A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

FMC: Doanh số tháng 8 đạt 22.4 triệu USD, cao thứ 3 trong lịch sử

Trong tháng 8/2023, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) đạt doanh số khả quan giữa lúc ngành tôm Việt bước vào giai đoạn tăng tốc giao hàng.

Tháng tăng trưởng dương đầu tiên của năm 2023

Hiện FMC đang tập trung vào hoạt động giao hàng tôm, trong khi mảng nông sản tiếp tục chững lại.

Trong tháng 8/2023, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 2,008 tấn, tăng 15% so cùng kỳ năm trước. Còn sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm 85 tấn, giảm 67% so cùng kỳ năm trước.

FMC ước doanh số chung tháng 8 đạt 22.4 triệu USD, tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước và là mức cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động (sau tháng 10/2021 và tháng 1/2022).

FMC cho biết sản lượng tiêu thụ tôm tăng 15% nhưng doanh số chỉ tăng khoảng 1% do giá tiêu thụ tôm thế giới đang ở mức thấp.

“Đây là tháng tăng trưởng dương đầu tiên trong năm nay, mức tăng trưởng tuy nhẹ nhưng cho thấy sự chuyển động phục hồi tiêu thụ. Về tình hình nuôi tôm, FMC bắt đầu có tôm thu hoạch từ khu nuôi mới và khu nuôi cũ mới thả nuôi xong gần 1 tháng”, FMC cho biết.

Hiện công ty đang tập trung mạnh vào thị trường Mỹ và Nhật Bản.

Giai đoạn đẩy mạnh bán hàng

Đà hồi phục mạnh về tiêu thụ tôm cuả FMC cũng phù hợp với nhận định tích cực gần đây của Chủ tịch Hồ Quốc Lực.

Bên lề hội thảo Quốc tế Ngành tôm 2023 diễn ra vào chiều ngày 23/08, Chủ tịch FMC chia sẻ: "Tôm Việt hiện nay đang giai đoạn tăng tốc giao hàng vì tiêu thụ gần cuối năm cần tôm chế biến sâu đáp ứng mảng dịch vụ có nhu cầu tăng lên (nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, sòng bài…)".

Theo ông Lực, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong những tháng cuối năm 2023.

“Giá bán tôm Việt Nam hiện nay đã quá thấp và chỉ còn cao hơn Ecuador vài phần trăm. Đồng thời, giai đoạn cao điểm của việc cung ứng tôm nguyên liệu cũng đã qua.

Từ nay đến cuối năm, lượng tôm nguyên liệu ở tất các cường quốc nuôi tôm đều có xu hướng giảm dần. Khi lượng cung giảm, người mua ít lựa chọn hơn. Do đó ngay từ bây giờ, họ cũng phải cố gắng mua để tích trữ thêm”, vị Chủ tịch FMC nhận định.

Đáng chú ý, giai đoạn cuối năm sẽ có rất nhiều lễ hội ở các thị trường lớn và nhu cầu tiêu thụ tôm đã qua chế biến sẽ tăng lên.

"Trong mùa lễ hội, các dịch vụ ở những địa điểm vui chơi, nhà hàng,… sẽ rất sôi động và chắc chắn tôm chế biến sẽ được tiêu thụ nhiều hơn. Điều này phù hợp với ưu thế tôm chế biến sâu của Việt Nam. Hiện tôm chế biến sâu của Việt Nam đang chiếm thị phần khá tốt ở các thị trường lớn”, ông Lực chia sẻ.

Hàng tồn kho cao kỷ lục

Để chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm cuối năm, FMC đã tăng mạnh hàng tồn kho lên gần 1.3 ngàn tỷ đồng vào cuối quý 2/2023, là mức cao nhất từ trước đến nay.

Chủ tịch Lực chia sẻ thêm: “Hàng tồn kho của FMC là thành phẩm có kế hoạch giao hàng từ nay đến cuối năm. Trong đó cũng có một phần không lớn là nguyên liệu dự trữ”.

Ngoài ra, FMC cũng mở rộng vùng nuôi thương mại. Tính tới tháng 7/2023, Công ty đang vận hành vùng nuôi có diện tích 525 ha, tăng 40% so với cùng kỳ. Với việc mở rộng vùng nuôi, ông Lực cho biết FMC có thể "bảo đảm cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho mình".

Về hoạt động chế biến và sản xuất, FMC cũng vừa đưa vào hoạt động 2 nhà máy chế biến mới và nhờ đó công suất tăng thêm 20,000 tấn/năm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...