A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thua kiện 157 tỷ đồng - Nhựa Rạng Đông có giảm lợi nhuận?

Nhựa Rạng Đông đã ghi nhận lợi nhuận vào năm 2017, đồng thời xóa bỏ khoản lợi nhuận đó vào năm 2020 ngay khi xảy ra tranh chấp. Do đó việc thanh toán tiền thua kiện sẽ chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền của công ty.

 

Thua kiện 157 tỷ đồng - Nhựa Rạng Đông có giảm lợi nhuận? - Ảnh 1.

Simili (vật liệu giả da) - một sản phẩm của Rạng Đông Long An.

Nội dung chính:

  • Nhựa Rạng Đông vừa thua trong một vụ kiện kéo dài 6 năm, buộc công ty này phải trả cho đối tác 157 tỷ đồng theo phán quyết của trọng tài quốc tế.
  • Thương vụ bán cổ phần công ty con năm 2017 đã được Nhựa Rạng Đông ghi nhận lợi nhuận, nhưng đồng thời đã xóa bỏ khoản lợi nhuận đó vào năm 2020 - khi bắt đầu tranh chấp.
  • Việc chi trả sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền và các kế hoạch kinh doanh, đầu tư của Nhựa Rạng Đông, nhưng không trực tiếp tác động đến kết quả kinh doan h.

Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (Nhựa Rạng Đông - HoSE: RDP) buộc phải chi trả cho đối tác Sojitz Pla-net Corporation 157 tỷ đồng theo phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) ban hành tháng 7/2022. Đây là phán quyết của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tòa án TP.HCM).

Sở dĩ Tòa án TP.HCM phải ra phán quyết về phán quyết của một trung tâm trọng tài quốc tế, là vì trước đó Nhựa Rạng Đông đã phản đối phán quyết của trung tâm trọng tài, trình lên Tòa án TP.HCM. Phán quyết lần này của Tòa án TP.HCM là phán quyết phúc thẩm, buộc Nhựa Rạng Đông phải thi hành.

Như vậy, dù “phục” hay không, thì Nhựa Rạng Đông cũng sẽ phải chi 157 tỷ đồng để trả cho phía đối tác Sojitz trong thời gian tới.

Thương vụ đã giúp Nhựa Rạng Đông “thoát lỗ” năm 2017

Thương vụ dẫn đến xung đột giữa hai bên bắt đầu từ năm 2017.

Tháng 9/2017, Nhựa Rạng Đông ký hợp đồng bán 20% cổ phần công ty con là CTCP Nhựa Rạng Đông Long An (Rạng Đông Long An) cho Sojitz với giá hơn 174 tỷ đồng. Với thương vụ này, Nhựa Rạng Đông đã giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty con từ mức 85% xuống còn 65%. Rạng Đông Long An vẫn tiếp tục là công ty con của Nhựa Rạng Đông.

Thương vụ này được Nhựa Rạng Đông ghi nhận khoản lãi 124 tỷ đồng trong báo cáo tài chính năm 2017. Tuy nhiên, do Rạng Đông Long An vẫn là công ty con của Nhựa Rạng Đông, khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng vốn này được ghi vào bảng cân đối kế toán của công ty, thay vì kết quả kinh doanh. Chung quy lại, đó vẫn là một khoản lợi nhuận có thực, công ty đã nhận thanh toán phần lớn số tiền trong hợp đồng.

Năm 2017, Nhựa Rạng Đông lỗ sau thuế 55 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính. Khoản lợi nhuận 124 tỷ đồng từ thương vụ bán cổ phần công ty con đã giúp Nhựa Rạng Đông có được một năm kinh doanh có lãi tới 69 tỷ đồng, được ghi nhận như một khoản lợi nhuận giữ lại dành cho cổ đông.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, 2017 là năm duy nhất Nhựa Rạng Đông thua lỗ (từ hoạt động kinh doanh chính).

“Trả lại” khoản lãi năm xưa

Cuối tháng 3/2020, gần ba năm sau thương vụ mua bán cổ phần, giữa hai bên xảy ra xung đột khi bên mua (Sojitz) quyết định hoàn trả lại cổ phần, đề nghị Nhựa Rạng Đông trả lại tiền.

Bỏ qua những tình tiết về nguyên nhân khiến hợp đồng đổ vỡ, quyết định trả cổ phần của Sojitz đã được Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Long An thông qua khi công bố Rạng Đông Long An không còn cổ đông nước ngoài (là Sojitz). Với động thái này, tỷ lệ sở hữu của Nhựa Rạng Đông tăng trở lại mức 85%, như trước khi thương vụ được thực hiện.

Dù không trả lại tiền như Sojitz đòi hỏi, trong báo cáo tài chính năm 2020, Nhựa Rạng Đông đã lập tức ghi giảm phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 116 tỷ đồng - thấp hơn 8 tỷ đồng so với khoản lợi nhuận đã ghi nhận vào năm 2017.

Với việc “trả lại” khoản lãi năm xưa, lợi nhuận chưa phân phối của Nhựa Rạng Đông bắt đầu âm từ năm 2020, đến cuối quý II/20023 vẫn còn âm 61 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân cổ phiếu RDP của Nhựa Rạng Đông bị đưa vào tình trạng cảnh báo từ năm 2020 đến nay.

Như vậy, về cơ bản thương vụ bán cổ phần công ty con rồi nhận lại, đã được Nhựa Rạng Đông tất toán gần hết về lợi nhuận giữ lại. Việc chi trả sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đáng kể đến lợi nhuận của công ty.

Vấn đề hiện tại là tiền

Bắt đầu từ báo cáo tài chính năm 2021, Nhựa Rạng Đông ghi nhận khoản 157 tỷ đồng mà Sojitz đòi hoàn trả, là khoản phải trả, cho dù công ty vẫn giữ lập trường là… sẽ không trả toàn bộ. 157 tỷ đồng là số tiền mà Sojitz trả trước cho Nhựa Rạng Đông trong thương vụ mua bán nói trên.

Việc ghi nhận thận trọng số tiền đang tranh chấp giúp Nhựa Rạng Đông tránh bị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ. Việc ghi nhận này cũng không ảnh hưởng gì đến dòng tiền của Nhựa Rạng Đông.

Tuy nhiên, khi Tòa án phán quyết công ty phải trả 157 tỷ đồng cho đối tác, sớm hay muộn, Nhựa Rạng Đông cũng phải thu xếp nguồn tiền để tránh những chế tài nghiêm khắc hơn.

Số dư tiền và tương đương tiền cuối quý II/2023 của Nhựa Rạng Đông chỉ còn 28 tỷ đồng. Cùng với số tiền gửi ngân hàng ngắn hạn 41 tỷ đồng, dòng tiền tối đa mà công ty có thể huy động cũng chưa đến 70 tỷ đồng - chưa bằng một nửa số tiền phải trả cho Sojitz. Với tình hình tài chính này, Nhựa Rạng Đông sẽ không có đủ tiền để chi trả cho Sojitz.

Mới đây, công ty vừa lên phương án phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, bao gồm một số lãnh đạo của công ty. Số tiền dự kiến huy động được trong thương vụ phát hành khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kế hoạch, số tiền này sẽ được dùng để chi trả các khoản vay ngân hàng.

Tính đến cuối quý II/2023, Nhựa Rạng Đông vay nợ 1.273 tỷ đồng, trong đó gần 1.000 tỷ đồng sẽ đến hạn trong vòng 1 năm tới. Khoản nợ tới hạn này cũng “gấp rút” không thua kém khoản tiền mà Sojitz đòi từ Nhựa Rạng Đông.

Vì vậy, trong thời gian tới, không loại trừ việc Nhựa Rạng Đông sẽ phải tiếp tục vay vốn để bù đắp những thiếu hụt về dòng tiền.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...