A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công ty sở hữu TikTok lỗ hơn 7 tỷ USD

Công ty mẹ của TikTok, ByteDance, ghi nhận khoản lỗ gấp hơn ba lần năm 2020 lên hơn 7 tỷ USD trong năm ngoái do chi tiêu mạnh tay để duy trì đà tăng trưởng thần tốc, Wall Street Journal dẫn một báo cáo tài chính được chia sẻ trong vòng nhân viên công ty. Báo cáo cũng cho thấy ByteDance đã tạo ra lợi nhuận trong quý 1/2022.

Nếu đúng, điều này có nghĩa là ByteDance, một trong những startup giá trị nhất thế giới, đã đạt được bước ngoặt sau nhiều năm gánh chịu những khoản lỗ lớn.

Là công ty tư nhân có trụ sở tại Bắc Kinh, ByteDance vẫn luôn giấu kín các thông tin tài chính. Báo cáo trên – được gửi tới nhân viên hồi tháng 8, bao gồm kết quả kinh doanh của các năm 2020, 2021 và quý 1/2022 – cung cấp một cái nhìn chi tiết nhất về cách startup này hoạt động và lập kế hoạch cho tương lai.

Theo báo cáo, ByteDance có đà tăng trưởng nhanh về doanh thu, tích luỹ được một lượng lớn tiền mặt và các tài sản đầu tư khác, nhưng vẫn lỗ ròng do ghi nhận khoản lỗ chưa thực hiện trị giá hàng chục tỷ USD của chứng khoán chuyển đổi. Phần lớn do công tác xử lý kế toán đối với các chứng khoán đó nên khoản lỗ ròng của ByteDance tăng hơn 87% lên 84.9 tỷ USD trong năm 2021.

Trong khi đó, doanh thu của startup này tăng gần 80% lên 61.7 tỷ USD trong năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí cũng tăng mạnh do công ty tập trung vào tăng trưởng. Giá vốn hàng báncủa ByteDance là 27.4 tỷ USD, tăng 79% so với năm 2020.

Ngoài ra, công ty còn chi 14.6 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, 19.2 tỷ USD cho hoạt động bán hàng và tiếp thị và 75.6 tỷ USD liên quan tới thay đổi về giá trị thị trường đối với một loạt chứng khoán chuyển đổi. Tóm lại, chi phí của ByteDance tăng hơn 76% so với năm 2020.

Theo đó, công ty mẹ của TikTok ghi nhận khoản lỗ 7.15 tỷ USD trong năm ngoái, tăng từ mức 2.14 tỷ USD của năm 2020, báo cáo cho hay.

Mặc dù TikTok cho đến nay là sản phẩm phổ biến nhất của công ty tại thị trường Mỹ, song ByteDance cũng vận hành các ứng dụng khác được hàng trăm triệu người ở Trung Quốc sử dụng như ứng dụng chia sẻ video ngắn Douyin và Jinri Toutiao, hay Today’s Headlines.

Sang năm 2022, doanh thu của ByteDance đạt gần 18.3 tỷ USD trong quý 1, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở thời điểm này, ByteDance dường như đã bắt đầu kiềm chế chi phí của mình, với khoản lỗ ròng là 4.7 tỷ USD, giảm gần 84% so với mức 29.1 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Việc lỗ ròng giảm trong quý đầu tiên của năm 2022 cho thấy ByteDance đã điều chỉnh lại định giá của mình trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc siết quy định với các doanh nghiệp internet.

Tháng 8, ByteDance chính thức đưa nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop sang thị trường Singapore, đồng thời thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn thông qua Douyin, phiên bản của TikTok tại thị trường Trung Quốc.


Tác giả: Kim Dung (Theo Tech In Asia, WSJ)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết