A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thương hiệu bánh mì từng gọi vốn thành công 5 tỷ đồng trên Shark Tank: Co-Founder khởi nghiệp từ hơn 2 triệu đồng, giờ có 1000 đối tác nhượng quyền

Ký ức về quầy bánh của mẹ và hương thơm ổ bánh mì là điều đã thôi thúc anh Minh Nhựt cùng người cộng sự bắt tay xây dựng nên một thương hiệu bánh mì đình đám.

Bánh mì Má Hải có giá trung bình khoảng 20.000 đồng, là sự kết hợp giữa vỏ bánh mì giòn giòn, chả cá dai dai kết hợp nước sốt tứ vị mặn – ngọt – chua – cay, sự thanh thanh của dưa leo và một chút the the của rau răm. Thương hiệu này được sáng lập bởi Hồ Đức Hải và đồng sáng lập Đoàn Văn Minh Nhựt. Cả hai anh đã lên Shark Tank Việt Nam gọi 5 tỷ đồng đổi lấy 10% của công ty.

Mới đây, trên kênh YouTube Rising Vietnam, anh Đoàn Văn Minh Nhựt đã có những chia sẻ về quá trình khởi nghiệp đầy chông gai. 

Theo đó, anh cho biết, gia đình có truyền thống bán bánh mì nên khi học cấp 2, cấp 3, anh đã phụ mẹ đi bán bánh mì. Ký ức về quầy bánh của mẹ và hương thơm ổ bánh mì là điều đã thôi thúc anh Minh Nhựt bắt tay cùng người cộng sự xây dựng nên thương hiệu bánh mì - món ăn "quốc hồn quốc tuý" của dân tộc Việt Nam. 

Khi mới khởi nghiệp, anh Minh Nhựt gặp nhiều thách thức, khó khăn. Trước tiên, khó khăn đến từ việc gia đình phản đối, có định kiến vì coi bán bánh mì chỉ cần học hết cấp 1, cấp 2, không cần học lên tới Đại học, tốt nghiệp loại Giỏi. Tuy nhiên, anh Minh Nhựt đã cố gắng vượt qua thách thức đầu với tâm niệm: "Làm ngành 'strees food' là phục vụ rất nhiều khách hàng. Nếu mình không thuyết phục được những người thân yêu nhất thì làm sao có bản lĩnh thuyết phục hàng triệu khách hàng tin yêu và ủng hộ". 

Thương hiệu bánh mì từng gọi vốn thành công 5 tỷ đồng trên Shark Tank: Co-Founder khởi nghiệp từ hơn 2 triệu đồng, giờ có 1000 đối tác nhượng quyền- Ảnh 1.

Thử thách thứ hai của anh Minh Nhựt với cộng sự là khởi nghiệp khi tuổi đời còn trẻ, đang là sinh viên nên thiếu kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế. Dù gia đình có truyền thống với nghề nhưng trước đây, anh Minh Nhựt chỉ phụ mẹ. Chỉ đến khi đứng ra làm chính, anh mới nhận thấy bản thân thiếu hụt nhiều điều về mặt ẩm thực, chuyên môn. "Có những buổi ăn bánh mì thay cơm là chuyện bình thường", anh cho biết.

May mắn trong giai đoạn khó khăn nhất, "start-up" nhận được sự hỗ trợ từ nhiều "mentor" giúp mô hình được hoàn thiện và chuẩn hoá sản phẩm, từ đó có tạo nên hương vị riêng "gây thương nhớ" như thời điểm hiện tại.

Thời điểm bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2013, 2014, bánh mì Má Hải là một trong những đơn vị tiên phong phổ biến bánh mì chả cá ở TP. HCM. Tuy nhiên chỉ khoảng 1 năm sau, bạn đi đâu cũng sẽ gặp nhiều người bán. Đây chính là thử thách thứ ba. 

CEO Bánh mì Má Hải bày tỏ: "Khi bạn là người đi đầu trong xu hướng nhưng nếu không giữ vững được giá trị và vị thế của mình thì chắc chắc sẽ có người khác làm thay bạn". 

Với điểm bán đầu tiên trước cổng trường Đại học Kinh tế TP. HCM trên tuyến đường chính Nguyễn Tri Phương nên có khách hàng thân quen ủng hộ, đó là thầy cô và bạn bè. Chỉ trong 3 tiếng buổi sáng, anh Minh Nhựt có thể bán tới 300 ổ bánh mì. Ngoài ra, có một điểm bán khác sau này bán tới 600 ổ bánh mì trong 3 tiếng buổi sáng, cần sự hỗ trợ từ 8 nhân sự. Đó là những con số biết nói trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. 

Chia sẻ về lý do có khởi đầu thuận lợi, CEO Bánh mì Má Hải cho rằng, thứ nhất là ở thị trường TP. HCM năng động, người tiêu dùng sẵn sàng trải nghiệm và sử dụng dịch vụ mới. Thứ hai là do có nguồn chả cá tươi ở Vũng Tàu. Thứ ba, chất lượng và dịch vụ của thương hiệu luôn chỉn chu, khách sẽ được tặng kèm khăn và tăm, nhân viên mặc đồng phục chuyên nghiệp, ki-ốt làm việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Hương vị "gây thương nhớ" của Bánh mì Má Hải gồm 2 yếu tố. Thứ nhất là nhờ chả cá dai dai cùng nước sốt trứ vị đậm đà, kết hợp với dưa leo và rau dăm tạo nên ổ bánh thơm ngon đặc trưng. Thứ hai hương vị "gây thương nhớ" còn ở yếu tố cảm xúc, thương hiệu mang lại những đóng góp giá trị cho cộng đồng, gắn liền với ký ức nhiều người.

Khởi nghiệp với hơn 2 triệu đồng

Anh Minh Nhựt tiếp tục chia sẻ, khi bắt đầu khởi nghiệp, anh chỉ có hơn 2 triệu đồng. Nếu dùng số tiền đó để mua 1 chiếc xe bán bánh mì hoàn toàn mới thì không khả thi. Vì thế, anh đã lấy hơn 1 triệu đồng để mua chiếc xe hủ tiếu cũ để sửa thành xe bánh mì.

Đi từ khó khăn là vậy, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 1000 đối tác tham gia mô hình nhượng quyền của Bánh mì Má Hải  và hệ thống đã có mặt tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, tại hơn 40 tỉnh thành trong suốt 10 năm phát triển. 

Thương hiệu bánh mì từng gọi vốn thành công 5 tỷ đồng trên Shark Tank: Co-Founder khởi nghiệp từ hơn 2 triệu đồng, giờ có 1000 đối tác nhượng quyền- Ảnh 2.

Anh Đoàn Văn Minh Nhựt.

Thời gian đầu khi mới đưa Bánh mì Má Hải ra miền Bắc phát triển, anh Minh Nhựt đã đối mặt với thất bại. Một trong những nguyên nhân thất bại là hương vị chưa phù hợp. CEO Bánh mì Má Hải bày tỏ quan điểm cá nhân: "Đối với người Hà Nội, khẩu vị người dùng ít thích đậm đà và ăn cay như người TP. HCM. Khi đi vào thị trường mới, nếu bạn áp dụng đúng công thức sẽ có người chấp nhận, có người dùng thử một lần cho biết. Sau này, chúng tôi đã điều chỉnh lại hương vị để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng".

Về thành công mô hình nhượng quyền, khi thành lập thương hiệu Bánh mì Má Hải, anh Minh Nhựt chưa nghĩ đến vấn đề này. Anh và cộng sự chỉ mong muốn đưa sản phẩm tốt nhất đến người tiêu dùng. Anh muốn kiểm soát tất cả các khâu nên chưa có chủ trương nhượng quyền.

CEO Bánh mì Má Hải cho biết: "Thời điểm đó, hệ thống có gần 40 điểm bán, tôi phải quản lý khoảng 200 nhân viên parttime buổi sáng cho 40 điểm. Tôi nhận ra một điều, nếu hệ thống tiếp tục mở rộng thì chi phí đầu tư để quản lý rất cồng kềnh và tầm quản trị có hạn. 

Sau đó, tôi bàn với cộng sự xây dựng mô hình nhượng quyền chi tiết đảm bảo hoàn thiện nhất, giữ được đúng hương vị".

Một số vấn đề lưu ý đối với mô hình nhượng quyền

Anh Minh Nhựt chia sẻ thêm, về việc nhượng quyền "stress food", đặc biệt là sản phẩm bánh mì, chúng ta cần lưu ý lựa chọn địa điểm lưu lượng lưu thông tốt, nằm ở khu mật độ dân cư cao, khu vực trường học, khu văn phòng.

Bước đầu tiên cần tìm hiểu thị trường, sản phẩm,... Khi nhượng quyền một mô hình, đặc biệt với "stress food" thì sự cạnh tranh về giá khá khốc liệt. Bạn cần phải hiểu rõ thương hiệu, cách thức chuyển giao mô hình, bề dày lịch sử hình thành và phát triển, thành tựu đã đạt được, trải nghiệm của khách hàng. Đây đều là những điều quyết định sự thành bại của mô hình nhượng quyền. 

CEO Bánh mì Má Hải bật mí: "Thời điểm trước dịch bệnh COVID-19, gói nhượng quyền full combo khoảng 20 triệu đồng cho Bánh mì Má Hải. Nhưng sau dịch, thị trường có sự thay đổi, kinh tế khó khăn nên tôi đã có sự điều chỉnh để hỗ trợ mọi người. Chúng tôi chủ động cắt giảm, tinh gọn hết mức có thể gói nhượng quyền, chỉ còn hơn 7,5 triệu đồng.

Chẳng hạn như chi phí gửi nhân viên xuống khảo sát thì người mua gói nhượng quyền có thể tự khảo sát địa điểm. Hay công tác đào tạo trực tiếp thì thay thế bằng hình thức online. Chúng tôi gọi đây là 'an sinh lập nghiệp', mang đến tác động tích cực, giúp đỡ được nhiều người bị ảnh hưởng sau dịch COVID-19".

Anh Minh Nhựt bày tỏ thêm, yếu tố nghiên cứu thị trường cũng phải xuất phát từ khía cạnh góc nhìn nhận của chủ doanh nghiệp. Từ đó đặt vị trí của mình vào khách hàng để nhìn nhận cục diện, cảm nhận rõ "nỗi đau" để có giải pháp hiệu quả. Bên cạnh đó, hạn chế và thách thức trong mô hình nhượng quyền là các đối tác cần đảm bảo sự đồng nhất về mặt hình ảnh, dịch vụ, thương hiệu. 

Nguồn: Youtube Rising Vietnam


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...