Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lãi khủng, cần chia lợi nhuận
Sau năm 2022 với nhiều biến động, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, thương nhân phân phối cho biết, kết quả kinh doanh đã khá thuận lợi, nhiều đơn vị có lãi trở lại. Các doanh nghiệp bán lẻ cũng xác nhận có lãi nhưng yêu cầu cần phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các khâu.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy, tình hình kinh doanh của tập đoàn đã tốt lên rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022 khi doanh thu đạt hơn 67.432 tỷ đồng (tăng 0,6%). Tổng lợi nhuận trước thuế của tập đoàn đạt 838 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex còn gần 667 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân, tập đoàn thu về lợi nhuận ròng khoảng 7,5 tỷ đồng/ngày trong ba tháng đầu năm.
Báo cáo cũng cho thấy, đến cuối quý I, Petrolimex có hơn 9.011 tỷ đồng gửi ngân hàng, thu về 227 tỷ tiền lãi trong 3 tháng đầu năm 2023.
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) trong quý đầu tiên của năm đạt tổng doanh thu 19.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 222 tỷ; Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 177 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của tổng công ty đạt 209 tỷ đồng. PVOIL đã hoàn thành 38% kế hoạch doanh thu, 44% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm.
Nhiều doanh nghiệp đầu mối tư nhân cho biết, đã có lãi vài chục tỷ đồng trong các tháng đầu năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do năm 2022 bị lỗ lớn. Việc thiếu vốn để kinh doanh trong bối cảnh nhu cầu thị trường suy giảm đang là những vấn đề khó khăn nhất với các doanh nghiệp lúc này. Tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối thuộc top 10 thị trường cho biết, hiện các ngân hàng vẫn siết tín dụng, dù doanh nghiệp có tài sản đảm bảo nhưng vẫn không được vay, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về duy trì nguồn hàng.
Các thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ cũng cho biết, trong các tháng đầu năm 2023, tình hình kinh doanh có khả quan hơn do doanh nghiệp có lợi nhuận trở lại nhờ mức chiết khấu gia tăng, được đảm bảo trong cả quý đầu của năm.
Đại diện Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu (COMECO) xác nhận, doanh nghiệp đã có lãi trở lại trong quý 1/2023, sau 2 quý lỗ liên tiếp của năm 2022. Nhờ chiết khấu được duy trì ở mức tương đối, COMECO ghi nhận lãi gộp tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 42 tỷ đồng.
“Dự kiến năm 2023, COMECO đạt doanh thu 4.000 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng ở mức 15 tỷ đồng, gấp gần 12 lần cùng kỳ”, ông Lê Văn Nghĩa, Chủ tịch COMECO cho hay.
Doanh nghiệp bán lẻ đòi được đảm bảo chi phí
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối ở khu vực miền Nam và Đồng bằng sông Cửu Long xác nhận có mức tăng trưởng lợi nhuận vài lần so với cùng kỳ năm ngoái do trong các tháng đầu năm, chiết khấu cho doanh nghiệp đã được đảm bảo trở lại. Có những thời điểm chiết khấu được đẩy lên trên 2.000 đồng/lít, đủ cho doanh nghiệp có lãi.
Tuy nhiên, hiện tại, các doanh nghiệp đang tập trung kiến nghị Chính phủ và liên Bộ Tài Chính - Công Thương về việc phân chia lại khoản chi phí và lợi nhuận định mức kinh doanh mà doanh nghiệp bán lẻ đáng được hưởng. Thực tế cho thấy, nhiều thời điểm, doanh nghiệp đầu mối lãi rất lớn, đặc biệt là trong năm 2022 nhưng doanh nghiệp bán lẻ vẫn bị thua lỗ nặng nề do bị cắt chiết khấu.
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bội Ngọc (Trà Vinh) xác nhận đã gửi kiến nghị đến cả hai Bộ Công Thương và Tài chính cùng nhiều cơ quan khác đề nghị lập hội đồng phân chia định mức cho doanh nghiệp theo quy định.
Theo ông Giang Chấn Tây, hiện tại, trong cơ cấu giá cơ sở, chi phí định mức với xăng là 1.050 đồng một lít và lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Như vậy, mỗi lít xăng bán ra có tổng cộng 1.350 đồng/lít chi phí dành cho các khâu từ đầu mối đến phân phối và bán lẻ. Tuy nhiên, mức chi phí cụ thể hiện nay do các doanh nghiệp đầu mối toàn quyền quyết định, thậm chí hưởng hết.