Cổ phiếu nào ‘xông đất’ sàn HoSE năm Nhâm Dần?
EVN Genco 3 chính là là cổ phiếu “xông đất” sàn HoSE trong năm Nhâm Dần.
Tính đến cuối năm Tân Sửu (cuối tháng 1/2022), Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã cấp phép niêm yết cho 3 cổ phiếu, một cổ phiếu đã có ngày giao dịch chính thức và sẽ "xông đất" HoSE năm Nhâm Dần.
PGV là cổ phiếu "xông đất" HoSE năm Nhâm Dần.
Hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV được giao dịch trên HoSE từ 10/2
Hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV của Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco 3, UPCoM: PGV ) đã có phiên giao dịch cuối cùng trên UPCoM vào ngày 21/1 để chuyển qua niêm yết cổ phiếu trên HoSE. Ngày hủy đăng ký giao dịch là 24/1. Thị giá PVG ghi nhận mức 39.800 đồng/cp tại ngày giao dịch cuối cùng trên UPCoM, gấp đôi tính từ đầu tháng 9.
Theo thông báo của HoSE, cổ phiếu PGV sẽ có phiên giao dịch đầu tiên vào 10/2, giá tham chiếu 39.480 đồng/cp.
EVN Genco 3 là nhà sản xuất điện quy mô thứ 2 cả nước sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với tổng công suất khoảng 6.559 MW; tương đương khoảng 10% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia Việt Nam. Khởi đầu từ cụm các nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, hiện tổng công ty vận hành thêm các nhà máy điện công suất lớn khác trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Mông Dương và cụm 3 nhà máy thủy điện công suất 586 MW khai thác dòng sông Sêrêpốk. Bên cạnh điện khí, nhiệt điện than, thủy điện thì tổng công ty cũng phát triển cả điện mặt trời.
Cổ đông lớn nhất của EVN Genco 3 là EVN sở hữu 99,19% vốn.
Hoạt động kinh doanh của EVN Genco 3 liên tục cải thiện từ 2015 đến 2021, doanh thu tăng từ 28.167 tỷ đồng lên 37.695 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng từ 162 tỷ đồng lên 3.096 tỷ đồng.
Không có số liệu 2018 do năm cổ phần hóa. Đơn vị: tỷ đồng |
Cổ phiếu CTR được dự kiến có phiên giao dịch đầu tiên trên HoSE trong tháng 2
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo gần 93 triệu cổ phiếu CTR của Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel sẽ bị hủy đăng ký giao dịch từ 15/2, ngày giao dịch cuối cùng là 14/2. Công trình Viettel nhận được quyết định chấp thuận niêm yết của HoSE từ 17/12/2021 và dự kiến lên HoSE trong tháng 2.
Ban lãnh đạo xác định giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên sẽ là mức bình quân giá tham chiếu của 30 phiên giao dịch gần nhất trước khi hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM. Cổ phiếu CTR chốt phiên cuối năm Tân Sửu ở mức 84.500 đồng/cp, tăng 65% trong vòng 1 năm.
Công trình Viettel được thành lập 1995, là công ty thành viên quan trọng của Tập đoàn Viettel bên cạnh Viettel Global và Viettel Post. Đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và cho thuê hạ tầng kỹ thuật, xây lắp mạng lưới viễn thông và dân dụng, vận hành khai thác mạng lưới viễn thông…
Kết quả kinh doanh của Công trình Viettel tăng trưởng liên tục từ năm 2016 đến 2021, lợi nhuận trước thuế tăng từ 132 tỷ lên 472 tỷ đồng. Riêng năm 2021, doanh thu 7.454 tỷ đồng, đạt đỉnh từ khi thành lập và tăng 17% so với năm trước; lãi sau thuế 376 tỷ đồng, tăng 37%.
Đơn vị: tỷ đồng |
Năm 2022, Viettel Construction kỳ vọng doanh thu 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 387 tỷ đồng. Sang năm 2023, doanh nghiệp dự kiến đạt 9.059 tỷ đồng doanh thu và 426 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Viet Brand niêm yết cổ phiếu sau gần 3 năm giao dịch tại UPCoM
Cổ phiếu ABR của Công ty Đầu tư Nhãn hiệu Việt nhận được quyết định chấp thuận niêm yết của HoSE từ 24/12. Tính đến nay, doanh nghiệp chưa công bố ngày giao dịch cuối cùng trên UPCoM. HĐQT dự kiến cổ phiếu sẽ có phiên giao dịch đầu tiên tại HoSE trong tháng 3.
Viet Brand khởi đầu là xí nghiệp chế biến gỗ nhưng hiện nay tập trung vào 3 mũi nhọn là truyền thông số hóa, đầu tư hệ thống kênh bán lẻ và đầu tư nhãn hiệu. Viet Brand đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM giữa 2018. Từ số lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch chỉ 3 triệu đơn vị, đến nay đã tăng lên 20 triệu đơn vị nhưng thường xuyên không có giao dịch và thị giá đi ngang ở vùng 22.000 đồng/cp. Từ nửa cuối tháng 12/2021 bất ngờ tăng mạnh lên 29.000 đồng/cp, song với đà giảm của thị trường gần đây, cổ phiếu này đã giảm lại về vùng 21.800 đồng/cp, thanh khoản ghi nhận vài nghìn đơn vị mỗi phiên.
Kết quả kinh doanh của đơn vị đặc biệt nổi trội vào năm 2020 với doanh thu gấp 3,6 lần lên 98 tỷ đồng, lãi sau thuế gấp 3 lần lên 25 tỷ đồng. Viet Brand lý giải kết quả này đến từ sự điều chỉnh căn bản trong chiến lược kinh doanh. Cuối năm 2019, công ty đã chuyển đổi sang hình thức công ty đầu tư và thu nguồn lợi nhuận mới từ việc mua lại các công ty. Trong năm 2019, Viet Brand tiến hành thoái vốn khỏi Công ty TNHH Công nghiệp May và Giày da Phước Bình và đầ tư vào Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ cuộc sống mới – hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ internet, viễn thông.
Đơn vị: tỷ đồng |
Năm 2021, Viet Brand báo cáo doanh thu giảm 7,5% xuống 91 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 23% xuống 19 tỷ đồng.
Danh sách doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên HoSE còn khá dài với nhiều cái tên như Chứng khoán kiến thiết Việt Nam, Sơn Á Đông, Xây dựng và Năng lượng VCP, Lê Bảo Minh… Ngoài ra, Nova Consumer – đơn vị thành viên NovaGroup vừa thông báo chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) và dự kiến niêm yết HoSE trong quý II. Tôn Đông Á cũng đang trong quá trình IPO