A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2022 vẫn đạt 6 - 6,2 triệu tấn

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn, dù dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp.

Dự báo xuất khẩu gạo đạt từ 6 - 6,2 triệu tấn

Từ kết quả kinh doanh, xuất khẩu gạo trong tháng 1.2022 đạt kết quả khả quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo: Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn.

Doanh nhân Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An lạc quan cho rằng, xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn có thể đạt 6,2 triệu tấn trong năm 2022, dù giá gạo xuất khẩu năm 2022 có thể không đạt đỉnh cao như năm trước.

"Nhu cầu thế giới đối với lương thực tiếp tục cao trong năm 2022 là những yếu tố hỗ trợ xuất khẩu gạo trong năm nay" - doanh nhân Phạm Thái Bình nhấn mạnh.

Các doanh nhân cũng khẳng định, xuất khẩu gạo sẽ tăng từ tháng 3.2022, khi vụ đông xuân cho thu hoạch rộ.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh trong tháng 1.2022

Thông tin từ Bộ Công thương ngày 16.2.2022 cho biết, giá xuất khẩu ổn định cùng chất lượng vượt trội đã tạo ưu thế cho xuất khẩu gạo của Việt Nam ngay trong tháng đầu năm. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1.2022 đạt 505.741 tấn với trị giá 246,02 triệu USD, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin về giá gạo xuất khẩu trung bình trong tháng đầu năm 486,5 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước, các thương nhân xuất khẩu gạo cho rằng, do ảnh hưởng của giá vận tải cũng như chi phí thuê container rỗng cao ảnh hưởng đến đối tác, các thương nhân đã giảm giá gạo để chia sẻ khó khăn.

“Trong những trường hợp bạn hàng gặp khó khăn, nhập khẩu gạo về với giá cao sẽ khó bán, chúng tôi sẵn sàng giảm giá bán, giảm lợi nhuận để chia sẻ” – ông Nguyễn Quang Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (Duongvu Rice), cho hay.

Trong tháng đầu tiên của năm 2022, Philippines vẫn là thị trường bền vững, truyền thống, dẫn đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng trị giá xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 234.050 tấn, tương đương 110,21 triệu USD, giá trung bình 470,9 USD/tấn, tăng mạnh 54,4% về lượng, tăng 46,6% về kim ngạch.

Do một số lý do khách quan, thị trường Trung Quốc đã rời vị trí thứ 2 và Bờ biển Ngà đã vượt thị trường Trung Quốc để chiếm giữ vị trí này, đạt 23,38 triệu USD với sản lượng đạt 56.675 tấn, tăng 252,5% về trị giá và tăng rất mạnh 424% về lượng so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ 3, đạt 37.006 tấn, tương đương 18,99 triệu USD, giảm 36% về khối lượng, giảm 37% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia trong tháng 1.2022 đạt 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD, tăng mạnh 104% về lượng và tăng 67,5% về trị giá so với cùng kỳ 2021.

Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã được các thương nhân linh hoạt điều chỉnh tăng, giảm khoảng 5 USD/tấn để phù hợp với tình hình xuất khẩu lúa gạo trên thế giới. Hiện tại, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 393-397 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 373-377 USD/tấn, gạo 100% tấm có giá 328-332 USD/tấn.

Như vậy, so với gạo Thái Lan, giá các loại gạo 5% tấm, 25% tấm và 100% tấm của Việt Nam thấp hơn tương ứng 19 USD, 24 USD và 49 USD. So với gạo Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn 50 USD (gạo 5% và 25% tấm) và 28 USD. So với gạo Pakistan, gạo Việt Nam cao hơn 45 USD (gạo 5% tấm và 25% tấm) và 15 USD (gạo 100% tấm).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...