A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính trường Thái Lan bế tắc

Ông Pita Limjaroenrat gần như đã mất cơ hội trở thành thủ tướng thứ 30 của Thái Lan và cục diện nhiều khả năng nằm trong tay đảng Pheu Thai

Quốc hội Thái Lan chiều 19-7 đã bỏ phiếu bác việc tái đề cử ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) vào vị trí thủ tướng đất nước trong vòng bỏ phiếu thứ hai. 

"Không thể đề cử ông Pita hai lần trong cùng một phiên họp" - Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha tuyên bố sau cuộc thảo luận kéo dài tới 8 giờ.

Quy tắc 41 của Quốc hội Thái Lan quy định rằng bất kỳ kiến nghị nào không được quốc hội thông qua sẽ không được đề xuất lại trong cùng một phiên họp. Ông Pita đã được đề cử ở cuộc họp ngày 13-7 nhưng thất bại vì chỉ giành được 324 phiếu ủng hộ, dưới ngưỡng 375 phiếu cần thiết để đắc cử thủ tướng.

Tổng cộng 395/748 thành viên quốc hội bỏ phiếu bác việc tái đề cử chiều 19-7. Từ con số 750 nghị sĩ ban đầu - gồm 500 hạ nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ, quốc hội Thái Lan hiện có 748 người, sau khi 1 hạ nghị sĩ từ chức tuần trước và ông Pita bị Tòa án Hiến pháp tạm đình chỉ tư cách nghị sĩ sáng 19-7. 

Chiều cùng ngày và trước thời điểm bỏ phiếu, ông Pita rời phòng họp sau khi cho biết đã nhận được thông báo bằng văn bản từ Tòa án Hiến pháp. Nhà lãnh đạo MFP nhận được một tràng vỗ tay và chủ tịch quốc hội cảm ơn ông vì đã tuân thủ luật lệ. "Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau" - ông Pita, 42 tuổi, phát biểu trước khi rời đi.

Chính trường Thái Lan bế tắc - Ảnh 1.

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến bước, giơ cao thẻ nghị sĩ trước khi rời phòng họp quốc hội hôm 19-7 Ảnh: REUTERS

Theo thông báo sáng 19-7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan tuyên bố chấp nhận phân xử vụ việc do Ủy ban Bầu cử (EC) đưa lên vào tuần trước, trong đó EC nói có bằng chứng ông Pita vi phạm luật bầu cử. 

Tỉ phú trẻ tuổi bị cáo buộc nắm giữ 42.000 cổ phiếu của Công ty Truyền thông iTV Plc khi ra tranh cử vào tháng 5 vừa qua. Hiến pháp Thái Lan cấm các ứng cử viên tranh cử vào hạ viện sở hữu cổ phần trong các công ty truyền thông. Ông Pita nói ông được thừa kế số cổ phiếu trên từ cha mình. iTV Plc hiện đã ngừng hoạt động.

Tòa án Hiến pháp cho biết có 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống đối với việc đình chỉ ông Pita, với lập luận các vấn đề pháp lý, phản đối và tranh cãi có thể gây cản trở hoạt động của quốc hội. Tòa cho ông Pita thời hạn 15 ngày để giải thích.

Cục diện mới này cho thấy ông Pita gần như đã mất cơ hội trở thành thủ tướng thứ 30 của Thái Lan, dù đảng của ông về đầu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14-5 và liên minh 8 đảng mà ông tập hợp được (với 312 ghế hạ viện) trên lý thuyết vẫn còn khả năng lập chính phủ mới. 

Ông Pita từng tuyên bố sẵn lòng để đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) dẫn dắt liên minh nếu ông thất bại. MFP giành được 151 ghế hạ viện, còn Pheu Thai được 141 ghế.

Trong khi đó, theo tờ Bangkok Post, Pheu Thai có thể lập một liên minh mới không bao gồm MFP. Liên minh mới sẽ đưa các đảng từ chính phủ sắp mãn nhiệm vào, chẳng hạn các đảng Bhumjaithai, Palang Pracharath và Chartthaipattana, với tổng số 300 nghị sĩ hoặc hơn. 

Nhiều nhân vật then chốt của Pheu Thai gần đây cho biết thời điểm bầu cử đã qua hơn 2 tháng và người dân đang nóng lòng chờ chính phủ mới thành lập để giải quyết các vấn đề quốc gia, bao gồm thông qua ngân sách năm và tăng khoản vay cho các doanh nghiệp. 

Trước vòng bỏ phiếu ngày 19-7, Pheu Thai cũng thông báo đề cử ông Srettha Thavisin, một nhà tài phiệt bất động sản, làm ứng cử viên thủ tướng trong trường hợp ông Pita thất bại. 

Không chỉ bản thân ông Pita vướng kiện tụng mà MFP cũng đang là bị đơn trong một vụ việc liên quan đến chủ trương sửa đổi mục 112 của Bộ Luật Hình sự, hay còn gọi là “Luật Khi quân” của đảng này. Vì lập trường trên mà MFP bị hầu hết thượng nghị sĩ không ủng hộ.

Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã thụ lý vụ việc và có khả năng ra phán quyết giải tán MFP, theo hãng tin Bloomberg. Tiền thân của MFP là đảng Tương lai phía trước cũng bị giải thể trong một vụ việc khác vào năm 2020 trong khi thủ lĩnh đảng này, ông Thanathorn Juangroongruangkit, bị hủy tư cách nghị sĩ với cùng lý do sở hữu cổ phần trong công ty truyền thông khi ra tranh cử.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...