Toàn cảnh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trong quý đầu năm 2022
Tổng doanh thu và lợi nhuận của 631 doanh nghiệp niêm yết đạt gần 605 ngàn tỷ đồng và 55 ngàn tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 32% so với cùng kỳ. Trong đó, có đến 108 đơn vị báo lãi tăng bằng lần.
Theo dữ liệu của VietstockFinance, trong 631 doanh nghiệp niêm yết (ngoại trừ nhóm chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm) đã công bố BCTC quý 1/2022, có 196 doanh nghiệp báo lãi giảm, 34 doanh nghiệp có lãi chuyển lỗ, 16 doanh nghiệp tăng lỗ, 322 doanh nghiệp tăng lãi, 25 doanh nghiệp giảm lỗ và 38 doanh nghiệp có lỗ chuyển lãi.
14 doanh nghiệp báo lãi hơn ngàn tỷ
Đứng đầu danh sách là Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) với lãi ròng hơn 8,200 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, tương ứng bình quân tạo ra hơn 90 tỷ đồng lợi nhuận cho cổ đông mỗi ngày.
Vị trí thứ 2 thuộc về “ông lớn” bất động sản Vinhomes (HOSE: VHM) với lãi ròng đạt 4,540 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, con số lại giảm 16%. Doanh thu thuần cũng giảm 31%, ghi nhận gần 8,924 tỷ đồng, đến từ việc bàn giao các công trình bất động sản để ở tại 3 đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park.
Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) cũng báo lãi ròng cao nhất từ 2018 đến nay, đạt 3,428 tỷ đồng, tăng 69%.
Doanh nghiệp báo lãi ròng hơn ngàn tỷ trong quý 1/2022 (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance |
Nhờ lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư và lãi khác tăng do giảm chi phí phạt hợp đồng, lãi ròng Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) tăng 17%, đạt 2,454 tỷ đồng.
Hay như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (HOSE: DPM) cũng đem về khoản lãi hơn 2 ngàn tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ và cao nhất từ trước đến nay.
DPM cho biết, sản lượng bán hàng urea tăng 30%, NPK tăng 33%, NH3 tăng 13%. Giá bán trung bình các loại phân bón hóa chất cũng gia tăng mạnh, từ hơn 70% - 170%, giúp Công ty bù đắp chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong đó giá khí nguyên liệu tăng khoảng 37%.
Loạt doanh nghiệp cũng báo lãi hơn ngàn tỷ trong quý 1 như Sữa Việt Nam (HOSE: VNM), Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC), CTCP FPT (HOSE: FPT), Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB)…
Tăng lãi bằng lần
Nhờ lãi từ chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính và lãi từ các dự án BOT được đưa vào khai thác trong khi chi phí quản lý giảm đã giúp cho Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) thu về khoản lãi khủng 647 tỷ đồng (cùng kỳ con số chỉ vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng).
Tương tự, do trong kỳ có phát sinh chuyển nhượng tài sản giúp cho lãi ròng của Bibica (HOSE: BBC) tăng vọt lên hơn 131 tỷ đồng, gấp gần 18 lần.
Top 20 doanh nghiệp có lãi tăng mạnh nhất trong quý 1/2022 (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance |
Gam màu tối
Kinh doanh dưới giá vốn khiến CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) lỗ gộp hơn 14 tỷ đồng. Cùng với việc chi phí gia tăng và khoản lỗ lớn từ công ty liên doanh liên kết, FLC kết thúc quý đầu năm với con số lỗ sau thuế 465 tỷ đồng. Công ty cho biết nguyên nhân do thu hẹp mảng kinh doanh thương mại, hơn nữa doanh thu bất động sản cũng giảm do dịch COVID-19 tăng mạnh trên cả nước làm hạn chế nhân công trực tiếp thi công tại các công trình để bàn giao và kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng sụt giảm.
Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) cũng ôm lỗ gần 113 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 3,539 tỷ đồng. Kết quả thua lỗ do chi phí vận chuyển, kho bãi tiếp tục tăng cao, giá mua phân bón, vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng 130%, bao bì đóng gói trái cây tăng 15% so với đầu năm. Ngoài ra, Công ty còn hạch toán ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá 68 tỷ đồng.
Nợ vay cao khiến Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (HOSE: TDC) gồng mình trả lãi gần 107 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ và cũng là con số lãi vay phải trả cao kỷ lục. Đó là nguyên nhân khiến nhà phát triển bất động sản có trụ sở tại Bình Dương này ôm lỗ nặng nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, con số lỗ lên tới 110 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/03/2022, TDC có dư nợ vay hơn 1,720 tỷ đồng, trong đó 922 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 802.7 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Top 20 doanh nghiệp chuyển lỗ trong quý 1/2022 (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance |
Điện lực Khánh Hòa (HOSE: KHP) cũng ghi nhận lỗ ròng gần 88 tỷ đồng (quý 1/2021 lỗ gần 77 tỷ đồng). Đơn vị cho hay do đặc thù áp giá điện mua theo mùa của KHP trái với mùa tại địa phương nên trong quý 1 và quý 2 hằng năm giá mua điện trung bình cao, trong khi giá bán điện trung bình thấp nên sản xuất điện của Công ty thường lỗ. Thêm vào đó, do tình hình dịch COVID-19 đã được khống chế, nên công tác sửa chữa lớn dẫn đến chi phí tăng.
Hay như Quốc tế Hoàng Gia (HOSE: RIC) gánh lỗ hơn 30 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 10 thua lỗ liên tiếp, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 412 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp tăng lỗ trong quý 1/2022 (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance |
Tuy không đến mức thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận mức lợi nhuận giảm mạnh.
Dẫn đầu là Tiên Sơn Thanh Hóa (HOSE: AAT) với lãi ròng chỉ ở mức hơn 21 triệu đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 9 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong quý 1, Công ty dự kiến chuyển nhượng Nhà máy may Nga Sơn nên không phát sinh doanh thu và lợi nhuận từ Nhà máy này. Mặt khác, chi phí giá vốn tăng do biến động thị trường cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của đơn vị.
Do đầu tư tài chính, kinh doanh chứng khoán, lãi ròng của CTCP MHC (HOSE: MHC) “lao dốc” không phanh từ 103 tỷ đồng cùng kỳ xuống chỉ còn 337 triệu đồng.
Tại thời điểm 31/03/2022, giá trị chứng khoán kinh doanh của MHC hơn 498 tỷ đồng (giá gốc), giảm 20% và trích lập dự phòng gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra, MHC còn đầu tư thêm 15.4% vốn tại Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng (giá gốc 20 tỷ đồng) trong khi đầu năm không ghi nhận khoản này.
Một loạt đơn vị cũng ghi nhận lãi ròng giảm mạnh so với cùng kỳ như Vật tư Xăng Dầu (HOSE: COM), Việt Tiên Sơn Địa ốc (HNX: AAV), Đá Núi Nhỏ (HOSE: NNC)…
Top 20 doanh nghiệp giảm lãi mạnh trong quý 1/2022 (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance |
Tiên Tiên