"Cơn gió ngược" cản bước Thế giới di động, "vòng xoáy biến động" làm khó Hòa Phát, "tia nắng giữa mùa đông ảm đạm" sưởi ấm FPT
Năm 2022, nếu Thế giời di động phải đương đầu với "cơn gió ngược", Hòa Phát gặp "vòng xoáy biến động", thì FPT lại giống như "tia nắng giữa mùa đông ảm đạm". Không hẹn mà cả 3 vị Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, Trần Đình Long và Trương Gia Bình đều sử dụng những hình ảnh ví von có liên quan đến thời tiết để nói về năm 2022 đã qua.
Tập đoàn Thế Giới Di Động trải qua năm 2022 đầy thách thức do yếu tố khách quan là tình hình vĩ mô không thuận lợi và cả nguyên nhân chủ quan là quyết định tái cấu trúc một cách quyết liệt để vận hành tinh gọn và hiệu quả hơn. Công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 133.400 ngàn tỷ đồng và duy trì lợi nhuận sau thuế hơn 4.100 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 8% về doanh thu và giảm 16% về lợi nhuận ròng so với cùng kỳ 2021.
Lần đầu tiên kể từ khi niêm yết, MWG chỉ hoàn thành được 95% chỉ tiêu doanh thu và 65% chỉ tiêu lợi nhuận so với kế hoạch. Sau nhiều năm tăng trưởng cao và liên tục dồn sức cho mở rộng, những “cơn gió ngược” trong năm 2022 là cơ hội để Công ty tập trung rà soát hoạt động kinh doanh và củng cố nội lực của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh tình hình kinh doanh đang gặp không ít thách thức, cổ tức năm 2022 của MWG đã giảm đáng kể so với năm trước, dự kiến phương án chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt (01 cổ phiếu sẽ nhận 500 đồng). Ngoài ra, MWG cũng không phát hành ESOP do tăng trưởng âm năm 2022.
Nhận định kinh tế 2023 vẫn còn nhiều khó khăn do tình hình vĩ mô không thuận lợi, sức cầu yếu, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao,... do đó Ban lãnh đạo MWG đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần từ 135.000 - 150.000 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng kỳ vọng 4.200 tỷ - 4.700 tỷ đồng.
Các trụ cột chính trong năm 2023 vẫn là chuỗi Thegioididong.com và Điện Máy Xanh với định hướng duy trì và gia tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng, tối ưu danh mục hàng hóa, đẩy mạnh doanh số những sản phẩm/nhãn hàng còn tiềm năng tăng trưởng.
Về chuỗi Bách Hoá Xanh, MWG hi vọng chuỗi sẽ đạt điểm hoà vốn vào cuối năm 2023. MWG hiện đang "gánh" số lỗ luỹ kế 7.395 tỷ đồng với hệ thống Bách Hóa Xanh.
Hòa Phát - Vòng Xoáy biến động
2022 là năm đầu tiên kể từ 2008, Hòa Phát có biên lợi nhuận quý bị âm. Điều này không có gì khó hiểu khi cả ngành thép đã phải hứng chịu liên tiếp những khó khăn, bao gồm: Giá đầu vào nguyên vật liệu tăng, nhu cầu giảm sút, lãi suất, tỷ giá tăng.
95% doanh thu lợi nhuận của Hòa Phát đến từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép, vì thế doanh thu năm 2022 của Tập đoàn này chỉ đạt 89% kế hoạch đề ra, giảm 5% so với năm 2021. Lợi nhuận cả năm 2022 của Hòa Phát là 8.444 tỷ đồng, hoàn thành 34% kế hoạch.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản và điện máy gia dụng của Hòa Phát đạt mục tiêu đề ra, nhóm ngành điện lạnh đạt 200% kế hoạch nhưng doanh thu của toàn Tập đoàn sụt giảm chủ yếu do ngành thép giảm 76% lợi nhuận và nông nghiệp giảm 92% lợi nhuận so với cùng kỳ.
Năm 2022 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cổ đông tập đoàn Hòa Phát không được chia cổ tức.
Năm 2023, dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam chưa lạc quan hơn, tuy nhiên Chủ tịch Trần Đình Long cho biết Hòa Phát sẽ luôn thận trọng, tự tin và vững bước tiến lên, phát huy tốt những lợi thế của mình. Kế hoạch doanh thu năm 2023 của Hòa Phát là 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 8.000 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với năm 2022 và xuống thấp nhất 4 năm.
FPT 2022 - Tia nắng giữa mùa đông ảm đạm
Mở đầu thông điệp Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhận định, hậu đại dịch, năm 2022 vẫn được coi là mùa đông ảm đạm của nền kinh tế thế giới. Bình quân ba năm 2020 - 2022, tăng trưởng kinh tế thế giới đạt khoảng từ 1,6% đến 1,8%, giảm một nửa so với bình quân của giai đoạn trước.
Tại Việt Nam, hàng chục triệu người dân phải đối mặt với việc giá cả hàng hóa leo thang, năng lượng thiếu hụt, nguy cơ giảm thu nhập, thất nghiệp… Dẫu vậy, nền kinh tế Việt Nam có sự phục hồi sau ảnh hưởng từ đại dịch, GDP vượt 400 tỷ USD, tăng 8,02% so với năm và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Giữa mùa đông ảm đạm của nền kinh tế và thị trường lao động, kết quả kinh doanh của FPT góp "những tia nắng ấm áp": Doanh thu đạt 44.010 tỷ đồng, tăng 23,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 7.662 tỷ đồng, tăng 20,9%.
Với doanh thu lần đầu vượt 01 tỷ USD, Khối Công nghệ đóng góp 59% doanh thu và 44% lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn, tăng trưởng lần lượt 23,4% và 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Lần đầu tiên, doanh số ký mới của FPT tại nước ngoài đạt 01 tỷ USD sau 23 năm toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, sự kiện FPT ra mắt dòng chip vi mạch là 1 trong 10 sự kiện Công nghệ nổi bật nhất Việt Nam năm 2022.
Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết: "Chúng tôi hãnh diện vì hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt".
Mục tiêu doanh thu năm 2023 của FPT là 52.289 tỷ đồng, tăng 18,8% so với mức thực hiện năm 2022. Trong đó, doanh thu từ khối công nghệ dự kiến đạt 31.150 tỷ đồng, tăng trưởng 20,9%; doanh thu từ khối viễn thông đạt 16.739 tỷ đồng, tăng trưởng 13,6%; doanh thu từ khối giáo dục, đầu tư và hoạt động khác đạt 4.400 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh nhất ở mức 25,1%.
FPT lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 9.055 tỷ đồng, tăng 18,2% so với mức thực hiện năm 2022.