A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Châu Âu nóng bất thường, Ấn Độ lo ảnh hưởng mùa màng

Cơ quan thời tiết của Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Ba Lan và Thụy Sĩ đồng loạt thông báo họ vừa trải qua tháng 9 nóng nhất lịch sử của mình và nhiệt độ cao bất thường này sẽ tiếp diễn trong tháng 10.

Cơ quan thời tiết của Pháp Météo-France cho biết nhiệt độ trung bình của tháng 9 tại nước này là 21,5 độ C, cao hơn mức thông thường của giai đoạn 1991-2020 khoảng 3,5-3,6 độ C. Nhiệt độ cao nhất Pháp ghi nhận trong tháng trước lên đến 38,8 độ C.

Tại Đức, theo cơ quan thời tiết DWD, nhiệt độ tháng 9 cao hơn gần 4 độ C so với nền nhiệt giai đoạn 1961-1990. Tại Bỉ, với nhiệt độ trung bình là 19 độ C (cao hơn thông thường gần 4 độ C), tháng 9 năm nay cũng lần đầu tiên nóng hơn cả tháng 7 và tháng 8 - điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1961.

Cơ quan theo dõi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus dự báo 2023 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử loài người, theo báo The Guardian.

Châu Âu nóng bất thường, Ấn Độ lo ảnh hưởng mùa màng - Ảnh 1.

Thời tiết khô nóng góp phần làm cháy rừng ở châu Âu thêm trầm trọng. Trong ảnh: Lính cứu hỏa cố khống chế đám cháy rừng gần Fier - Albania hôm 1-10 Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, Cục Khí tượng Ấn Độ (IDM) hôm 30-9 cho biết lượng mưa do gió mùa ở nước này trong năm nay đạt mức thấp nhất kể từ năm 2018. Cụ thể, lượng mưa trên toàn quốc từ tháng 6 đến tháng 9 chỉ bằng 94% mức trung bình dài hạn. 

Đáng lo là El Nino khiến tháng 8 trở nên khô ráo nhất trong hơn một thế kỷ ở Ấn Độ, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.

Theo Reuters, giá các mặt hàng chủ lực ở Ấn Độ như đường, gạo, rau củ quả... đắt hơn, làm tăng lạm phát lương thực nói chung. Sản xuất nông nghiệp sụt giảm cũng có thể khiến Ấn Độ hạn chế xuất khẩu một số nông sản chủ chốt hơn nữa. 

Trước đó, lượng mưa thất thường thời gian qua buộc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, áp thuế 40% đối với xuất khẩu hành tây, miễn thuế nhập khẩu đậu và có thể dẫn đến cấm xuất khẩu đường.

Đối với kinh tế Ấn Độ, gió mùa đóng vai trò rất quan trọng vì mang lại gần 70% lượng mưa cần để tưới cây trồng và bổ sung các hồ chứa, tầng ngậm nước. Ngoài ra, gần một nửa diện tích đất nông nghiệp Ấn Độ hiện thiếu hệ thống tưới tiêu khiến mưa gió mùa càng trở nên quan trọng.

 IMD cho biết lượng mưa dự kiến trở lại bình thường từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay, đồng thời nhiệt độ có khả năng vẫn duy trì trên mức bình thường ở hầu hết cả nước trong tháng 10.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...