Đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế
Tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm 2023 nhiều khả năng sẽ được cải thiện nhưng sẽ khó cao như kỳ vọn
Nền kinh tế Việt Nam hồi phục tích cực trong 9 tháng đầu năm 2023 với tốc độ tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% của cả năm vẫn còn rất nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thị trường thu hẹp, diễn biến giá nhiên liệu khó lường và áp lực lạm phát những tháng cuối năm.
Nhiều lĩnh vực khởi sắc
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kinh tế tháng 9-2023 và 9 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi khả quan. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng tuy kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế (GDP) quý III/2023 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp. GDP 9 tháng đầu năm tăng 4,24%, thấp xa so với mục tiêu nhưng vẫn là kết quả rất khả quan. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa đã có sự khởi sắc sau giai đoạn đầu năm gặp không ít khó khăn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tính chung 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỉ USD, nhập khẩu ước đạt 237,99 tỉ USD và xuất siêu lên tới 21,68 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỉ USD). Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2023 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 9 tháng tăng 3,16%; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 75,5% dự toán…
Đáng chú ý, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục được cải thiện khi quý III/2023 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,7%, quý II tăng 5,5%). Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 9 tháng đạt gần 20,21 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong đó vốn đăng ký mới tăng 43,6%; FDI thực hiện đạt hơn 15,9 tỉ USD, tăng 2,2%. Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (46,7%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 110.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp (DN) tiếp tục chuyển biến. Số DN đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường tháng 9 đạt gần 18.500, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN cho biết đã có đơn hàng trở lại, việc làm cho công nhân cũng cải thiện hơn. Một điểm sáng của nền kinh tế phải nhắc đến là du lịch. Trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch đã đón khoảng 8,9 triệu lượt khách quốc tế, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước và vượt mục tiêu cả năm. Thời điểm này, ngành du lịch đang vào mùa cao điểm đón khách quốc tế tiếp tục đem lại kỳ vọng về thu hút thêm du khách.
Tại hội thảo "Định vị chiến lược đầu tư" mới đây, ông Đỗ Hiệp Hòa, Giám đốc Đầu tư Quỹ MB, nhận định thu hút FDI đang là điểm sáng của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2023, khi lượng vốn giải ngân xấp xỉ khoảng 16 tỉ USD, cao nhất 5 năm qua. Sự kiện Việt Nam - Mỹ nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ góp phần thúc đẩy dòng vốn FDI mới chảy vào, nhất là phân khúc bất động sản khu công nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, thu hút vốn FDI phục hồi nhờ sự gia tăng đầu tư của một số đối tác lớn như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản. Các chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN của Chính phủ thời gian qua đã giúp cải thiện phần nào môi trường đầu tư - kinh doanh.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung - dài hạn là tích cực. Cùng với sự tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn FDI trong quá trình định hình lại đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Cát Lái, TP HCMẢnh: Hoàng Triều
Thách thức trong mục tiêu tăng trưởng
Bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh kinh tế cả nước vẫn đang đối mặt không ít thách thức chung trên toàn cầu.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP chưa được như mong muốn, lạm phát còn chịu nhiều sức ép. Các động lực tăng trưởng gặp khó khăn, như công nghiệp phục hồi chậm, giá trị tăng thêm 9 tháng chỉ 1,65%; tình hình lao động - việc làm gặp nhiều thách thức...
Với góc nhìn chuyên gia, TS Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận xét kinh tế Việt Nam chứng kiến cả 3 thành phần tổng cầu tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu đều suy yếu. Nhu cầu tiêu dùng giảm chủ yếu là do thu nhập của người dân giảm sút, môi trường lãi suất cao và các thị trường tài sản (nhất là bất động sản) đóng băng. Giải ngân vốn đầu tư công đã có sự cải thiện đáng kể những tháng gần đây nhờ nhiều nỗ lực thúc đẩy của Chính phủ nhưng vẫn còn dưới xa mức kế hoạch.
Các hoạt động sản xuất - xuất khẩu đang dần tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023Ảnh: Ngọc Trinh
"Tương tự, đầu tư nước ngoài, trừ năm 2022, hồi phục từ nền thấp, hầu như không có sự thay đổi trong mấy năm qua do tình trạng khó khăn chung của kinh tế thế giới" - TS Phạm Thế Anh băn khoăn.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng tăng trưởng quý IV/2023 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch và tiêu dùng trong nước.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thẳng thắn chỉ rõ nền kinh tế vẫn phải đối mặt một số khó khăn, thách thức. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn. Hoạt động xuất nhập khẩu có khả năng chưa thể tăng do tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới. Nhiều DN chưa thoát khỏi trì trệ, nhất là các DN lớn, do cơ hội phát triển thị trường, đơn hàng sụt giảm; chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu vẫn cao và có xu hướng gia tăng…
Theo bà Nguyễn Thị Hương, tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ không cao như kỳ vọng.
Một trong những điểm nghẽn nổi lên của nền kinh tế, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa cải thiện nhiều, là tình trạng tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, cho thấy nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 9-2023, tín dụng mới tăng khoảng 6,9% so với đầu năm. Tình trạng ngân hàng thừa tiền nhưng không cho vay được vẫn khá phổ biến.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho biết cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay đã giảm rất mạnh. Trong đó, riêng lãi suất cho vay vốn lưu động đối với DN ngắn hạn chỉ khoảng 7%-8%/năm; lãi suất vay vốn trung - dài hạn khoảng 8%-9%/năm.
Các mức lãi suất này đã giảm về ngang giai đoạn trước dịch COVID-19, song nhu cầu vốn tín dụng của DN lại rất thấp trong bối cảnh khó khăn do tác động từ yếu tố quốc tế, sức mua thị trường… Nhiều DN tốt cũng có xu hướng giảm bớt nợ vay để giảm áp lực tài chính trong bối cảnh thị trường chưa thật sự tích cực.
Sản xuất đang trong xu hướng đi lên
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 10-2023, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) của các ngành sản xuất tại Việt Nam tháng 9 điều chỉnh giảm còn 49,7 điểm so với mức 50,5 điểm trong tháng trước. Thế nhưng, điều tích cực là số lượng đơn hàng mới tiếp tục tăng cùng với việc DN tiếp tục tăng cường hoạt động mua hàng hóa đầu vào.
Khảo sát của S&P Global cho thấy 2 chỉ báo tích cực khác là tồn kho hàng mua và thành phẩm giảm cùng lúc (lần đầu tiên trong vòng 3 tháng). Niềm tin về triển vọng sản lượng trong một năm tới cũng đã phục hồi tháng thứ 4 liên tiếp.