Gỗ Việt Nam đứng top 5 thế giới về kim ngạch xuất khẩu, Mỹ nhập 10 chiếc ghế gỗ thì 4 chiếc "made in Vietnam"
Chiều 9/7, phát biểu tại tọa đàm “Phát triển Logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố Fiata World Congress 2025”, ông Ngô Sỹ Hoài cho biết Hoa Kỳ là một trong những đối tác nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam khi cứ 10 chiếc ghế gỗ nhập khẩu thì có tới 4 chiếc made in Vietnam. Bên cạnh đó, chuyển đổi logistics xanh đối với doanh nghiệp SMEs là cơ hội “bây giờ hoặc không bao giờ”.
Buổi tọa đàm "Phát triển Logistics canh, thích ứng nhanh và công bố Fiata World Congress 2025" đã diễn ra vào chiều 9/7, bàn luận về khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước biến động kinh tế và xu hướng chuyển đổi xanh hiện nay.
Tại tọa đàm, ông Trần Chí Dũng, Trưởng ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đã đặt câu hỏi về phía khách hàng, đối tác thị trường đã đặt ra yêu cầu chuyển đổi xanh dịch vụ logistics như thế nào với doanh nghiệp gỗ.
Phát biểu tại sự kiện, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay công nghiệp gỗ Việt Nam xếp hạng thứ 5 trên thế giới xét về tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn trong nhóm sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao, Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc.
Xuất khẩu gỗ đã vươn tới 170 thị trường trên thế giới, trong đó 90% kim ngạch thuộc về 5 thị trường lớn nhất là Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU. Trong đó, Hoa Kỳ chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.
"Các vị hình dung nếu người Mỹ nhập khẩu 10 chếc ghế thì 4 chiếc ghế đã made in Vietnam" – ông Hoài chia sẻ.
Ông Hoài còn cho hay, sản phẩm gỗ khá đặc thù và cồng kềnh hơn so với sản phẩm khác nên chi phí vận tải biển rất cao. Có những trường hợp giá trị của hàng hóa của container cũng chỉ tương đương với chi phí vận chuyển. Ông ví dụ, một container gỗ xuất khẩu sang Mỹ chi phí lên tới 7-8 nghìn USD. Do đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ cho biết chuyển đổi xanh của công nghiệp logistics là một trong những quyết định thành bại của nghề gỗ.
"Chúng tôi nhận thức sâu sắc Chuyển đổi xanh đảm bảo khả năng đàn hồi, khả năng phục hồi nhanh chóng của công nghiệp logistics", ông Hoài kết luận.
Các doanh nghiệp gỗ đang kiểm kê rác thải khí nhà kính, tuân thủ quy định về zero rác thải trong thời gian ngắn gần đây.
Vị chuyên gia kỳ vọng, với nội lực ngành công nghiệp gỗ, phục hồi nhanh, điều kiện logistics được cải thiện hướng tới xanh hóa sẽ tạo điều kiện để ngành công nghiệp gỗ phát triển bền vững.
Ở một khía cạnh khác, mô hình logistics xanh cần đảm bảo về vấn đề kho bãi. Một câu hỏi đặt ra tại diễn đàn là với 90% doanh nghiệp trong ngành là vừa, nhỏ và siêu nhỏ rằng liệu áp dụng logistics xanh có tốn kém hay không.
Để trả lời được vấn đề này, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Western Pacific Group (WPG) khẳng định:
"Đối với tôi, đây là cơ hội now or never (bây giờ hoặc không bao giờ). Đây không phải là vấn đề quá lớn như thường nghĩ, bởi doanh nghiệp chưa có điều kiện chuyển đổi nhiên liệu tốn kém hơn có thể áp dụng tối ưu hóa các giải pháp".
Bà kiến nghị, một số giải pháp các doanh nghiệp SMEs có thể nghĩ tới là giảm tỷ lệ khí CO, hoặc tối đa hóa năng lượng tái tạo.
Hiện, WPG đang áp dụng mô hình cụm ở quy mô nhỏ, theo đó các khu vực sát biển, hoặc gần sân bay sẽ tính toán đặt các trung tâm logistics sao cho tối ưu chặng đường và thời gian.