A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phập phồng vụ trái cây Tết

Còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng nhiều nhà vườn sản xuất trái cây tại miền Tây đang lo lắng vì giá đang giảm. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ kết nối để tiêu thụ mặt hàng này.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), cho hay tuy đã vào cuối vụ, sản lượng chôm chôm còn ít nhưng giá rất thấp. Chôm chôm Java được thương lái thu mua tại vườn từ 10.000 - 11.000 đồng/kg, trong khi giá bán phải 12.000 đồng/kg mới có lãi.

Trong khi đó, bưởi Năm Roi là loại trái cây đặc sản ở miền Tây, thường được người dân mua về chưng trong dịp Tết nhưng giá không bằng mọi năm. "Bưởi loại 1 từ 1,2 kg/trái trở lên, chỉ 22.000 đồng/kg, thấp hơn 8.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Thậm chí thương lái còn không đến mua, nhà vườn phải nài nỉ bán cho các vựa" - anh Nguyễn Trung Tín (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) thông tin.

Phập phồng vụ trái cây Tết - Ảnh 1.

Nhà vườn trồng mít Thái đang lo lắng khi giá giảm sâu

Một loại trái giảm giá sâu là mít Thái. Theo ông Võ Hồng Quốc (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), hiện thương lái mua mít Thái nhỏ giọt với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Để tạo đầu ra cho các loại nông sản nói chung và trái cây nói riêng, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP Cần Thơ, sở phối hợp với các sở, ngành khác kết nối tiêu thụ để tìm đầu ra cho nông dân như bán vào siêu thị. Đồng thời, cũng khuyến cáo họ tận dụng phụ phẩm để bón cây, hạn chế phân hóa học để vừa giảm chi phí vừa có sản phẩm sạch.

Quốc hội đã ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Cần Thơ, trong đó có chính sách thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Nhận xét về chính sách này, PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, nguyên Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn (ĐH Cần Thơ), cho rằng trung tâm thành lập là một tín hiệu đáng mừng. Nếu đặt trung tâm này ở Cần Thơ thì phí vận chuyển bằng đường thủy sẽ thấp. "Ngoài ra, còn giải được bài toán "được mùa, rớt giá" vì khi nông sản vào mùa thu hoạch rộ, giá giảm hoặc không ai mua thì trung tâm sẽ là nơi chế biến sâu, làm tăng giá trị cho nông sản" - PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ phân tích.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...