A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐHĐCĐ Sacombank: Bầu HĐQT nhiệm kỳ 2022-2026, tiếp tục xin phép NHNN chia cổ tức

Sáng ngày 22/04, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh cũng như trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phương án chia cổ tức cho cổ đông. Quan trọng nhất, Đại hội cũng sẽ bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2022-2026.

ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Sacombank được tổ chức sáng ngày 22/04/2022

Kế hoạch lãi trước thuế 2022 tăng 20%

Trong năm 2022, Sacombank cố gắng sớm hoàn thành Đề án tái cơ cấu và số hóa toàn diện các hoạt động của Ngân hàng.

Sacombank đề ra mục tiêu đến cuối năm 2022, quy mô tổng tài sản đạt 573,500 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng dự kiến tăng lần lượt 10% và 12%, tương đương đạt 512,700 tỷ đồng và 435,000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.

Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 5,280 tỷ đồng, tăng 20% so với kết quả năm 2021.

Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng

Bầu nhận sự HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2022-2026

Sacombank sẽ trình về danh sách ứng cử, đề cử nhân sự vào HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2022-2026.

Theo đó, HĐQT nhiệm kỳ mới dự kiến gồm 7 thành viên, trong đó có hai Thành viên HĐQT độc lập. Đứng đầu danh sách ứng cử viên HĐQT là Chủ tịch HĐQT Sacombank - ông Dương Công Minh và Tổng giám đốc - bà Nguyễn Đức Thạch Diễm.

Ông Dương Công Minh và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đều được nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn điều lệ và HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 đề cử bầu làm thành viên nhiệm kỳ 2022-2026.

Những ứng viên còn lại trong danh sách đề cử là ông Phạm Văn Phong (1962), ông Nguyễn Xuân Vũ (1981), ông Phan Đình Tuệ (1966), bà Phạm Thị Thu Hằng (1962) và ông Vương Công Đức (1971). Đây đều là các nhân sự này được HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 đề cử. Trong đó, hai người được đề cử làm Thành viên HĐQT độc lập là bà Phạm Thị Thu Hằng và ông Vương Công Đức.

Ông Phạm Văn Phong hiện đang là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank. Ông Nguyễn Xuân Vũ là thành viên HĐQT của Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021. Ông Phan Đình Tuệ đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc Sacombank.

Như vậy về cơ bản danh sách thành viên HĐQT mới không sự thay đổi nhiều, chỉ xuất hiện hai người mới là bà Phạm Thị Thu Hằng và ông Vương Công Đức làm thành viên HĐQT độc lập. 

Hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ cũ không có mặt trong danh sách đề cử là ông Nguyễn Miên Tuấn (Phó Chủ tịch HĐQT) và ông Nguyễn Văn Huynh (Thành viên HĐQT).

Nguồn: Sacombank

Thành viên BKS Sacombank được dự kiến chỉ còn một thành viên của nhiệm kỳ cũ tiếp tục được đề cử vào nhiệm kỳ mới. Thành viên duy nhất được tái đề cử là trưởng BKS đương nhiệm, ông Trần Minh Triết. Ông Triết được HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017 - 2021 đề cử bầu tiếp trong nhiệm kỳ mới. Ba thành viên cũ là bà Nguyễn Thị Thanh Mai, ông Lê Văn Tòng và ông Hà Tôn Trung Hạnh sẽ thôi làm thành viên BKS.

Ba vị trí này dự kiến được thay thế bởi bà Hà Quỳnh Anh (1971), ông Lâm Văn Kiệt (1972) và ông Lê Văn Thành (1963). Bà Hà Quỳnh Anh đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc Sacombank.

Đã thu hồi lũy kế được 58,306 tỷ đồng thuộc Đề án tái cơ cấu 

Về kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu đến năm 2025, Sacombank cho biết đã thu hồi, xử lý tài sản tồn đọng trong năm 2021 đạt 14,087 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng đã thu hồi 11,759 tỷ đồng các khoản thuộc Đề án, vượt mục tiêu ĐHĐCĐ giao (10,000 tỷ đồng). Qua đó, nâng mức thu hồi lũy từ khi triển khai Đề án lên 58,306 tỷ đồng, đạt 67.9% tổng thể kế hoạch Đề án đến năm 2025, vượt 7.9% tiến độ.

Quy mô tăng trưởng liên tục qua các năm, trong khi hiệu quả kinh doanh cũng hồi phục tích cực so với giai đoạn mới triển khai Đề án: Huy động và cho vay tăng bình quân 9% và 14.4%/năm; tổng thu nhập tăng 23%/năm, trong đó thu dịch vụ tăng 30%/năm. Lợi nhuận lõi bình quân hàng tháng tăng từ mức 50 tỷ đồng vào năm 2016 lên thành 900-950 tỷ đồng.

Ngân hàng đã trích 8,260 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng thuộc Đề án, nâng mức trích lập lũy kế từ khi triển khai Đề án lên 20,287 tỷ đồng, đạt 87.5% kế hoạch tổng thể Đề án đến 2025.

Tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 57% so với cuối năm 2016, chỉ còn chiếm 8% tổng tài sản.

Tiếp tục xin phép NHNN chia cổ tức cho cổ đông

Giai đoạn 2022-2026, Sacombank cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng còn lại thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ, kết hợp quản trị rủi ro. Dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước thời hạn đã được NHNN phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục xin phép NHNN để thực hiện việc chi trả cổ tức cho cổ đông. 

Về chia cổ tức cho cổ đông, lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế tính đến 31/12/2021 là gần 8,982 tỷ đồng, tương ứng gần bằng 50% vốn điều lệ Ngân hàng, đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, do hiện tại, Sacombank đang thực hiện tái cơ cấu theo Đề án được Chính phủ và NHNN phê duyệt, vì vậy, việc chia cổ tức cho cổ đông phải được sự phê duyệt của NHNN. Từ năm 2019 đến nay, Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cho cổ đông và hiện đang chờ sự phê duyệt của NHNN để triển khai thực hiện.

Dự kiến trong giai đoạn 2022-2026, Sacombank sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

...Tiếp tục cập nhật

Cát Lam

FILI


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết