A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐHĐCĐ NLG: Kế hoạch hành động của Công ty trước ba rủi ro lớn trong năm 2023

Sáng 22/04, CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 với mục tiêu tăng trưởng doanh thu 11% và lợi nhuận 5%, cùng cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5%.

Ba rủi ro lớn phải đối mặt trong năm 2023 

Ông Trần Xuân Ngọc – Tổng giám đốc Tập đoàn đánh giá 2022 là một năm đầy thách thức của ngành bất động sản (BĐS) khi chính sách siết chặt tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, giao dịch bị trì hoãn, các dự án chưa vững về pháp lý đều phải tạm dừng, bên cạnh tác động chung từ nền kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh đó, NLG vẫn được đánh giá là một trong những doanh nghiệp vững vàng, ghi nhận tổng doanh số bán hàng hơn 10,000 tỷ đồng, doanh thu 4,339 tỷ đồng và lãi ròng 556 tỷ đồng; hoàn tất đưa vào vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP, hệ thống quản lý nhân sự NLID giai đoạn 1, đánh dấu bước chuyển đổi số. Năm qua, Công ty đã huy động tổng cộng 1,973 tỷ đồng trái phiếu, trong đó có 1,000 tỷ đồng trái phiếu từ tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Việc phát hành 1,000 tỷ đồng cho IFC được xem là điểm nhấn trong hợp tác chiến lược, thúc đẩy tên tuổi của NLG trên thị trường BĐS.

Năm qua, Công ty đã bán thành công dự án tại một số địa điểm như: khu đô thị Mizuki Park, Clubhouse tại khu đô thị Izumi City, Trường đại học và nhà phố thương mại tại khu đô thị Mizuki Park và tiện ích tại khu đô thị Waterpoint.

Ông Nguyễn Xuân Quang – Chủ tịch HĐQT đánh giá năm qua thị trường BĐS Việt Nam gặp những vấn đề rủi ro liên quan căng thẳng địa chính trị Nga & Ukraine, lạm phát, tăng lãi suất toàn cầu, suy thoái toàn cầu.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán giảm, tâm lý thận trọng bao trùm thị trường, nhu cầu mua BĐS giảm mạnh. Yếu tố nguồn cung cũng là vấn đề lớn trong năm qua, trong đó công tác pháp lý dự án chậm trễ, chồng chéo, chưa hoàn chỉnh. Lượng cung giảm, đặc biệt không có sản phẩm vừa túi tiền ra túi tiền. Đây là vấn đề mà ngay cả Thủ tướng Chính phủ còn đánh giá là lệch pha cung cầu.

Ông Quang dự báo năm 2023, Công ty tiếp tục đối mặt với ba rủi ro lớn. Thứ nhất, rủi ro về thị trường và sản phẩm (kinh tế khó khăn, đơn hàng gia công giảm, lương giảm, nhân sự giảm, GDP dự báo giảm), lệch pha cung cầu các phân khúc BĐS, khủng hoảng niềm tin khiến sức mua giảm.

Rủi ro thứ hai là tài chính, doanh nghiệp mất thanh khoản, kênh huy động vốn bị thắt chặt, người mua nhà đối mặt lãi suất cao.

Thứ ba là rủi ro về pháp lý dự án, khi gặp sự chồng chéo, chưa hoàn thiện hệ thống pháp lý, công tác tính tiền sử dụng đất.

“Khó khăn thị trường hiện nay có khó khăn BĐS, trong đó có khó khăn về pháp lý, trong pháp lý có khó khăn về tiền sử dụng đất tồn tại triền miền nhiều năm qua”, ông Quang nhìn nhận.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của NLG sáng 22/04/2023. Ảnh: Tiến Vũ

Theo ông Quang, Việt Nam là nước đang phát triển, dân số trẻ, quá trình đô thị hóa nhanh, do đó nhu cầu ở thực là rất cao. Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội (NOXH) đến năm 2030 là chương trình khởi đầu cho những chương trình lớn hơn của Chính Phủ. Nghị định 65. Nghị định 08, gói ưu đãi 120 ngàn tỷ cho NOXH bắt đầu được giải ngân, lãi suất có xu hướng điều chỉnh giảm. Công tác pháp lý đã có quyết định của Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác tháo gỡ, thúc đẩy phát triển thị trường BĐS phát triển bền vững… Rất nhiều cuộc họp từ Chính phủ đến thành phố để gỡ vướng mắc cho các dự án lớn. Chính phủ quyết tâm, các bộ quyết tâm, các ngành quyết tâm, đây là thông điệp lớn đối với thị trường BĐS, ông Quang chia sẻ.

Theo đó, kế hoạch hành động của Công ty, ông Quang cho biết trong ngắn hạn, NLG ưu tiến phát triển các dự án có sản phẩm sẵn sàng phù hơp với túi tiền, xây dựng chính sách hỗ trợ người mua nhà, ưu tiên mở rộng quỹ đất cho sản phẩm nhà ở vừa túi tiền; duy trì cấu trúc tài chính lành mạnh, cân đối dòng tiền, tập trung công tác tiền phát triển dự án, đa dạng hóa nguồn vốn; tập trung tháo gỡ các dự án trọng điểm, tham gia và hỗ trợ xây dựng chính sách BĐS của Nhà nước.

Chiến lược lâu dài, Công ty phát triển khu đô thị tích hợp và tiện ích khu đô thị; hoàn tất xây cấu trúc và lộ trình chuyển đổi số, chuẩn hóa vận hành ERP, xây dựng hệ thống CRM nhằm tăng giá trị cho khách hàng và dân cư, áp dụng nền tảng BPM nhằm số hóa quy trình kinh doanh, kiên định đồng hành cùng đối tác.

“Một người bạn cũ hơn hai người bạn mới, người bạn cũ đã đồng hành thành công thì chúng ta có thể tin tưởng đồng hành tiếp theo trong tương lai”, ông Quang chia sẻ với cổ đông.

NLG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 586 tỷ đồng, tăng 5 %; doanh thu đạt 4,836 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2022. Theo ông Quang, đây là mức tăng nhẹ nhàng cho thời kỳ còn khó khăn và là các con số nỗ lực cho năm 2023.

TRƯỚC ĐẠI HỘI

Quý 1/2023, NLG đạt hơn 235 tỷ đồng doanh thu và 7 tỷ đồng lãi ròng. Kết quả lợi nhuận này gấp 11 lần cùng kỳ năm trước, nhờ vào doanh thu hoạt động tài chính gấp đôi cùng kỳ, bên cạnh việc trong tháng 3, Công ty đã bàn giao 360 căn hộ thuộc dòng Flora và Mizuki. Ngoài ra, 395 căn khách hàng đã đóng tiền (95%) và đang chờ bàn giao.

Kế hoạch lợi nhuận tăng 5%, cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5%

Theo thông tin công bố trước đại hội, năm 2023, NLG đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 9,430 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 586 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 5% so với thực hiện 2022.

Doanh thu năm 2023 chủ yếu đến từ ghi nhận bàn giao doanh thu các dự án trọng điểm gồm: Southgate (Waterpoint GĐ 1), Izumi City, EHome Southgate, Akari; doanh thu từ cung cấp dịch vụ quản lý dự án và bán hàng cho các công ty liên doanh, liên kết; từ bán các tài sản thương mại tại các dự án VCD, Nam Phan, Ehome. Cổ tức năm 2023 đề xuất tỷ lệ 5% bằng tiền mặt và sẽ được chi sau ĐHĐCĐ 2024.

Nguồn: NLG

Đối với việc phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức năm 2022, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ 2022, quỹ khen thưởng được trích lập không quá 5% lợi nhuận sau thuế nếu Công ty đạt tối thiểu 75% kế hoạch kinh doanh hàng năm được HĐQT và ĐHĐCĐ thông qua. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh thực tế chỉ đạt 46% kế hoạch, do đó Công ty không trích lập quỹ khen thưởng, không thưởng cho HĐQT, còn lại trích lập quỹ phúc lợi 10 tỷ đồng, trả cổ tức bằng tiền năm 2022 là 192 tỷ đồng. Trong đó, đợt 1 đã thực hiện vào tháng 12/2022 với 115.2 tỷ đồng, còn đợt 2 sẽ được thanh toán sau ĐHĐCĐ (quý 2/2023) với 76.8 tỷ đồng.

Phát hành gần 1 triệu cp ESG

Công ty công bố dự kiến ngân sách hoạt động cố định của HĐQT trong năm 2023 là 17.88 tỷ đồng, tương đương năm cũ; thưởng không cố định 5.86 tỷ đồng (tương đương 1% lợi nhuận thuần năm 2023).

Ngoài ra, kế hoạch phát hành cổ phiếu ESG năm 2023 tối đa là 927,843 cp (đây là số cổ phiếu trao quyền sở hữu của năm 2020 và 2021).

Tại đại hội, HĐQT quyết định không báo cáo về chủ trương mua lại cổ phiếu vốn đã được HĐQT thông qua vào tháng 11/2022. Nguyên nhân là thời điểm hiện tại, tình hình thị trường chứng khoán đã có những chuyển biến tích cực, Chính phủ đã và đang ban hành các quy định hỗ trợ ngành BĐS, nên HĐQT nhận thấy đây chưa phải là thời điểm phù hợp để trình ĐHĐCĐ thông qua nội dung này tại cuộc họp thường niên hôm nay.

Trực tuyến

Tiếp tục cập nhật...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...