Bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ ba được Tổng thống Joe Biden mời thăm cấp nhà nước tới Mỹ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Mỹ từ ngày 20 đến 24-6. Chuyến công du này được xem là cột mốc quan trọng góp phần làm sâu sắc và đa dạng hóa quan hệ giữa hai nước.
Đáng chú ý, Thủ tướng Modi là nhà lãnh đạo thứ ba (sau Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol) được Tổng thống Joe Biden mời thăm cấp nhà nước tới Mỹ. Ông Harsh V. Pant, chuyên gia tại Tổ chức Nghiên cứu Observer (Ấn Độ), nhận định điều này chứng tỏ mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đã được cải thiện mạnh mẽ thời gian qua.
Đồng tình với nhận định này, bà Farwa Aamer, chuyên gia tại Viện Chính sách Xã hội châu Á (Mỹ), cho rằng chuyến thăm thể hiện tiềm năng hợp tác to lớn của hai nước trước những thách thức toàn cầu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại TP New York - Mỹ ngày 20-6 Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, ông Modi đã đến TP New York ngày 20-6 (giờ địa phương), nơi ông có nhiều hoạt động, trong đó nổi bật là tiếp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Đến ngày 21-6, ông đến thủ đô Washington, D.C và có cuộc hội đàm với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng một ngày sau đó. Ngoài ra, ông sẽ phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội Mỹ.
Trong tuyên bố đưa ra trước khi lên đường, Thủ tướng Ấn Độ nhận định chuyến đi cho thấy sức sống của mối quan hệ đối tác giữa hai nước. Ông Modi cho biết cuộc gặp với một số lãnh đạo doanh nghiệp tập trung thảo luận về cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư, cũng như xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững.
Ngoài ra, chuyến thăm sẽ chứng kiến hai nước mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và công nghệ cao. Cụ thể, Ấn Độ sẽ được tiếp cận những công nghệ quan trọng của Mỹ mà Washington hiếm khi chia sẻ với quốc gia không phải đồng minh.
Tại cuộc gặp ở Nhà Trắng sắp tới, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ sẽ tập trung thảo luận vấn đề tăng cường quan hệ quốc phòng. Theo một số nhà phân tích, cuộc gặp thượng đỉnh này có thể dẫn đến nhiều thỏa thuận vũ khí hơn.
Theo đài CNBC, Ấn Độ từ lâu đã quan tâm đến việc mua máy bay không người lái SeaGuardian từ Mỹ nhưng thương vụ trị giá 2-3 tỉ USD này đang gặp trở ngại. Dù vậy, bà Manjari Miller, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), đánh giá thỏa thuận này có thể trở lại bàn đàm phán nhân chuyến thăm của ông Modi.
Theo bà Miller, đây là thời điểm quan trọng để thỏa thuận được bật đèn xanh vì nó sẽ kéo Ấn Độ đến gần hơn với quỹ đạo phòng thủ của Mỹ và khiến Ấn Độ giảm phụ thuộc vào thiết bị quân sự và vũ khí Nga.
Ngoài ra, hai bên dự kiến còn bàn về vai trò của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chuyện hợp tác công nghệ và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu. Hai nước đã ký kết Sáng kiến về công nghệ quan trọng và mới nổi, một thỏa thuận cho phép các công ty, trường đại học của Mỹ và Ấn Độ hợp tác trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, không gian, quốc phòng, trí tuệ nhân tạo, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Đối tác quan trọng
Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thu hút nhiều chú ý giữa lúc địa chính trị và kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều thách thức. Chuyến thăm có thể không chỉ truyền năng lượng mới vào quan hệ hai nước mà còn tác động đến trật tự toàn cầu. Mỹ hiện cần ảnh hưởng của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hơn bất kỳ nơi nào khác lúc này.
Theo hãng tin Reuters, Mỹ xem Ấn Độ là một đối tác quan trọng trong nỗ lực đối phó ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc trên thế giới. Ấn Độ và Mỹ đã tập trận quân sự chung vào năm ngoái tại bang Uttarakhand, nơi có chung biên giới với Trung Quốc.
Ngoài ra, Ấn Độ còn tham gia tích cực vào nhóm "Bộ tứ" với Mỹ, Úc và Nhật Bản bất chấp phản ứng giận dữ của Bắc Kinh. Ông Sarang Shidore, chuyên gia tại Viện Quincy (Mỹ), tin rằng mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển chừng nào hai nước vẫn còn mối bận tâm chung là Trung Quốc.
Dù vậy, Mỹ và Ấn Độ vẫn còn bất đồng về xung đột Nga - Ukraine, thể hiện qua việc New Delhi không trực tiếp chỉ trích Moscow như Washington. Theo đài CNBC, Ấn Độ và Nga từ lâu có mối quan hệ bền vững, trong đó New Delhi phụ thuộc nhiều vào Moscow về dầu mỏ và vũ khí.
Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất. Ấn Độ lâu nay luôn tự hào về việc theo đuổi chính sách không liên kết hoặc "sự tự trị chiến lược" như cách gọi của họ trong những năm gần đây. Nước này không muốn bị giới hạn trong một trung tâm quyền lực cụ thể trong trật tự toàn cầu hiện nay.
Các nhà ngoại giao Mỹ từng không hài lòng với quan điểm nói trên của Ấn Độ khi xung đột Nga - Ukraine mới nổ ra nhưng hiện đã dịu bớt lập trường, như phớt lờ chuyện New Delhi tiếp tục mua dầu thô của Moscow. Giới phân tích nhận định phản ứng khác biệt nói trên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ Mỹ - Ấn Độ thời gian tới.
Anh Thư