BRICS bàn chuyện kết nạp thành viên mới
Một nội dung thảo luận quan trọng khác là tăng cường sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên trong giao dịch tài chính và thương mại nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD
Lãnh đạo các nước thành viên nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) thảo luận về hướng đi tương lai của khối tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở thủ đô Johannesburg - Nam Phi từ ngày 22 đến 24-8.
Vấn đề mở rộng BRICS là một nội dung thảo luận quan trọng dù vẫn có những ý kiến khác nhau giữa các thành viên. Chẳng hạn tại hội nghị, theo đài Al Jazeera, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi mở rộng nhóm BRICS để xây dựng một trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng hơn.
Bắc Kinh lâu nay vẫn theo đuổi mục tiêu mở rộng BRICS với hy vọng việc có nhiều thành viên hơn sẽ giúp khối này tăng cường ảnh hưởng trên toàn cầu.
Nga cũng muốn BRICS kết nạp thêm thành viên và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ủng hộ ý tưởng này tại cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc trước thềm hội nghị.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở thủ đô Johannesburg hôm 23-8. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, Ấn Độ tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng không nên mở rộng khối nhanh chóng. Trong khi đó, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh BRICS không tìm cách trở thành đối trọng với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hoặc Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này nhắc lại mong muốn nhìn thấy nước láng giềng Argentina gia nhập khối.
BRICS ra đời năm 2009, hiện chiếm hơn 40% dân số và 26% kinh tế thế giới. Sức hút của khối này thể hiện qua lời của giới chức Nam Phi, theo đó hơn 40 nước bày tỏ quan tâm đến việc là thành viên BRICS.
Trong số này, hơn 20 nước đã chính thức đăng ký gia nhập, nổi bật có Argentina, Algeria, Ai Cập, Iran, Indonesia và nhất là Ả Rập Saudi. Ông Talmiz Ahmad, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Riyadh, nhận định nếu Ả Rập Saudi được kết nạp vào BRICS, điều này sẽ mang đến tầm quan trọng đặc biệt cho khối.
Tại hội nghị lần này, theo Reuters, các nhà lãnh đạo BRICS thảo luận về khuôn khổ và tiêu chí cho việc mở rộng. Tuy nhiên, một nguồn tin của chính phủ Argentina tiết lộ sẽ không có thành viên mới nào được kết nạp tại sự kiện năm nay.
Bên cạnh vấn đề mở rộng, một nội dung trong chương trình nghị sự là tăng cường sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên trong giao dịch tài chính và thương mại nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Theo đài RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng tiến trình phi USD hóa các mối quan hệ kinh tế của BRICS là "không thể đảo ngược" và "ngày càng mạnh mẽ". Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS tập trung thảo luận về các biện pháp giảm phụ thuộc vào đồng USD, như thúc đẩy thanh toán bằng đồng nội tệ các nước thành viên.
Ý tưởng về lâu dài là một đồng tiền chung của khối. Phó Tổng thống Nam Phi Paul Mashatile nhấn mạnh khối này không tìm cách cạnh tranh với phương Tây mà chỉ muốn tìm chỗ đứng của mình trên thị trường toàn cầu.
Các chuyên gia chỉ ra rằng BRICS gặp khó trong việc thực thi chính sách do 5 nước thành viên có những ưu tiên về kinh tế và chính trị khác biệt. Một lý do khác là quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ còn căng thẳng. Dù vậy, một số nhà phân tích nhận định BRICS có thể dễ tìm được tiếng nói chung về chính sách thúc đẩy đồng nội tệ trong thanh toán thương mại.
Hai hội nghị quan trọng
Nhà Trắng ngày 22-8 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công du Ấn Độ từ ngày 7 đến 10-9 để dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ đến Indonesia từ ngày 4 đến 7-9 để tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan.
Theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden và các đối tác G20 sẽ bàn về những nỗ lực chung nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, như chuyển đổi năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội của xung đột Nga - Ukraine...
Một nội dung thảo luận quan trọng khác là hiện đại hóa các ngân hàng phát triển đa phương, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ông Biden dự định sẽ thúc giục cải cách IMF và WB để phục vụ tốt hơn nhu cầu của các nước đang phát triển, đưa ra những giải pháp tiêu chuẩn cao cho các thách thức mà những quốc gia này đối mặt.
"Tổng thống cũng sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với G20 với vai trò là diễn đàn về hợp tác kinh tế hàng đầu thế giới" - cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, đồng thời nói Mỹ cam kết đăng cai hội nghị G20 vào năm 2026.
Trong khi đó, tại Indonesia, Phó Tổng thống Kamala Harris và các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ xem xét sự mở rộng chưa từng có trong quan hệ Mỹ - ASEAN dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Bà Harris cũng sẽ tái khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ đối với Đông Nam Á và vai trò trung tâm của ASEAN. Thông qua các hội nghị và tiếp xúc bên lề, Phó Tổng thống Mỹ sẽ thúc đẩy các sáng kiến nhằm tăng cường sự thịnh vượng và an ninh chung.
Anh Thư