Vietnam Airlines muốn bán công ty nhiên liệu hàng không Skypec
Vietnam Airlines vừa mời các đơn vị tư vấn lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn của hãng tại Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec)
Theo thư mời của Vietnam Airlines đến các đơn vị quan tâm tham gia chào giá cung cấp gói dịch vụ "Tư vấn lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (VNA) tại Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec)", thời hạn muộn nhất để các đơn vị gửi hồ sơ tham gia chào giá cung cấp gói dịch vụ trên là 16 giờ ngày 8-2. Tổ Triển khai chuyển nhượng vốn của Vietnam Airlines tại Skypec là đơn vị tiếp nhận hồ sơ.
Xe bồn Skypec tra nạp nhiên liệu cho máy bay Vietnam Airlines. Ảnh: Skypec
Skypec (tiền thân là Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam) thành lập và chính thức đi vào hoạt động năm 1993, chính thức hoạt động theo mô hình TNHH một thành viên từ ngày 1-7-2010, với số vốn điều lệ 400 tỉ đồng do Vietnam Airlines là chủ sở hữu.
Hiện công ty mẹ Vietnam Airlines đang nắm 100% vốn tại Skypec. Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà đồng thời là Chủ tịch hội đồng thành viên của Skypec.
Với sức chứa hơn 220.000 m3, Skypec sở hữu hệ thống kho cảng đầu nguồn tại các cảng biển lớn và kho sân bay tại 18 sân bay dân dụng trên toàn quốc. Hệ thống 8 kho đầu nguồn trải dài từ miền Bắc, Trung, Nam giúp cho Skypec luôn đảm bảo lượng hàng cũng như điều vận hàng hóa cho các kho sân bay. Skypec hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có đầy đủ cơ sở vật chất, kho bể tại tất cả 18 sân bay dân dụng trên toàn quốc.
Hiện Skypec đã và đang cung cấp nhiên liệu cho tất cả các hãng hàng không trong nước và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài tại 18 sân bay dân dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam và 4 sân bay quốc tế lớn của Hàn Quốc, trong đó có nhiều khách hàng lớn như: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Korean Air, All Nippon Airways, Qatar Airways, Cathay Pacific, China Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways,…
Công ty này có khả năng phục vụ trên 214.000 chuyến bay/năm với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 2 triệu tấn/năm.
Giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu của Skypec tăng trưởng trên dưới 40% mỗi năm. Skypec ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất vào năm 2019 với doanh thu hơn 29.200 tỉ đồng, lợi nhuận 653 tỉ đồng, chiếm tới 30% tỉ trọng doanh thu của Vietnam Airlines.
Kho Thanh Lễ - TP HCM của Skypec. Ảnh: Skypec
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 làm tê liệt ngành hàng không, doanh thu và lợi nhuận của cả Vietnam Airlines và Skypec lao đáy trong các năm 2020 - 2021.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã nhiều lần lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu của Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN).
Năm 2021, trước nguy cơ bị hủy niêm yết, Vietnam Airlines đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 7.961 tỉ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ lên hơn 22.143 tỉ đồng, "thoát" âm vốn chủ sở hữu. Đồng thời, Vietnam Airlines đã ký hợp đồng tín dụng theo diện tái cấp vốn với tổng số tiền 4.000 tỉ đồng.
Năm 2022, cổ phiếu HVN đã thoát án hủy niêm yết bắt buộc khi vốn chủ sở hữu dương hơn 500 tỉ đồng tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Nguyên nhân là Vietnam Airlines đã chuyển nhượng 35% cổ phần tại Cambodia Angkor Air (K6), thu về 35 triệu USD được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính với lãi chuyển nhượng vốn góp.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) tiếp tục lưu ý khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN nếu tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 10.450 tỉ đồng. Đến hết 31-12, lợi nhuận lũy kế của cổ đông công ty mẹ âm xấp xỉ 34.200 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm 10.199 tỉ đồng.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết vẫn tiếp tục cố gắng tối đa đưa ra các giải pháp phục hồi và cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh gồm giảm tối đa mức lỗ; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập dòng tiền (2022-2025); phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu (2023-2025).
Vietnam Airlines vẫn đang có kế hoạch thoái vốn với Pacific Airlines. Đến Quý 3-2022, hãng bay này đang lỗ 7.000-8.000 tỉ đồng, nếu thoái vốn, chuyển nhượng thành công cổ phần tại Pacific Airlines sẽ giảm lỗ ngay trên báo cáo hợp nhất của Vietnam Airlines khoảng 5.000-6.000 tỉ đồng.