Những đại gia “bán cá buôn tôm” Việt lội ngược dòng ngoạn mục trong bão Covid 2021 là ai?
Tháng 1/2022, tổng xuất khẩu các sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam đạt 345,6 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện xuất khẩu hải sản chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của cả nước. Vượt qua một năm 2021 đầy khó khăn, thử thách các doanh nghiệp đầu ngành như Vĩnh Hoàn (VHC), Camimex Group (CMX), Cổ phần thực phẩm Sao Ta (FMC) vẫn chứng tỏ được nội lực của mình và mạnh mẽ vươn lên.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có năm 2021 đạt giá trị ấn tượng khi tăng 6% so với năm 2020, đạt gần 9 tỷ USD. Trong đó, ngành hàng tôm đóng góp gần 45% và ngành cá tra chiếm 18%, khi đạt lần lượt 3,9 tỷ USD và 1,6 tỷ USD.
Về hoạt động kinh doanh chung, có thể chia các doanh nghiệp niêm yết trong ngành theo hai hướng nổi bật: một là lội ngược dòng để hồi phục mạnh mẽ; hai là tiếp tục đà suy giảm do không thể kiểm soát các chi phí gia tăng.
Giới “bán cá buôn tôm” chủ đạo ở Việt Nam - các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản - đều có nhà máy, vùng nguyên liệu tại phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng từ làn sóng dịch lần thứ tư vừa qua, khi có hơn 3 tháng phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái cầm chừng.
Một là do ảnh hưởng của dịch Covid khiến số lượng công nhân có thể làm việc tại nhà máy giảm sút, đơn hàng bị chậm hoặc không hoàn thành khiến doanh thu giảm.
Hai là chi phí vận chuyển, cước tàu tăng cao trong quý III, IV/2021 làm giảm biên lợi nhuận gộp.
Ba là chi phí quản lý phát sinh trong thời Covid như chi phí tầm soát y tế,... khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng.
Ngay cả với "Vua tôm" của ngành, Công ty cổ phần tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, doanh nghiệp được mệnh danh là "vua tôm", hiện chưa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 nhưng theo BCTC công ty mẹ, quý IV/2021, doanh nghiệp cũng ghi nhận chi phí bán hàng tăng hơn 92% so với cùng kỳ năm 2020, lãi ròng giảm hơn 11%.
Bất chấp những thách thức chung mà các doanh nghiệp phải đối mặt, đã có những đơn vị trong ngành tôm, cá tra ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội trong năm vừa qua so với năm liền kề trước đó. Việc nhanh chóng khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu vào 3 tháng cuối năm trở thành minh chứng rõ nhất thể hiện nội lực của các doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn luôn là cái tên đầu tiên được nhắc đến khi nói về ngành thủy sản nói chung và mặt hàng cá tra nói riêng. Là công ty dẫn đầu thị trường, Vĩnh Hoàn có kết quả kinh doanh vượt trội hơn so với các đơn vị cùng ngành trong quý khó khăn nhất năm vừa qua và thậm chí còn lội ngược dòng mạnh mẽ trong 3 tháng cuối năm, với doanh thu thuần tăng gần 40%, đạt gần 2.700 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp năm ngoái của Vĩnh Hoàn ở mức hơn 19%, nghĩa là cao hơn năm 2020 gần 5%.
Có những doanh nghiệp mặc dù tăng trưởng lợi nhuận âm nhưng biên lợi nhuận gộp lại được cải thiện trong năm 2021 như Công ty cổ phần Nam Việt (ANV), lợi nhuận năm 2021 giảm tới 37% so với năm ngoái nhưng tỷ lệ lợi nhuận gộp/doanh thu lại tăng từ 14% năm 2020 lên 16% năm 2021.
Hay như công ty cổ phần tập đoàn thuỷ sản Minh Phú (MPC), lợi nhuận năm ngoái giảm 3% so với năm 2020 nhưng tỷ lệ lợi nhuận gộp/doanh thu lại tăng từ 8% lên 12% trong năm 2021.
Một số doanh nghiệp khác có biên lợi nhuận gần như không đổi so với 2020 như công ty cổ phần Camimex Group (CMX), công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (FMC),..
Ngoài ra những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ triền miên như Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang (AMF) có biên lợi nhuận gộp rất thấp.
Trải qua một năm nhiều khó khăn và thử thách, các doanh nghiệp thuỷ sản đang trên đà hồi phục sau Covid 19 với những con số xuất khẩu tháng 01 năm 2022 khả quan.
Mới đây, trước việc thu phí sử dụng công trình, hạ tầng tại cảng biển TP Hồ Chí Minh sắp được triển khai, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – Vasep đã đưa ra nhiều ý kiến chưa đồng tình.
Các doanh nghiệp thuỷ sản cho rằng việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển cao, không công bằng tại thời điểm này là không hợp lý.
Theo Vasep, hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TP HCM. Trong khi đó, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung.
Nếu tính chi phí tăng thêm cho một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình là 3 - 3,5 tỷ đồng/năm; với doanh nghiệp lớn hơn khoảng 13,5 - 14 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, giá xăng dầu đang tăng phi mã cũng là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp chậm phục hồi.