Đầu tư Hải Phát (HPX) nợ cao vượt vốn chủ, chuyển nhượng cổ phần của Hải Phát Land
CTCP Đầu tư Hải Phát (Mã: HPX) vừa lên kế hoạch chuyển nhượng cổ phàn Hải Phát Land trong bối cảnh nợ cao vượt vốn chủ, lượng tiền mặt còn rất thấp.
Hải Phát Invest lên kế hoạch chuyển nhượng 18% vốn điều lệ của Hải Phát Land
CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) vừa phê duyệt kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ 12,78 triệu cổ phần, tương đương 18% vốn điều lệ tại CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 của HPX, khoản đầu tư này được ghi nhận với giá trị 127,8 tỷ đồng. Đối tượng nhận chuyển nhượng là các tổ chức và cá nhân có nhu cầu.
Hải Phát Land hiện hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và đã triển khai nhiều dự án lớn trên cả nước như Roman Plaza, The Phoenix Garden, The Pride, Hanoi Homeland, Riversilk City (Hà Nam), Sunny Garden City và TNR Goldmark City. Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 19,8 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý II/2024 đạt gần 782 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ, trong khi nợ phải trả giảm 2,4%, về mức 2.080 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu còn gần 391 tỷ đồng, chủ yếu từ lô trái phiếu phát hành năm 2021 trị giá 400 tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng.
Ngoài việc thoái vốn tại Hải Phát Land, HPX cũng có kế hoạch thành lập CTCP Tư vấn Đầu tư và Quy hoạch quốc tế Opal với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, trong đó HPX góp 3,25 tỷ đồng, chiếm 65%. Đây sẽ là công ty con thứ 10 của HPX, bổ sung vào danh mục doanh nghiệp thuộc sở hữu.
Quý 3 khởi sắc, vẫn chậm kế hoạch năm
Theo BCTC Quý 3/2024, doanh thu thuần của HPX đạt 428,7 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 150,9 tỷ đồng, nhờ biên lãi gộp cải thiện từ 21,3% lên 35,2%.
Chi phí tài chính trong kỳ tăng mạnh, đạt 105,5 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm 32,8 tỷ đồng, phần còn lại đến từ các chi phí tài chính khác. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí tài chính gần như “ngốn” hết lợi nhuận gộp, gây áp lực lớn lên khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng tăng đột biến gấp 7 lần lên 27,5 tỷ đồng, và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 13,4 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, HPX ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 11,9 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, nhưng biên lãi ròng chỉ đạt 2,8%, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của ngành.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, HPX đạt doanh thu thuần 1.083,8 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế đạt 59,1 tỷ đồng, giảm 4%. Với kế hoạch cả năm 2024 đề ra doanh thu 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, HPX mới hoàn thành 37,1% mục tiêu doanh thu và 56,3% kế hoạch lợi nhuận. Điều này đặt ra áp lực lớn trong việc đạt được các chỉ tiêu kinh doanh còn lại.
Nợ cao vượt vốn chủ, tiền mặt còn ít
Về cơ cấu tài sản và nguồn vốn, tổng tài sản của Hải Phát Invest tại cuối Quý 3/2024 ghi nhận 8.105 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, cơ cấu tài sản cho thấy sự kém linh hoạt khi phần lớn tài sản nằm dưới dạng các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho bất động sản, chiếm lần lượt 44,3% và 33% tổng tài sản. Đặc biệt, lượng tiền mặt của công ty giảm mạnh xuống chỉ còn 18 tỷ đồng, làm tăng rủi ro thanh khoản.
Phần lớn nguồn vốn của HPX đến từ nợ phải trả, với tổng nợ chiếm 55% tổng nguồn vốn, tương đương 4.471 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính ngắn hạn đạt 1.345 tỷ đồng, giảm so với đầu kỳ, nhưng nợ vay dài hạn lại tăng lên 652 tỷ đồng, đưa tổng nợ vay lên gần 2.000 tỷ đồng. Điều này tiếp tục tạo áp lực chi phí lãi vay lớn, ảnh hưởng đến khả năng sinh lời trong tương lai.
Một điểm sáng tích cực là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong kỳ đạt 966 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thu hồi các khoản phải thu. Tuy nhiên, dòng tiền từ hoạt động tài chính cũng cho thấy HPX đã phải gia tăng vay nợ thêm 409 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước, cho thấy công ty vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay để duy trì hoạt động.
Nhìn chung, mặc dù kết quả kinh doanh Quý 3/2024 của Hải Phát Invest có một số điểm tích cực, nhưng áp lực từ chi phí tài chính và cấu trúc nguồn vốn mất cân đối đang là những thách thức lớn mà doanh nghiệp cần khắc phục trong thời gian tới.
Bích Diễm