A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp niêm yết trả lãi vay ra sao trong năm 2021?

Việc vay vốn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì COVID-19 sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn vốn bổ sung vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả lại là bài toán khó.

Mức nợ vay của các doanh nghiệp niêm yết (Đvt: Tỷ đồng)

Theo dữ liệu của VietstockFinance, 704 doanh nghiệp niêm yết (trừ nhóm chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm) có tổng nợ vay tính đến ngày 31/12/2021 gần 1 triệu tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn giảm 4%, xuống còn 448 ngàn tỷ đồng. Ngược lại, dư nợ vay dài hạn hơn 555 ngàn tỷ đồng, tăng 5%.

20 doanh nghiệp có tổng nợ vay tăng mạnh nhất (Đvt: Triệu đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Các ông lớn huy động vốn qua kênh trái phiếu

Dữ liệu của VietstockFinance cho thấy, tổng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp niêm yết trên toàn thị trường ghi nhận gần 52,007 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước.

20 doanh nghiệp trả lãi vay nhiều nhất (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Đứng đầu danh sách trả lãi vay là Tập đoàn VINGROUP (HOSEVIC) với số tiền phải trả hơn 10,577 tỷ đồng trong năm qua, giảm 7%. Tổng nợ vay của “ông lớn” này tại thời điểm 31/12/2021 là hơn 122,215 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm.

Huy động hàng chục ngàn tỷ đồng từ trái phiếu, dư nợ vay của Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) tính đến cuối năm 2021 ghi nhận hơn 58 ngàn tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu không đảm bảo mà “ông vua” trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ này huy động đạt gần 16,209 tỷ đồng (giảm 8%) và trái phiếu có đảm bảo gần 18,723 tỷ đồng (tăng 7% so với đầu năm).

Tương tự, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) cũng thường xuyên huy động vốn qua việc phát hành trái phiếu. Nợ vay cuối tháng 12/2021 của CII ở mức hơn 17 ngàn tỷ đồng; trong đó, phần huy động từ phát hành trái phiếu là hơn 13 ngàn tỷ đồng.

Đáng chú ý, 2021 là năm đầu tiên đơn vị phải trả lãi vay hơn ngàn tỷ đồng (tăng 42%). Gánh nặng lãi vay lớn trong khi doanh thu suy giảm là một trong những nguyên nhân chính đẩy CII rơi vào tình cảnh thua lỗ. Đây cũng là năm mà nhà thầu xây dựng này phải chịu lỗ kỷ lục (hơn 341 tỷ đồng) kể từ khi hoạt động.

Chi phí lãi vay của CII lần đầu vượt hơn ngàn tỷ đồng (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng trả lãi vay hơn ngàn tỷ đồng như Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG), Vinhomes (HOSE: VHM), Tổng Công ty Phát điện 3 (HOSE: PGV), Bamboo Capital (HOSE: BCG).

Song song với việc liên tục mở rộng quy mô hoạt động, nợ vay của HPG cũng tăng đều qua các năm. Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng nợ vay của đơn vị cán mốc hơn 57 ngàn tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.

Mức vay nợ tăng cao khiến “ông lớn” ngành thép phải trả lãi mức khá lớn. Trong năm 2021, HPG phải trả hơn 2.5 ngàn tỷ đồng lãi vay (gần 7 tỷ đồng mỗi ngày), tăng 15% so với cùng kỳ.

"Ông lớn" ngành thép Hòa Phát phải trả gần 7 tỷ đồng tiền lãi vay mỗi ngày. (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Xét về tương đối, Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) là đơn vị dẫn đầu với chi phí lãi vay hơn 323 tỷ đồng trong khi năm trước chỉ ở mức hơn 1 tỷ đồng, phát sinh từ các khoản vay với các Ngân hàng tài trợ Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum.

Top 20 doanh nghiệp có chi phí lãi vay tăng mạnh nhất (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Hay như Thaiholdings (HNX: THD) cũng phải trả gần 365 tỷ đồng lãi vay, trong khi năm trước chỉ là 11 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2021, tổng nợ vay của đơn vị chiếm trên 50% tổng nợ phải trả, ghi nhận gần 2.3 ngàn tỷ đồng (phần lớn là nợ vay ngân hàng), giảm 27% so với đầu năm.

Lãi vay góp phần đẩy doanh nghiệp vào thua lỗ

Loạt chi phí đua nhau tăng tốc trong khi tình hình kinh doanh chưa phục hồi hoàn toàn sau thời gian phong tỏa kéo dài vì dịch bệnh đã khiến Nước giải khát Chương Dương (HOSE: SCD) ôm lỗ gần 36 tỷ đồng, ghi nhận mức lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết. Điểm đáng chú ý trong bức tranh kinh doanh của chủ thương hiệu Sá xị Chương Dương đến từ chi phí lãi vay, tăng vọt từ 2 tỷ đồng hồi năm 2020 lên gần 15 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp thua lỗ có chi phí lãi vay tăng (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Đại diện ngành dệt may, chi phí lãi vay của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) duy trì ở mức cao (hơn 95 tỷ đồng) là một trong những yếu tố chính góp phần khiến đơn vị thua lỗ đậm đà 223 tỷ đồng. Qua đó, tổng lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2021 nâng lên gần 420 tỷ đồng.

Tiên Tiên

FILI


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...