Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc ngày càng gay gắt
Giới phân tích nhận định các hạn chế đầu tư của Mỹ lên Trung Quốc sẽ bóp nghẹt nguồn vốn đầu tư mạo hiểm và làm suy giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển công nghệ của nước này.
Những hạn chế trên nằm trong sắc lệnh được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ngày 9-8 (giờ địa phương), nhằm ngăn chặn nguồn vốn và chuyên môn của Mỹ giúp phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ tiến trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ.
Theo Reuters, sắc lệnh cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế đầu tư của Mỹ vào các thực thể Trung Quốc trong 3 lĩnh vực gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Chỉ vài giờ sau khi ông Biden ký ban hành biện pháp nhắm vào "các quốc gia đáng lo ngại", Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ.
Theo đài CNBC, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10-8 gọi đây là hành động "cưỡng ép kinh tế trắng trợn và bắt nạt công nghệ", còn Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ tôn trọng nền kinh tế thị trường và các nguyên tắc cạnh tranh công bằng, không cản trở hợp tác kinh tế, thương mại toàn cầu và không gây trở ngại cho sự phục hồi của kinh tế thế giới.
Nhiều người tham gia Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới (WAIC) ở Thượng Hải - Trung Quốc vào tháng 7-2023 Ảnh: REUTERS
Từ tháng 10-2022, Mỹ đã đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn xuất khẩu chip và công cụ chất bán dẫn quan trọng sang Trung Quốc, đồng thời vận động các quốc gia sản xuất chip lớn như Nhật Bản và Hà Lan có động thái tương tự.
Đáp lại, vào tháng 7-2023, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu 2 nhóm kim loại quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn là gallium và germanium.
Nhà nghiên cứu Pan Yuan tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng để chống lại các hạn chế của Mỹ, Trung Quốc phải tập trung cải thiện năng lực công nghệ trong nước.
Lo ngại cũng đến từ chiều ngược lại. Theo báo South China Morning Post, các công ty chất bán dẫn của Mỹ đã kêu gọi chính quyền ông Biden bảo đảm khả năng tiếp cận không bị cản trở vào thị trường Trung Quốc.
Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn (SIA) tại Mỹ cho rằng việc bảo đảm ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ mạnh mẽ và có khả năng cạnh tranh toàn cầu là "điều sống còn" để bảo vệ an ninh quốc gia.
Theo SIA, việc tiếp cận thị trường Trung Quốc, thị trường tiêu thụ chất bán dẫn lớn nhất thế giới, là điều quan trọng để tránh làm suy yếu tác động tích cực của Đạo luật Khoa học và Chips trị giá 200 tỉ USD mà chính quyền ông Biden đưa ra nhằm kích thích ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ.