A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hệ sinh thái Amber Holdings với “mảnh ghép” Chứng khoán Nhất Việt

CTCP Chứng khoán Nhất Việt (HNX: VFS) gây chú ý khi liên tiếp được chấp thuận chuyển sàn lên HNX và được chấp thuận tăng vốn lên 1,200 tỷ đồng. Đứng sau công ty chứng khoán này là một hệ sinh thái đa ngành của ông Trần Anh Thắng.

Chứng khoán Nhất Việt (VFS) thành lập tháng 10/2008, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, dịch vụ chứng khoán với trọng tâm là cho vay ký quỹ khách hàng cá nhân và tổ chức. VFS có vốn điều lệ ban đầu 135 tỷ đồng. Sau 3 lần thay đổi, vốn nâng lên 802.5 tỷ đồng vào tháng 11/2021 và giữ đến hiện tại.

Ông Trần Anh Thắng (sinh năm 1984) là người đại diện pháp luật, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty.

Đổi nhận diện thương hiệu, “rục rịch” tăng vốn gấp 3

Ngày 19/06, VFS quyết định thay đổi bộ nhận diện thương hiệu với logo mới sử dụng 2 màu chủ đạo là cam và xanh dương, thay vì màu cam như trước đây.

Ngày 24/07, hơn 80 triệu cp VFS niêm yết trên HNX với giá tham chiếu 21,200 đồng/cp, tương ứng vốn hóa 1.7 ngàn tỷ đồng. Trước đó, 41 triệu cp VFS giao dịch trên UPCoM từ ngày 01/07/2020 với giá 10,300 đồng/cp, tương đương vốn khi đó là 422 tỷ đồng.

Chuyển sàn là một trong những mục tiêu chính của VFS trong năm 2023, nhằm nâng cao vị thế và cơ hội thu hút vốn đầu tư. Kế hoạch này từng được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua nhưng chưa thành công, bởi VFS rút hồ sơ niêm yết HOSE vào cuối năm 2022 do đánh giá thị trường không thuận lợi.

Ngoài chuyển sàn, mục tiêu quan trọng khác trong năm nay của VFS là tăng vốn điều lệ lên 2,400 tỷ đồng, gấp 3 lần hiện tại với phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ và cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1.

Theo kế hoạch, đợt phát hành riêng lẻ dự kiến triển khai trong quý 2 - 3/2023, sau đó Công ty sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng trong quý 3/2023 - quý 1/2024. Với việc tăng vốn này, VFS sẽ lọt vào top 20 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VFS thông qua phương án tăng vốn lên 3,006 tỷ đồng với kế hoạch phát hành tỷ lệ tương tự, song chưa được chấp thuận của UBCKNN. Do đó, vốn điều lệ vẫn giữ nguyên 802.5 tỷ đồng

Ngày 31/07/2023, UBCKNN có văn bản chấp thuận cho VFS tăng vốn lên 1,200 tỷ đồng thông qua phương án chào bán 39.75 triệu cp  riêng lẻ,  giá 10,000 đồng/cp.

VFS - Mảnh ghép hoàn thiện “hệ sinh thái” Amber Holdings?

VFS trước đây là một công ty chứng khoán nhỏ. Cái tên Nhất Việt chỉ mới bắt đầu gây chú ý vào năm 2017 khi được một nhóm nhà đầu tư cá nhân mua lại với tham vọng hoàn thiện hệ sinh thái tài chính - bất động sản - năng lượng.

Giai đoạn 2017 - 2022, doanh thu hoạt động của VFS tăng trưởng trung bình 38%/năm; lãi sau thuế tăng tới 188%/năm vào giai đoạn 2017 - 2021, trước khi quay đầu giảm xuống 29% vào năm 2022 do biến động chung của thị trường chứng khoán.

Lợi nhuận sau thuế theo năm của VFS
(Đvt: Tỷ đồng)

6 tháng đầu năm nay, VFS ghi nhận doanh thu hoạt động gần 135 tỷ đồng, lãi sau thuế 44 tỷ đồng, tăng tương ứng 50% và 23% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Công ty kỳ vọng tổng doanh thu và lãi sau thuế đạt hơn 230 tỷ đồng và 80 tỷ đồng, tăng 35% và 27% so với năm 2022. Với kết quả trên, VFS đã hoàn thành 55% kế hoạch lợi nhuận năm.

Từ năm 2017 đến nay, tự doanh là mảng đóng góp gần một nửa doanh thu cho VFS, kế đến là cho vay ký quỹ và tiền gửi chiếm gần 1/3 tổng doanh thu, sau đó là môi giới và một phần nhỏ từ dịch vụ tư vấn. Từ 2019 đến nay, tự doanh là mảng có sự tăng trưởng mạnh nhất, tới 173%/năm.

Nửa đầu năm 2023, doanh thu hoạt động tự doanh của VFS đạt 91 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ, chủ yếu do Công ty bán các chứng khoán trong danh mục tự doanh, thu được khoản lãi hơn 70.8 tỷ đồng (gồm 67.7 tỷ đồng từ cổ phiếu và 3.1 tỷ đồng từ trái phiếu) và lãi chưa thực hiện là khoản lãi do danh mục cổ phiếu nắm giữ, được đánh giá lại ngày 30/06/2023, đạt 20.4 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty ghi nhận khoản lãi từ việc bán gần hết cổ phiếu trong danh mục tự doanh như mã TSJ (61.7 tỷ đồng) và EVF (4.9 tỷ đồng).

Cơ cấu doanh thu của VFS giai đoạn 2017 - 6 tháng năm 2023

Nguồn: VietstockFinance

Về cơ cấu tài sản, VFS trước đó có sự chuyển dịch từ tài sản dài hạn sang ngắn hạn do trong năm 2022 Công ty nhận định thị trường trái phiếu có nhiều biến động nên vào quý 2/2022 đã tất toán toàn bộ các trái phiếu đầu tư, chuyển sang nắm giữ tiền mặt, bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ và đầu tư cổ phiếu.

Tại thời điểm 30/06/2023, tổng giá trị tài sản của VFS đạt hơn 1,055 tỷ đồng, phần lớn là tài sản ngắn hạn (chiếm 98%), tài sản dài hạn chiếm chưa đầy 2%. Trong đó, Công ty nắm giữ 595 tỷ đồng tiền mặt, gấp rưỡi đầu năm. Các khoản cho vay đạt hơn 322 tỷ đồng, tăng 14%; các tài sản chính thông qua lãi lỗ (FVTPL) gần 115 tỷ đồng, giảm 65% so với đầu năm.

Tỷ lệ nợ trên tổng tài sản của VFS tại thời điểm cuối năm 2021, cuối năm 2022 và cuối quý 2/2023 lần lượt là 2.6%, 2.8% và 2.3%, do hầu hết Công ty dùng nguồn vốn chủ sở hữu để tài trợ cho nguồn vốn hoạt động kinh doanh.

Vốn chủ sở hữu của VFS tại thời điểm 30/06/2023 đạt hơn 1,031 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, do lợi nhuận chưa phân phối tăng 41 tỷ đồng.

Trên 2 sàn chứng khoán niêm yết - HOSEHNX, các doanh nghiệp chứng khoán có ngành nghề hoạt động, quy mô vốn điều lệ tương đương VFS có thể kể đến như Chứng khoán Guotai Junan (JVS); Chứng khoán Bảo Việt (BVS); Chứng khoán Smart Invest (AAS) và Chứng khoán DSC.

Trong cơ cấu cổ đông lớn của VFS tại ngày 18/04, ông Trần Anh Thắng nắm giữ hơn 8.6 triệu cp (tỷ lệ 10.733%) và CTCP Amber Capital Holdings (10.966%).

Bên cạnh vai trò Tổng Giám đốc VFS, ông Trần Anh Thắng còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Amber Capital Holdings, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước và mới đây là Thành viên HĐQT độc lập Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, từ tháng 02/2023).

Phác thảo hệ sinh thái Amber Holdings

CTCP Amber Capital Holdings (Amber Holdings) là tập đoàn đầu tư tài chính và phát triển bất động sản, năng lượng; sở hữu hệ sinh thái kinh doanh đa dạng cùng nhiều dự án quy mô trên toàn quốc.

Theo thông tin  trên website, Amber Holdings thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ ban đầu 200 triệu đồng, hiện ông Trần Anh Thắng là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT.

Phát triển trên ba trụ cột chính là tài chính - bất động sản - năng lượng, Amber Holdings xây dựng hệ sinh thái với hơn 8 đơn vị thành viên và tổng tài sản 15 ngàn tỷ đồng.

Lĩnh vực tài chính có 3 công ty thành viên là CTCP Chứng khoán Nhất Việt; CTCP Quản lý quỹ Amber (Amber Capital) và CTCP Đầu tư Amber Fintech.

Đại diện duy nhất ở lĩnh vực bất động sản là CTCP Amber Asset Management (tiền thân là CTCP Bất động sản Quang Anh), hiện là chủ đầu tư của các dự án trên toàn quốc bao gồm:

Nguồn: Amber Holdings

Dự án sân golf Yên Dũng với tổng mức đầu tư trên 1,625 tỷ đồng là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bắc Giang với chủ đầu tư cũ là CTCP QNK Bắc Giang. Theo kế hoạch, dự án chia 2 giai đoạn; giai đoạn 1 tại xã Tiền Phong, giai đoạn 2 tại xã Yên Lư và hoàn thành vào tháng 06/2018.

Tuy nhiên, tháng 04/2021, dự án được “sang tay” cho Amber Holdings triển khai giai đoạn 2 với quy mô 100ha và đổi tên thành Amber Hills Golf & Resort - Rock Valley Course, sau khi khởi công vào ngày 10/12/2022.

Quy hoạch dự án Amber Hills Golf & Resort (Rock Valley Course) - Ảnh: Amber Holdings

Sau khi đổi nhận diện thương hiệu, Tập đoàn này tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ hợp villa và khách sạn. Giai đoạn 2 có quy mô 100ha, trong đó 85.7ha diện tích chưa được chuyển đổi.

Đến tháng 07/2023, dự án đã chậm tiến độ 5 năm do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Gần đây, UBND tỉnh Bắc Giang và các bộ, ngành liên quan đề xuất chuyển đổi 85.7ha đất lâm nghiệp để thực hiện giai đoạn 2 nhưng chưa được Thủ tướng đồng ý.

Tại lĩnh vực năng lượng, Amber Holdings sở hữu 2 công ty thành viên gồm CTCP Amber Engergy và CTCP Helio Energy (vốn điều lệ 300 tỷ đồng).

Các dự án năng lượng

Nguồn: Amber Holdings

Ngoài ra, Amber Holdings còn lấn sân sang lĩnh vực truyền thông với 1 công ty thành viên ra đời năm 2017 là CTCP Dịch vụ và Truyền thông Amber (Amber Media)  lĩnh vực đào tạo là CTCP Giáo dục Amber Academy.

Người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc Amber Academy là ông Nguyễn Thế Anh. Hiện ông Thế Anh còn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Nhất Việt (VFS), Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Ô tô Á châu Việt Nam. Tại VFS, ông Thế Anh nắm 480,000 cp, tương ứng 0.598% vốn. 

Ông Nguyễn Thế Anh - Chủ tịch HĐQT VFS, cũng là Tổng Giám đốc Amber Academy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...