A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội nào cho nguồn vốn doanh nghiệp?

Các chuyên gia kinh tế đã có những chia sẻ về câu chuyện tăng cơ hội vốn cho doanh nghiệp tại buổi tọa đàm "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới" tổ chức ngày 24/08/2022.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có ý kiến rằng vốn tín dụng của ngân hàng là yếu tố quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều đơn vị thậm chí phải vay vốn rất cao.

Các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm

Ông Minh cho rằng ngân hàng có 2 chính sách dành cho vốn doanh nghiệp là tín dụng và lãi suất. Về tín dụng, ông nhận định việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2022 là phù hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn.

Sau 8 tháng đầu năm, dư địa tín dụng còn lại là 4.7% trên tổng dư nợ (tương đương 450 ngàn tỷ đồng). Riêng tại TP.HCM, room tín dụng còn khoảng 150 ngàn tỷ đồng. Ông Minh nhận xét các doanh nghiệp vì thế sẽ không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện vay vốn, nếu không sẽ khó vay vì rủi ro nợ xấu cho ngân hàng.

Trong khi đó, chính sách lãi suất hơn 20 năm qua vẫn duy trì cơ chế lãi suất thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng, căn cứ vào quan hệ cung cầu vốn trên thị trường cũng như mức độ tín nhiệm của ngân hàng với khách hàng. Hiện tại, mức lãi suất cho vay ngắn hạn rơi vào khoảng 5-7%/năm - mức lãi được cho là phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.

Ông Minh cho rằng cơ chế hỗ trợ lãi suất 2% theo gói cấp bù lãi suất triển khai rất chậm. Nhận thấy điều này, Thống đốc NHNN đã ban hành chỉ thị ngày 16/08/2022 với nội dung đẩy nhanh, mạnh và đúng đối tượng triển khai gói bù lãi suất. Trong thời gian tới, các ngân hàng thương mại ở TP.HCM đã xây dựng được quy trình để đẩy mạnh cho vay nhanh hơn theo gói cấp bù này.

Doanh nghiệp quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng

Cũng tại diễn đàn, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc CTCP tư vấn đầu tư FIDT nhận định doanh nghiệp tại Việt Nam đang quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Ông cho biết từ khi room tín dụng ngưng hồi tháng 4/2022, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị tư vấn hỗ trợ tái cấu trúc nguồn vốn. Tuy nhiên, theo sổ sách đưa ra, doanh nghiệp lại chỉ lỗ nhẹ, do đó khó có căn cứ cho vay vốn.

Ông Huỳnh Minh Tuấn. Ảnh: Diễn đàn Doanh Nghiệp

Theo ông Tuấn, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến quản trị tài chính, đồng thời cần dự phòng cho những sự kiện “thiên nga đen” như dịch bệnh COVID-19 cùng nhiều bất ổn trong những năm qua; phải có thặng dư tài chính để không hoảng loạn huy động vốn; cần có hồ sơ, “profile” bài bản, minh bạch để tiến vào thị trường huy động vốn khi cần, bao gồm cả IPO hoặc các kênh kêu gọi vốn khác.

Chúng ta có thị trường vốn hóa đứng thứ 3 khu vực. Do đó, chiến lược để doanh nghiệp được phát hành ra công chúng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán hoặc được M&A rất quan trọng” - ông Tuấn nói.

Với 5 triệu nhà đầu tư cùng 600-700 triệu USD giao dịch mỗi ngày trên thị trường chứng khoán, ông Tuấn cho rằng đây là kênh huy động vốn tiềm năng và hiệu quả. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn pháp định rõ ràng, minh bạch, như vốn từ 120 tỷ đồng, hoạt động 2 năm liên tục có lãi và một số yêu cầu khác về hiệu suất. Ngoài ra, Giám đốc FIDT cho rằng mô hình kinh doanh cũng rất quan trọng với quá trình IPO, cần chuẩn bị mô hình có sự tăng trưởng đủ hấp dẫn, mục tiêu kinh doanh cụ thể, và mức giá chiết khấu đủ thu hút nhà đầu tư.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...