A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá lập đỉnh, một loại hạt của Việt Nam thu hơn 900 triệu USD chỉ sau 45 ngày

Chỉ 45 ngày, một loại hạt của Việt Nam xuất khẩu đã thu về hơn 900 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá loại hạt này cũng lập đỉnh lịch sử kể từ khi xuất khẩu đến nay.

Kết thúc vụ thu hoạch cà phê 2023-2024, ông Lò Văn Khánh (ở xã Chiềng Chung, Mai Sơn, Sơn La) khoe, chưa bao giờ thấy cà phê được mùa lại được giá như năm nay.

Gia đình ông trồng 1ha cà phê, vụ này cho thu 20 tấn quả. So với vụ cà phê trước đó, sản lượng cao hơn 7 tấn. Đặc biệt, giá cà phê có thời điểm đạt đỉnh 15.000 đồng/kg quả tươi, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.

Kết thúc vụ thu hoạch, ông Khánh thu về 230 triệu đồng từ bán cà phê quả tươi.

Anh Nguyễn Thành Trung (ở Lâm Đồng) cho biết, cà phê đang bung nở hoa trắng xoá, hy vọng sẽ có thêm một vụ mùa bội thu. Trước đó, anh Trung thu hoạch được 24 tấn cà phê nhân và bán với giá từ 75.000-80.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất sau gần 16 năm anh trồng cây cà phê trên đất Lâm Đồng.

Những ngày này, giá cà phê nhân tại thị trường nội địa tiếp tục tăng mạnh. Ngày 28/2, giá cà phê dao động trong khoảng 82.200-83.000 đồng/kg, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cà phê lập đỉnh lịch sử. Ảnh: Hoàng Minh

Hiện, giá cà phê tại thị trường trong nước đạt đỉnh lịch sử 30 năm qua, chạm mốc 83.000 đồng/kg.

Trên thị trường quốc tế, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London (Anh) giao tháng 5/2024 tăng 57 USD, lên mức 3.077 USD/tấn; giao tháng 7/2024 tăng 50 USD, ở mức 3.014 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 tăng 3,45 cent, ở mức 183,5 cent/lb; giao tháng 7/2024 tăng 2,85 cent, ở mức 181,65 cent/lb.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 57.000 tấn cà phê, kim ngạch đạt 184,4 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/2, lượng cà phê xuất khẩu đạt gần 295.000 tấn, kim ngạch đạt 911 triệu USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu chỉ tăng 26,6%, nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng mạnh 79,7%. Hiện, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt gần 3.100 USD/tấn, tăng gần 43% so với cùng kỳ.

Cà phê đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 3 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ và thuỷ sản. Song giá trị kim ngạch xuất khẩu của cà phê chỉ thấp hơn mặt hàng thuỷ sản 22 triệu USD.

Với tình hình này, chuyên gia dự báo xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 4,5-5 tỷ USD trong năm 2024. Đây sẽ là năm đạt kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Đánh giá về tình hình cung cầu cà phê trên toàn cầu, giới chuyên gia quốc tế cho rằng, thế giới sẽ không thiếu hay gặp khó khăn đối với nguồn cung Arabica nhưng sẽ có khó khăn với Robusta.

Trong khi đó, Việt Nam là nước sản xuất và cung cấp Robusta số 1 thế giới nhiều năm nay. Cả thế giới quen với việc mua cà phê Robusta của Việt Nam. Các nhà rang xay trên thế giới đã thay đổi công thức rang xay của họ với thành phần lớn là Robusta Việt Nam. 

Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, giá Robusta đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm do lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Việt Nam.

Nguồn cung Robusta toàn cầu vẫn còn bị ách tắc và tại thị trường nội địa của nhiều nước sản xuất chính vẫn còn hiện tượng kháng giá. Cùng với đó, việc EU quy định cà phê là mặt hàng phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá, bởi nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu này. Do đó, cà phê Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi về giá.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, ngành cà phê thế giới đã qua thời kỳ cà phê giá rẻ. Việc tăng giá như hiện nay là lẽ công bằng và mới có thể giữ người nông dân ở lại với cây cà phê. Ông cho rằng, sau đợt sốt giá này, giá cà phê có thể tăng hoặc giảm nhưng không thể xuống đáy như những năm vừa qua. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...