Trong khi HBC đã hoán đổi nợ cho SMC bằng cổ phiếu, Novaland vẫn chây ỳ "nợ xấu" hơn 700 tỷ: Công ty thép khẳng định sẽ quyết liệt xử lý trước 30/6
Nếu không xử lý nợ xấu sẽ phải trích lập 300 tỷ trong năm 2024, ảnh hưởng đến lợi nhuận, phía SMC ước tính.
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2024 của CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) ghi nhận, nợ xấu cuối kỳ vẫn giữ nguyên ở mức hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó 98% là nợ ngắn hạn và Công ty đã trích lập dự phòng hơn 570 tỷ đồng. Phần lớn đến từ các công ty bất động sản có liên quan tới Novaland.
'Nếu không xử lý nợ xấu sẽ phải trích lập 300 tỷ trong năm 2024'
Đây cũng là thông tin được cổ đông quan tâm đặt câu hỏi tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra cuối tuần qua. Trả lời, Phó Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi cho biết, trong quý đầu năm, SMC chưa phải trích lập dự phòng thêm cho các khoản công nợ. Tuy nhiên, nếu không xử lý được khoản nợ, SMC sẽ phải trích lập dự phòng thêm 90 tỷ đồng trong quý 2 và tổng cộng gần 300 tỷ trong cho cả năm 2024.
"Khoản trích lập này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, do đó SMC đang làm việc quyết liệt với Novaland và các đối tác khác", Phó Chủ tịch HĐQT nhận định.
Vị này cũng nhấn mạnh, SMC nhất định phải xử lý trong năm nay, có thể là trước thời điểm ngày 30/6. Các phương án xử lý nợ bao gồm cả thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ. Nếu khả thi, SMC đều chấp nhận. Mục tiêu là phải xử lý trong năm nay để không phải trích lập thêm.
Về khoản nợ 105 tỷ đồng của HBC, SMC đã ký văn bản thoả thuận về việc hoán đổi công nợ sang cổ phiếu. Cụ thể, SMC dự kiến nhận hơn 10 triệu cổ phiếu HBC với giá chuyển đổi 10.000 đồng/cp.
Ông Đặng Huy Hiệp, Tổng giám đốc SMC cho biết thêm, kết thúc quý 1/2024, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế là 183 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận từ thương vụ bán cổ phiếu NKG, ghi nhận 215 tỷ đồng.
Còn mảng thương mại của Công ty vẫn gặp khó khăn vì ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản và phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Trước đây, thế mạnh của SMC là làm công trình, hiện tại chuyển qua mảng dân dụng, nhưng mảng này hiệu quả không cao, chủ yếu để duy trì thị phần và khách hàng. Mảng sản xuất ống thép, thép mạ ghi nhận lỗ và đang thu hẹp quy mô sản xuất. Mảng gia công là ổn định nhất tại SMC.
Theo ông Hiệp, sản lượng mảng gia công tương đương năm 2023, khoảng 800.000 tấn, đóng góp 8 tỷ đồng trong quý 1/2024. Hiệu quả chưa cao nhưng cải thiện so với trước.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng gia công thép đóng góp 56% vào tổng doanh thu, mảng thương mại và sản xuất thép đóng góp lần lượt 10% và 25%.
Trong quý 2, SMC dự kiến có thêm lợi nhuận từ chuyển nhượng toà nhà văn phòng tại Điện Biên Phủ, theo chia sẻ của bà Ý Nhi, giá chuyển nhượng là 170 tỷ đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí, SMC dự kiến lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng từ thương vụ này.
Đáng chú ý, theo tiến độ, nhà máy SMC Phú Mỹ (chuyên gia công vỏ máy giặt và vỏ tủ lạnh cho Samsung) sẽ mang lại hiệu quả từ tháng 4/2024. Ông Hiệp cho biết, SMC là nhà cung ứng nội địa 100% cho Samsung, là bước tiến vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Nhà máy sản xuất 2 triệu sản phẩm trong năm 2024. SMC cũng đang bắt đầu tìm kiếm các khách hàng mới cho nhà máy này.
Năm 2024, Công ty đặt ra kế hoạch kinh doanh thận trọng với doanh thu 13.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến ở mức 900.000 tấn.
Nhận định bối cảnh năm nay, lãnh đạo SMC gói gọn trong ba từ khóa "rủi ro, bất định, thận trọng". Đối với ngành thép, sự hồi phục theo SMC sẽ diễn ra chậm rãi, chủ yếu diễn ra vào nửa cuối năm 2024, do các thách thức từ thị trường bất động sản và áp lực từ thị trường thép nhập khẩu.