A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa thủy sản thành một trong những mũi nhọn kinh tế nông nghiệp

Năm 2024, Tiền Giang có kế hoạch đưa trên 14.700 ha mặt nước vào nuôi thủy sản, tạo nguồn nông sản hàng hóa với sản lượng dự kiến trên 200.000 tấn tôm cá các loại phục vụ nhu cầu thị trường.Từ đó, đưa nuôi trồng thủy sản trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: là địa phương nằm ven biển Nam Bộ, án ngữ hai cửa sông lớn là soài Rạp và Cửa Tiểu, Tiền Giang có nhiều giải pháp phát huy tiềm năng thủy sản ở các vùng sinh thái theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả nghề nuôi thủy sản, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người dân; nhất là những địa bàn khó khăn, thiên nhiên khắt nghiệt như ven biển, ven cửa sông, khu vực nhiễm phèn Đồng Tháp Mười...

Tỉnh quan tâm nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả, phù hợp chủ trương ứng phó biến đổi khí hậu đối với từng tiểu vùng sinh thái như ngọt, lợ, mặn; hình thành những vùng nuôi tập trung, đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo nguồn nông sản chất lượng tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Đối với những địa bàn ven biển như: Gò Công Đông, Tân Phú Đông, tỉnh định hướng phát triển những vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, vùng nuôi tôm thâm canh, vùng nuôi luân vụ lúa + tôm, vùng nuôi theo mô hình công nghệ cao 2 – 3 giai đoạn… Thời gian qua, trên huyện cù lao Tân Phú Đông, Tiền Giang đã qui hoạch các vùng nuôi trọng điểm như vùng nuôi thủy sản Nam Gò Công ở xã Phú Tân, vùng dự án 230 ha ở xã Phú Đông, vùng dự án nuôi thủy sản công nghệ cao 352 ha tại ấp Cồn Cống (xã Phú Tân) và vùng dự án nuôi thủy sản công nghệ cao gần 30 ha tại ấp Cồn Cống, xã Phú Tân. Các vùng nuôi kể trên có lợi thế nằm ở hạ lưu sông Tiền, tiếp giáp với biển Đông, chủ yếu nuôi tôm thẻ, tôm sú và các đối tượng nuôi thủy sản mặn – lợ khác có giá trị kinh tế cao.

Khu vực huyện Gò Công Đông định hình những vùng nuôi thủy sản tập trung tại ven biển canh tác khó khăn trước đây như: vùng nuôi Bắc Gò Công chủ yếu nuôi tôm sú, tôm thẻ xuất khẩu; vùng nuôi nghêu có diện tích khoảng 2.200 ha tập trung ở ven biển xã Tân Thành gắn với phát triển du lịch sinh thái biển.

Các huyện, thị vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) là Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy chú trọng mở rộng diện tích mặt nước đưa vào nuôi các loại thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao như trê, tra, trôi, mè, chép, ương dưỡng cá giống, nhân và cung ứng cá cảnh các loại...Mặt khác, Tiền Giang chú trọng chuyển giao khoa học công nghệ nhằm giúp nông dân nắm vững kỹ thuật, nhân rộng những mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa góp phần bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, nhiều mô hình nuôi thủy sản xanh, thân thiện với môi trường được tỉnh khuyến khích áp dụng nhằm mang lại hiệu quả bền vững vừa thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu khí thải carbon trong quá trình sản xuất, cho ra sản phẩm sạch và an toàn cho sức khỏe, cho môi trường. Tiền Giang hiện có trên 38 ha cá da trơn theo hướng GAP, 20 bè cá nuôi theo tiêu chí VietGAP.

Tại vùng nuôi nghêu ven biển thuộc huyện Gò Công Đông, năm vừa qua, Tiền Giang đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn MSC/ASC về xây dựng và phát triển bền vững nghề nuôi nghêu với diện tích 2.000 ha cho sản lượng mỗi năm từ 18.000 tấn đến 20.000 tấn nghêu thương phẩm. Hiện nay, tỉnh nhân rộng mô hình tôm nuôi theo mô hình 2 hoặc 3 giai đoạn lên 320 ha, chiếm đến 15% tổng diện tích nuôi tôm thâm canh của địa phương.

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu địa bàn ven biển khó khăn, Tiền Giang còn hình thành vùng nuôi thủy sản theo mô hình tôm + lúa khoảng 130 ha tại xã ven biển Phú Tân (Tân Phú Đông), lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Nuôi theo mô hình 1 vụ tôm và 1 vụ lúa/ năm, nông dân thu lợi nhuận ròng từ 50-70 triệu đồng/ ha.
Nằm trong vùng kiểm soát lũ đầu nguồn, năm qua, thị xã Cai Lậy xây dựng mô hình “Nuôi ếch an toàn sinh học” ở xã Tân Phú và mô hình “Nuôi lươn trong bể an toàn sinh học” tại 4 xã: Tân Phú, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây, Thanh Hòa. Địa phương đúc kết hiệu quả các mô hình, chuyển giao kỹ thuật, giúp bà con nhân rộng trong năm 2024. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cai Lậy triển khai các mô hình trình diễn như:  “Nuôi cá trê vàng trong ao đất” tại xã Mỹ Thành Bắc;  mô hình “Nuôi cá Chạch lấu an toàn sinh học trong vèo” tại xã Thạnh Lộc.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cai Lậy Nguyễn Thị Lạc đánh giá, các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, có triển vọng nhân rộng ra cộng đồng trong năm 2024 nhằm phát triển nghề nuôi thủy sản ngọt vùng đầu nguồn sông Tiền nói chung, huyện Cai Lậy nói riêng theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ sức khỏe và môi sinh, môi trường. Năm 2023 vừa qua, toàn tỉnh thả nuôi được 14.763 ha thủy sản với sản lượng thu hoạch đạt 203.000 tấn cung ứng cho thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu./.

Minh Trí


Tác giả: Nguyễn Minh Trí
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết