Đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt sang Thái Lan
Hàng Việt Nam đã có cải thiện đáng kể về chất lượng, bao bì, đủ khả năng chinh phục thị trường Thái Lan vốn được đánh giá là khó tính nhất nhì khu vực ASEAN
Trở về từ "Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan" do Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) tổ chức mới đây, Công ty CP Dược phẩm OPC bắt tay với bộ phận mua hàng của hệ thống siêu thị Tops Market triển khai các bước tìm hiểu sâu để có thể đi đến ký kết hợp đồng.
Tự tin chinh phục người tiêu dùng Thái Lan
Bà Trần Thị Thúy Hồng, Giám đốc kinh doanh quốc tế Công ty CP Dược phẩm OPC, cho biết công ty đã có đối tác phân phối hàng tại Thái Lan nhưng sản phẩm chưa vào được kênh bán lẻ hiện đại. Với khả năng ký được hợp đồng xuất khẩu vào hệ thống bán lẻ lớn bậc nhất ở Thái Lan, sản phẩm của doanh nghiệp (DN) sẽ tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng Thái Lan.
"Qua quan sát thị trường, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng Thái Lan rất quan tâm những sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhãn hiệu OPC như dầu khuynh diệp, viên sủi multivitamin, vitamin C... Chúng tôi có thế mạnh về dược liệu, đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn và có nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe phù hợp với thị hiếu người Thái Lan nên tự tin tiếp cận sâu hơn thị trường này" - bà Hồng cho hay.
Người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng sản phẩm hàng Việt tại “Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan” do Bộ Công Thương phối hợp Central Retail tổ chức giữa tháng 11-2022
Cập nhật nhanh kết quả kết nối kinh doanh giữa 45 DN Việt Nam với 26 nhà mua hàng thuộc hệ thống Central Retail và các đối tác của tập đoàn này, đa số DN Việt Nam cho biết nhận được những đánh giá tích cực về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Thống kê của Central Retail Việt Nam cho thấy tập đoàn đã kết nối xuất khẩu thành công 500 sản phẩm Việt sang thị trường Thái Lan, trong đó có nhiều thương hiệu dần chinh phục thị trường và được người Thái Lan ưa chuộng như: cà phê Trung Nguyên, hạt điều Hải Bình, phở ăn liền Vifon, cà phê Mr.Việt, Vinamit...
Nhiều ý kiến đánh giá so với 5 năm trước, hàng Việt đã có bước tiến đáng kể về chất lượng, bao bì, mẫu mã và gắn với những câu chuyện về sản phẩm để tiếp cận khách hàng quốc tế.
Khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động tại một số hệ thống bán lẻ như Central Group, Big C ở Thái Lan, nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến xuất xứ Việt Nam, như cà phê, bánh tráng, trái cây sấy, trái cây tươi... được trưng bày ở vị trí đẹp, nhiều khách hàng chọn mua.
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại hệ thống MM Mega Market, cho biết từ khi tiếp nhận hệ thống Metro, MM Mega Market đã xuất khẩu khoai lang giống Nhật, ớt chuông, thanh long, cá phi lê... sang Thái Lan, Singapore và được ưa chuộng.
Với riêng Thái Lan, MM Mega Market tổ chức chương trình kết nối định kỳ với các tỉnh, thành để tìm cơ hội đưa thêm hàng Việt sang thị trường này. "Sản lượng hàng Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan tăng nhanh theo từng năm. Chúng tôi nỗ lực hết sức để tìm thêm nguồn hàng cạnh tranh với hàng Thái Lan về chất lượng, giá bán tại thị trường Thái Lan" - bà Nga cho hay.
Hỗ trợ tiếp cận thị trường
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại 2 nước Việt Nam - Thái Lan trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 17,8 tỉ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ năm 2016 đến nay, quy mô thương mại 2 chiều đã tăng gần gấp đôi, tốc độ tăng trưởng trung bình xấp xỉ 10%/năm.
Ông Phan Chí Thành, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan, cho biết kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt khoảng 7 tỉ USD/năm, tập trung chủ yếu ở mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, máy tính, điện thoại, sắt thép, dược phẩm...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan khoảng 12-13 tỉ USD/năm. Trong những năm gần đây, hàng Việt Nam được đất nước chùa vàng chấp nhận về chất lượng, mẫu mã bao bì, độ phong phú, đa dạng và giá cả nhưng vẫn còn gặp nhiều rào cản nên chưa thể phát triển mạnh tại thị trường này.
Phản ánh cụ thể về một số rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu sang Thái Lan, một số DN cho rằng quy định đăng ký lưu hành sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam kéo dài 6 tháng đến 1 năm gây nhiều bất tiện, thiệt thòi cho DN. Điều này dẫn đến hàng Việt, nhất là hàng thực phẩm, dù rất đa dạng, bao bì bắt mắt nhưng lại ít xuất hiện ở Thái Lan.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt sang Thái Lan, các DN Việt Nam cho rằng Chính phủ cần đàm phán để tháo gỡ điểm nghẽn liên quan đến rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn hàng hóa. Về phía DN Việt, cần tăng cường quảng bá, nghiên cứu thị trường, chú trọng cải tiến bao bì và đáp ứng tiêu chí an toàn thực phẩm.
Theo Đại sứ Phan Chí Thành, việc giảm bớt rào cản kỹ thuật sẽ giúp hai bên tự do hóa thương mại. Thực tế, nhiều sản phẩm tốt nhưng nhãn mác, bao bì, cách marketing chưa phù hợp khiến hàng Việt khó vào thị trường Thái Lan. "Có những sản phẩm, ví dụ sầu riêng, tưởng rằng không thể vào Thái Lan nhưng lại vào được. Quan trọng là DN Việt Nam phải có chiến lược marketing, tiếp cận thị trường và chăm sóc khách hàng" - Đại sứ Phan Chí Thành gợi ý.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Central Retail Việt Nam triển khai nghiên cứu thị trường, lựa chọn những DN có mặt hàng phù hợp với thị trường Thái Lan, tổ chức các khóa tập huấn thiết thực nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hàng hóa của DN và hỗ trợ phát triển sản phẩm riêng cho thị trường tiềm năng này.
Văn hóa dẫn đường cho thương mại
Đại sứ Phan Chí Thành cho biết trong tháng 12-2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan sẽ phối hợp với Hiệp hội Lụa Thái Lan tổ chức đêm trình diễn áo dài "Gặp gỡ lụa Thái" để quảng bá áo dài Việt Nam và sản phẩm lụa Thái. Buổi trình diễn sẽ kể câu chuyện lịch sử áo dài, sự kết hợp lụa Thái với lụa Việt. "Văn hóa đi trước tạo ra thị hiếu, từ đó mở đường cho thương mại theo sau. Việt Nam có nguồn lực hạn chế nên không thể quảng bá văn hóa rầm rộ nhưng trong giới hạn của mình, có thể cố gắng truyền tải, quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam đến người dân nước bạn" - Đại sứ Phan Chí Thành bày tỏ.
Bên cạnh đó, kiều bào tại TP Udon Thani (Thái Lan) đang lập dự án "Vietnam Town" đầu tiên trên thế giới, khi đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ quảng bá, đưa hàng Việt sang Thái Lan tốt hơn.