Bước đi mới chống lại ảnh hưởng Trung Quốc của Mỹ
Mỹ lên kế hoạch hỗ trợ thêm về ngoại giao và an ninh cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đề ra chiến lược mới cho khu vực này trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Reuters ngày 12-2 cho biết Mỹ sẽ lập đại sứ quán tại Quần đảo Solomon để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Một quan chức cấp cao Washington nói rằng Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập các mối quan hệ quân sự ở Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến thông báo kế hoạch lập đại sứ quán tại Quần đảo Solomon trong chuyến thăm Fiji, nơi ông tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với 18 nhà lãnh đạo Thái Bình Dương.
Ông Blinken đã đáp máy bay đến Fiji sau cuộc họp tại TP Melbourne - Úc. Tham dự cuộc họp này là các bộ trưởng ngoại giao của "Bộ tứ" gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Phát biểu trên máy bay, một quan chức cấp cao Washington lưu ý "có những dấu hiệu rất rõ ràng rằng (Trung Quốc) muốn tạo mối quan hệ quân sự ở Thái Bình Dương".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại cuộc họp "Bộ tứ" tại TP Melbourne - Úc ngày 11-2. Ảnh: Reuters
Chuyến thăm của ông Blinken đến Fiji, ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới đây trong 4 thập kỷ qua, diễn ra sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden ban hành Tổng quan về Chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dài 12 trang, trong đó cam kết cung cấp thêm sự hỗ trợ ngoại giao và an ninh đối với khu vực này.
Chiến lược mới vạch rõ Mỹ sẽ hiện đại hóa các liên minh, củng cố quan hệ với các đối tác mới nổi và theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở. Kế hoạch dự kiến được tiến hành trong 1-2 năm tới, mục đích giúp Washington mở rộng sự hiện diện ngoại giao của mình ở Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương, ưu tiên các cuộc đàm phán quan trọng với các quốc đảo Thái Bình Dương, bao gồm quyền cho quân đội Mỹ tiếp cận.
Ngoài ra, Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để gây ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như tìm cách trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới.
Trong thập kỷ tới, Washington sẽ xác định liệu Bắc Kinh có chuyển đổi các quy tắc và chuẩn mực vốn mang lại lợi ích cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới thành công hay không. Đồng thời, Mỹ sẽ tập trung hỗ trợ an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm xây dựng năng lực hàng hải và nhận thức lãnh thổ hàng hải, mở rộng sự hiện diện và hợp tác bảo vệ bờ biển của Mỹ ở Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương.