ý bởi quan hệ Mỹ - Trung Quốc nếu leo thang căng thẳng có thể tác động đến kinh tế, an ninh và ổn định của thế giới.

Tuy nhiên, theo Reuters, giới chức Mỹ đã giảm nhẹ kỳ vọng về kết quả chuyến đi khi cho biết mục tiêu chính của ông Blinken là thiết lập các kênh liên lạc mở và bền vững nhằm bảo đảm cạnh tranh chiến lược giữa hai nước không rơi vào vòng xoáy xung đột.

Dù vậy, họ cũng hy vọng chuyến thăm sẽ mở đường cho nhiều cuộc gặp song phương hơn trong những tháng tới, như chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo của Mỹ hoặc cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại các hội nghị đa phương.

Bản thân ông Biden hôm 17-6 cũng bày tỏ hy vọng gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc trong vài tháng tới. Tại cuộc gặp tỉ phú Mỹ Bill Gates trước đó một ngày, ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác để mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Trong khi đó, theo tờ South China Morning Post, giới phân tích nhận định chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ cho thấy hai bên muốn tiếp xúc trở lại nhưng triển vọng đạt đột phá là không cao, nhất là khi danh sách bất đồng ngày một dài, từ thương mại, cạnh tranh công nghệ cho đến an ninh mạng, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc)…

Trong những tháng gần đây, theo Reuters, Bắc Kinh đã tiến hành điều tra một số công ty tư vấn Mỹ trong lúc Washington đưa thêm công ty Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.

Theo một số chuyên gia Trung Quốc, chuyến thăm trên là một phần của hoạt động chuẩn bị cho chuyến đi đến Mỹ của ông Tập Cận Bình vào tháng 11 tới, nơi ông dự kiến gặp Tổng thống Joe Biden bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Bà Qin Feng, chuyên gia của Viện Hợp tác và Hiểu biết Toàn cầu thuộc ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), nhận định việc chuyến thăm của ông Blinken diễn ra đã là một thành công, đánh dấu những tiến triển trong công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Trung Quốc - Mỹ thời gian tới. 

Washington đang tranh luận về số phận của Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ (STA) ký với Trung Quốc, được xem là yếu tố giúp ổn định quan hệ song phương thời gian qua. Reuters cho biết thỏa thuận trên được ký kết khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979 và được gia hạn mỗi 5 năm một lần.

Văn kiện đề cập sự cộng tác trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học khí quyển và nông nghiệp cho đến nghiên cứu cơ bản về vật lý và hóa học, đồng thời đặt nền tảng cho sự bùng nổ trao đổi học thuật và thương mại giữa hai nước.

Thỏa thuận dự kiến hết hạn ngày 27-8 tới và vấn đề có gia hạn nó hay không đang gây tranh cãi ở Mỹ. Phe phản đối cho rằng việc duy trì STA giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ càng đe dọa đến hoạt động nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của Washington. Trái lại, những người ủng hộ lập luận rằng sự hợp tác về học thuật và thương mại giữa Washington và Bắc Kinh sẽ bị kìm hãm nếu chấm dứt thỏa thuận.

Ngoài ra, họ cảnh báo thêm rằng Mỹ sẽ mất đi những thông tin có giá trị về các tiến bộ kỹ thuật của Trung Quốc. Một luồng ý kiến khác cho rằng hai nước nên thương thảo lại về STA, bổ sung những điều khoản đối phó với nguy cơ gián điệp công nghiệp.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Liu Pengyu cho biết Mỹ vẫn đang tiến hành đánh giá nội bộ về việc gia hạn STA. Ông Liu nói thêm hai nước có thể xem xét các điều chỉnh đối với thỏa thuận ban đầu, đồng thời bày tỏ hy vọng Mỹ đẩy nhanh đánh giá nội bộ trước khi thỏa thuận hết hạn.

Phạm Nghĩa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...