Bộ ba cụ bà rapper điền viên Trung Quốc sống cháy hết mình để an hưởng tuổi già
Ba người phụ nữ nông dân lớn tuổi cả đời chưa từng nghĩ tới việc sẽ trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ những đoạn video hát rap đơn giản.
Một buổi sáng thứ Hai mùa thu, Bắc Kinh (Trung Quốc) bước vào một tuần mới năng động. Ở làng Mật Vân cách trung tâm thành phố khá xa, bà Vương Tú Vinh, 66 tuổi, cũng không nhàn rỗi.
Nhiệm vụ hàng đầu của ngày hôm nay là tập hát rap. Ở trong sân vườn trống trải đổ bóng dây leo râm mát, bà Tú Vinh lẩm nhẩm: "Đến tuổi này, chân không linh hoạt, đi vài bước, chân mỏi eo đau. Nếu có thể xào nấu những đám mây trên cao, hương vị chắc chắn không tầm thường". Hát xong, bà cẩn thận nhìn về phía người hướng dẫn - Nhiệm Kế Hâm.
Chàng trai Nhiệm Kế Hâm nhắc nhở bà Tú Vinh đã hát sai nhịp, mở nhạc để bà tập lại.
Bà Quách Nghĩa Phân (65 tuổi) và bà Vương Thụ Bình (64 tuổi) nghỉ mệt bên góc tường, chờ sự kiểm duyệt của “biên đạo Nhiệm”. Đây là cảnh tượng thường xuyên diễn ra trong sân nhà bà Vương Tú Vinh.
3 cụ bà trở thành rapper nổi tiếng mạng xã hội
Bên trái sân nhà bà Vương Tú Vinh được bao quanh bởi cành cây xum xuê, trồng hàng bắp cải tươi; bên phải là bãi đất tráng xi măng, đặt một chiếc ghế gỗ dài - đạo cụ thường xuất hiện trong video. Những dây bí dây bầu cuộn tròn trên giàn, tạo bóng râm để bộ ba chị em nhà họ Vương tác nghiệp.
Từ tháng 2/2022, con trai của bà Vương Thụ Bình là Nhiệm Kế Hâm thành lập tài khoản Kuaishou với tên "Chị Vương đến rồi", bà Vương Tú Vinh và Quách Nghĩa Phân và Vương Thụ Bình đã sử dụng khoảng sân này làm "phòng tập", mỗi ngày đều "chơi rap" ở đây.
Ba ca sĩ chính đều là những người phụ nữ nông thôn cả đời gắn bó với đất đai ruộng đồng, xấp xỉ ở tuổi 65, không một ai ngờ được bản thân sẽ trở thành ca sĩ nổi tiếng được nhiều người biết đến. Bây giờ, họ đã trở thành người nổi tiếng trong làng, đi đến đâu cũng được chào hỏi, có người hàng xóm còn nói vui: “Bà Vương, dạo này không thấy đăng video, tôi đợi bài rap của bà lâu lắm rồi đấy!”.
Ba bà cảm thấy rất vui vì Nhiệm Kế Hâm - đứa trẻ mà họ đã chứng kiến từ lúc mới lọt lòng giờ đây trở thành người đồng hành vui vẻ với những “bà già gần đất xa trời” như họ. Anh nhẫn nại, tươi cười, chỉ dẫn từng chút một.
“Chúng tôi không được học hành đàng hoàng, tôi chưa tốt nghiệp tiểu học, cũng không biết chữ, càng mù tịt về âm nhạc”, bà Vương Tú Vinh nói.
Bà Vương Thụ Bình lắc đầu nói về việc hướng dẫn nghiêm túc của con trai: “Chúng tôi tự quay chơi thì không sao, nhưng quay thật diễn thật lại không hề đơn giản một chút nào”.
"Đến bây giờ vẫn không tin được bản thân đã ở tuổi gần đất xa trời mà vẫn kiếm được tiền"
Đến tháng 3-4 năm nay, bộ ba chị em họ Vương mới bắt đầu quen với ống kính. Ba bà mặc trang phục thường ngày (đương nhiên là chỉnh tề hơn một chút) cùng hòa lên nhịp điệu mộc mạc chân chất nơi làng quê. "Nếu có thể dự đoán tương lai, chúng tôi nhất định phải cố gắng học hành, trân quý thời gian”.
Trước khi thành lập nhóm, bộ ba người bà không hề biết gì về hát rap. “Nghe không hiểu và cũng không nghe rõ đang nói hay đang hát”.
Tết năm 2022, con trai út của bà Vương Thụ Bình là Nhiệm Kế Hâm về thôn ở luôn, mang theo cây đàn guitar, trống kệ và một bộ thiết bị ghi âm.
Ngoài công việc giấy tờ, anh còn phụ trách chỉnh sửa, quay phim, viết các loại bài hát tuyên truyền về an toàn xây dựng. Tháng 8/2021, Nhiệm Kế Hâm nghỉ việc vì chưa tìm thấy ý nghĩa ở doanh nghiệp nhà nước.
Nhiệm Kế Hâm vốn có ý định về quê chuyên tâm làm nhạc, dành hơn một năm viết ra 7-8 bài hát. Cơ duyên tìm đến khi anh quay video ngắn cho mẹ và hai cô. Một ý tưởng nảy ra trong đầu và cứ thế nhóm ba chị em ra đời.
Nhiệm Kế Hâm nhận ra người lớn tuổi hát rap là điều vô cùng đặc biệt, hơn nữa lại rất dễ, không cần kỹ thuật thanh nhạc hay giọng cao giọng trầm.
Để hình tượng có điểm nhấn hơn, bộ ba còn đeo kính râm. Bà Tú Vinh thỉnh thoảng còn quên chuyện đeo kính râm, diễn được một nửa thì bỗng nhiên vỗ đùi: "Kính râm của tôi đâu?". Bà Quách và bà Vương cười rộ lên, chờ bà Tú Vinh vội vàng chạy về nhà tìm kính râm.
Bà Vương Thụ Bình tính cách tương đối trầm hơn thì phụ trách giải đáp: "Bà nên ở nhà tìm việc gì đó mà làm đi, đừng ra ngoài làm phiền đến người khác!".
Ưỡn chiếc bụng to, bà Quách vóc người thấp nhất, giọng cũng to nhất, chuyên môn nói đùa: "Tôi thấy bà ngủ đến mụ người rồi, ở nhà sắp điên rồi, vừa nói đến ăn cơm thì hai mắt phát sáng!".
Nhóm "Chị Vương đến rồi" hầu như không trải qua giai đoạn hầu hết các blogger video ngắn đăng tải hàng chục video mà không ai hỏi thăm. Chỉ bằng mấy video đầu, tài khoản liền tăng lên hàng nghìn người hâm mộ. Có fan thì có tương tác, có tương tác thì có sự nổi tiếng.
Nhiệm Kế Hâm phụ trách viết nhạc cho bộ ba. Rap cũng không phức tạp, bài hát cũng rất ngắn, nhiều nhất là 20 câu, trung bình mỗi người chỉ cần hát 6 câu, nhưng mặc dù như vậy cũng hao phí không ít tâm huyết của ba người phụ nữ lớn tuổi.
Làm một đoạn video trung bình mất hết 3 ngày, trước tiên thu âm bài hát, sau đó quay. Khó khăn nhất vẫn là công đoạn thu âm. Bộ ba sau khi ăn cơm tối xong sẽ tụ tập đến nhà bà Vương Thụ Bình, lại đến phòng thu âm của Nhiệm Kế Hâm.
Phòng thu âm chính là phòng ngủ của Nhiệm Kế Hâm. Cửa phòng ngủ vừa mở ra chính là chiếc bàn làm việc, trên bàn từ phải sang trái có bốn máy tính có kích thước khác nhau, một dàn âm thanh, một cây đàn điện tử và một micro. Cả bốn người cùng nhau làm việc đến 1-2 giờ sáng là chuyện thường xuyên.
Sáng tạo không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nhưng mọi nỗ lực đều được đền đáp. Trong vòng chưa đầy nửa năm, số lượng người theo dõi kênh “Chị Vương đến rồi” đạt gần 500.000.
Ba người phụ nữ nông dân lớn tuổi cả đời chưa từng nghĩ tới sẽ được chú ý như vậy. Thỉnh thoảng họ lướt xem bình luận, được cư dân mạng khen ngợi nhưng không biết họ đang khen gì vì vốn dĩ cả ba đều không rành nhận biết chữ nghĩa. Ba người càng tự tin, thong dong với các cuộc phỏng vấn truyền thông liên tiếp.
Sau khi nổi tiếng, kênh “Chị Vương đến rồi” bắt đầu nhận quảng cáo. Ba người phụ nữ đến bây giờ vẫn không tin được bản thân đã ở tuổi gần đất xa trời mà vẫn kiếm được tiền, mà số tiền lại rất nhiều là đằng khác.
Thời trẻ đắng cay của bộ ba nữ rapper lớn tuổi
Làng Mật Vân mang đậm truyền thống văn hóa Trung Quốc xưa, gạo sản xuất ở đây từng là cống phẩm hoàng gia, bây giờ thay thế bằng những vườn anh đào rộng lớn. Cây anh đào nhà bà Vương Thụ Bình mỗi đầu mùa hè đều kết đầy anh đào to tròn và đỏ thẫm, vô cùng thích hợp giải nhiệt.
Ở làng Mật Vân có rất nhiều người ở độ tuổi như bộ ba chị em họ Vương. Khi còn trẻ ra tỉnh làm thuê, đến tuổi nghỉ hưu thì sống nhờ khoản lương hưu trợ cấp trong thôn và mấy mẫu đất.
Vào mùa xuân, bộ ba thường xuống đồng lúc hơn 5 giờ sáng để trồng trọt một chút hoa màu, làm đến 8 giờ sau đó về nhà nghỉ ngơi. Già rồi không có việc gì làm, trồng trọt cũng không thể kiếm tiền, chỉ xem như giết thời gian. Đậu phộng, khoai lang, bắp cải và củ cải được gieo hạt, chờ đến mùa thu mới thu hoạch.
Cuộc đời của bà Vương Thụ Bình trắc trở nhất trong ba người. 16 tuổi, bà Thụ Bình bắt đầu đi làm thuê, lái máy kéo đi khắp cánh đồng, làm việc cho nhà máy sản xuất phân bón và ngũ cốc. Sau 6 năm, bà chuyển sang làm việc trong một nhà máy gạch, cuộc sống mới xem như khả quan hơn một chút.
Sau khi sinh con gái lớn, bà Thụ Bình kết hôn lần hai ở tuổi 29 và sinh Nhiệm Kế Hâm ở tuổi 35. Áp lực nuôi dạy hai đứa con khiến gia đình trở nên khó khăn, bà lại tiếp tục làm thuê cuốc mướn đỡ đần kinh tế trong nhà. Mãi cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi 62, nhận được lương hưu hàng tháng là 900 NDT (hơn 3,1 triệu đồng) ở làng, cuộc sống mới dần ổn định.
Bà Quách mỗi ngày còng lưng cắt lúa mì, làm 12 giờ là ít nhất. 19 tuổi, bà tham gia đội xây dựng xã, làm việc 8 năm, vác bao xi măng nặng 50kg là chuyện thường tình. Đương nhiên đau lưng mỏi vai, nhưng vì tiền nên bà đành chịu đựng. Song cũng nhờ đó mà bà có sức mạnh không thua bất kỳ người đàn ông nào. Hiện tại hát rap cũng nổi bật nhất trong nhóm. Vóc dáng tuy thấp, khí thế lại hùng hồn.
“Tôi nói nghe này chị Vương, những chuyện cũ kia bây giờ chị còn nhớ không, vị đắng có nhiều hơn nữa cũng đáng trở thành kỷ niệm”, ba bà cùng cất lên tiếng rap chân chất, nhưng sau đó là dòng hồi tưởng nhớ về thuở trẻ lam lũ.
Tình bạn của ba người phụ nữ cũng dần ăn sâu vào cuộc sống vùng nông thôn như thế.