CEO ThinkZone gợi ý công thức gọi vốn "xôi thịt": Đặt KPI gặp 10 quỹ đầu tư/tuần, chuẩn bị luôn Q&A cho đối tác
Có rất nhiều nhà sáng lập tại Việt Nam mất cả năm để đi gọi vốn. Thông thường, thời gian của một vòng gọi vốn nên kéo dài trong vòng 3 tháng.
Thời gian tối ưu để gọi vốn: 3 tháng!
"Một startup nên gọi vốn khi nào? ", "Nên dành bao nhiêu thời gian cho việc gọi vốn?" ,... là những câu hỏi cơ bản nhưng chưa bao giờ là dễ dàng với các nhà sáng lập. Mỗi startup thường cần gọi vốn vài lần, và mục đích, mục tiêu mỗi lần cũng khác nhau.
Trong phiên thảo luận tại Shark Tank Forum 2022, ông Bùi Thành Đô - CEO quỹ ThinkZone cho hay, ở giai đoạn đầu khi hình thành ý tưởng, startup sẽ chưa cần ngay vài chục triệu USD hay vài triệu USD, họ còn phải kiểm chứng thị trường, nhân rộng và điều chỉnh mô hình kinh doanh.
"Có rất nhiều nhà sáng lập tại Việt Nam mất cả năm trời để đi gọi vốn. Thời gian từ khi bắt đầu có nhu cầu gọi vốn đến lúc thực sự cầm tiền về có khi mất hơn một năm. Sau chương trình Shark Tank, các startup cũng còn rất nhiều bước phía sau và với quỹ đầu tư chuyên nghiệp như chúng tôi thì thực sự còn khó khăn hơn. Khi founder không biết cách làm việc với quỹ thì thời gian các bạn gọi vốn sẽ rất kéo dài. Tuy nhiên, với các startup đã làm việc với nhà đầu tư hoặc từng vấp ngã thì khi quay trở lại làm startup lần thứ hai, lần ba thì các bạn có rất nhiều kinh nghiệm. Thông thường, thời gian của một vòng gọi vốn nên kéo dài trong vòng 3 tháng ", ông Bùi Thành Đô nhận định.
Tuy nhiên, để hoàn thành trong vòng 3 tháng, các nhà sáng lập cần phải biết rất rõ số vốn mình cần huy động, dùng cho việc gì. Bên cạnh đó, mỗi nhà đầu tư lại có những câu hỏi khác nhau nên để tiết kiệm thời gian và công sức, nhà sáng lập nên biết mình cần đưa ra con số gì, có số liệu đầy đủ. Thậm chí, founder nên chuẩn bị một bộ Q&A đầy đủ để nhà đầu tư tham khảo trước.
"Các bạn tưởng tượng để bước hoàn thành một vòng gọi vốn có khi phải tiếp xúc hàng chục nhà đầu tư. Nếu với nhà đầu tư nào, các bạn cũng phải trả lời một loạt câu hỏi như thế thì nói thật là các bạn không còn thời gian đi làm kinh doanh. Founder nào mà chỉ đi phục vụ, trả lời tất cả câu hỏi của tất cả các quỹ đầu tư thì có khi doanh nghiệp của bạn chưa nhận được vốn đã đi xuống rồi".
Công thức gọi vốn kiểu "xôi thịt"
CEO ThinkZone chia sẻ với startup một cách gọi vốn kiểu "xôi thịt" mà ông mới học được từ một chuyên gia.
Đầu tiên, startup hãy liệt kê ra những quỹ đầu tư tiềm năng và đặt KPI tối thiểu trong một tuần phải gặp 10 quỹ đầu tư. Trong tuần sau, bạn lại gặp 10 quỹ đầu tư mới. Cùng với đó, founder nên theo sát những quỹ nào quan tâm đến mình và sẵn sàng cho các bước, thủ tục pháp lý trong quá trình huy động vốn.
Trên thực tế, 90% dòng vốn đầu tư mạo hiểm đến từ nước ngoài và nhiều quỹ đầu tư nước ngoài không có sẵn pháp nhân ở Việt Nam nên có trở ngại trong việc đầu tư vào pháp nhân tại Việt Nam. Do đó, nhiều startup chọn thành lập ở Singapore và việc tái cấu trúc doanh nghiệp này cũng mất rất nhiều thời gian.
Ông Đô đánh giá, nếu startup không sẵn sàng cho những bước đi đó thì vòng gọi vốn sẽ không thể diễn ra một cách nhanh chóng.
Theo kinh nghiệm từ các chuyên gia, trước khi gọi vốn, startup nên tìm hiểu và lập một danh sách các nhà đầu tư có khẩu vị đầu tư (quy mô đầu tư, lĩnh vực quan tâm, giai đoạn đầu tư,...) phù hợp với startup của mình.
Các founder nên trò chuyện với các nhà đầu tư hiện tại để xin feedback về những nhà đầu tư mới có thể phù hợp với startup của mình, cùng cách tiếp cận cho phù hợp. Rất nhiều khi, bạn có thể nhờ nhà đầu tư hiện tại đứng ra làm người giới thiệu với các quỹ mới, tăng thêm uy tín và vị thế của startup khi thương thảo cùng các quỹ.
Trò chuyện với nhiều quỹ cùng một lúc sẽ tạo lợi thế thương lượng với startup, và cũng tăng khả năng startup tìm được nhà đầu tư phù hợp hơn.
Một quy trình gọi vốn thường diễn ra thế nào?
Việc gọi vốn thường sẽ khởi đầu bằng việc liên hệ các quỹ trong list của mình để hẹn gặp mặt, đó sẽ là buổi gặp mà bạn gửi Pitch Deck và pitch tổng quan về startup và cơ hội đầu tư. Đừng quên xin contact để tiện liên lạc với đại diện của quỹ.
Sau buổi gặp đầu tiên đó, quỹ thường sẽ thảo luận nội bộ để đánh giá sơ bộ, quá trình này thường kéo dài 1-2 tuần. Nếu quỹ cảm thấy hứng thú, bạn sẽ nhận được checklist về những nội dung/ số liệu mà quỹ cần để đánh giá startup rõ hơn. Đây là thời điểm bạn có thể ký NDA (Non-disclosure Agreement), gửi Data Room mà mình đã chuẩn bị cho quỹ và đi vào quá trình thẩm định.
Xuyên suốt quá trình thẩm định, quỹ sẽ liên tục hỏi kỹ hơn về sản phẩm, công nghệ, kết quả kinh doanh, đội ngũ,... để đánh giá tiềm năng và định giá của startup một cách toàn diện nhất. Hãy chuẩn bị tinh thần cho một vài buổi meeting nữa trong khoảng thời gian này.
Mỗi lần pitch trước nhà đầu tư, hãy quan sát xem thái độ của họ thế nào, đâu là phần họ hứng thú nhất, đâu là phần họ nghi ngờ nhất, rồi rút kinh nghiệm để hoàn thiện phần pitch của mình.
Sau 1-2 tháng, quỹ và startup sẽ thương lượng để chốt offer và đưa ra quyết định cuối cùng về việc có hợp tác đầu tư hay không. Nếu thương vụ được chốt, 2 bên sẽ tiền hành làm Term Sheet và các thủ tục đầu tư khác.
Sau Term sheet, bạn và các nhà đầu tư sẽ cần hoàn thiện thêm một số thủ tục như làm SHA (Shareholder Agreements) , thủ tục thành lập công ty ở Singapore (nếu có),...